Một chiều tháng 4 oi ả, trong dòng người đến dâng hương Nghĩa trang Liệt sĩ A1, có một phụ nữ cao tuổi đứng lặng trước bảng ghi danh các anh hùng, liệt sĩ tỉnh Thái Bình đã hy sinh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Những người đi cùng đoàn gặng hỏi, bà trào nước mắt, chạm tay vào dòng tên khắc trên bảng, nghẹn ngào nói: “Đây là bố em. Bố tham gia và hy sinh tại đây, có tên nhưng không có mộ”.
Bà Oanh rưng rưng xúc động chụp ảnh với dòng tên cha - liệt sĩ Nguyễn Thiện Thuật. |
Bà là Nguyễn Thị Oanh (hiện sinh sống ở Hà Nội), con gái liệt sĩ Nguyễn Thiện Thuật (tỉnh Thái Bình). Bà đã nhiều lần cùng gia đình đến Điện Biên dâng hương cho bố và các đồng đội. Năm đặc biệt này, bà Oanh cùng các cán bộ hưu trí cơ quan cũ tham gia hành trình về nguồn hướng tới 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Một lần nữa bà trở lại mảnh đất bố đã gửi thân mình.
Trong vòng tay vỗ về, động viên của những người bạn hưu trí, bà Oanh kể: “Mãi sau này, gặp lại được người đồng đội cùng tiểu đội của bố, là người duy nhất còn sống sau chiến dịch, gia đình tôi mới biết, bố cùng các đồng chí khác tham gia đào hầm đặt bộc phá đánh Đồi A1. Ông đã hy sinh anh dũng, nằm lại mảnh đất này khi toàn thắng đã cận kề. Gia đình tôi đã nhiều lần lên tìm phần mộ bố nhưng chỉ tìm thấy tên ông trên bảng danh sách...”.
Cũng tại đây, bà Nguyễn Thảo Hương chăm chú rà từng hàng tên, tìm bác ruột đã hy sinh trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Đây là lần đầu tiên bà lên với Điện Biên, theo đoàn tham quan, về nguồn. Sau khi cùng thành viên đoàn dâng hương các phần mộ liệt sĩ, bà vội vàng trở ra bảng danh dự, tìm khu vực tỉnh, TP.Hà Nội, rà tên bác mình là liệt sĩ Phan Hữu Lưu. Dù chưa từng được gặp bác, nhưng đến với mảnh đất lịch sử, trong ngày tháng hào hùng cả nước hướng về Điện Biên, đọc tên bác trong hàng nghìn liệt sĩ đã anh dũng chiến đấu và hy sinh, bà rưng rưng nước mắt.
Cháu gái liệt sĩ Phan Hữu Lưu tìm được tên bác mình trong hàng ngàn tên liệt sĩ hy sinh trong chiến dịch Điện Biên Phủ. |
Xúc động, bà Hương cho biết: “Khi tôi sinh ra thì bác đã mất, tôi chỉ được bố mẹ, người nhà kể về bác-người lính bất khuất, kiên cường, niềm tự hào của cả dòng họ. Người nhà tôi đã lên tìm kiếm hài cốt, phần mộ bác nhưng không thấy. Hôm nay tôi mới có dịp đến Điện Biên-nơi bác yên nghỉ, thương bác lắm, chỉ biết dâng hương tại đây, bái vọng bác”.
Trong hàng vạn thanh niên xung phong ra trận ngày ấy, hàng nghìn người đã nằm lại chiến trường Điện Biên Phủ, xanh mãi tuổi mười tám, đôi mươi. Hiện trên mảnh đất Điện Biên có 3 nghĩa trang là nơi an nghỉ, quy tập hài cốt của các liệt sĩ hy sinh trong chiến dịch: Nghĩa trang Liệt sĩ A1, Nghĩa trang Liệt sĩ Độc Lập, Nghĩa trang Liệt sĩ Him Lam.
Tại đây hầu hết các phần mộ chưa xác định được danh tính. Và ở ngoài kia, nơi chiến trường rực lửa một thời, còn rất nhiều người anh hùng chưa được tìm thấy.
Mấy chục năm qua, khắp các nghĩa trang liệt sĩ, khắp nẻo đường, mảnh đất Điện Biên đã in biết bao dấu chân của thân nhân các liệt sĩ trong hành trình tìm người thân. Những thông tin dù mong manh nhưng họ vẫn không ngừng hy vọng và gửi gắm niềm nhớ thương sâu sắc...
Bài, ảnh: NGUYỄN HIỀN