Phát biểu thảo luận giám sát kết quả giải quyết kiến nghị cử tri gửi đến kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV vào chiều 23/5, Bà Huỳnh Thị Phúc, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đánh giá rất cao việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt, toàn diện, tạo điều kiện tối đa để cử tri và Nhân dân giám sát chặt chẽ các hoạt động của Quốc hội.
Bà Huỳnh Thị Phúc, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phát biểu tại phiên họp. |
Đại biểu Phúc cũng bày tỏ thống nhất cao đối với nội dung báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri gửi đến kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
Đại biểu Phúc cho biết: Đối với ý kiến cử tri thuộc thẩm quyền giải quyết của Trung ương tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng được Chính phủ, các cơ quan của Trung ương trả lời kịp thời, rõ ràng và thỏa đáng. Song theo theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cũng như phản ánh của cử tri tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu còn một số nội dung cần quan tâm nên đại biểu đề nghị cần quan tâm, như: Cử tri phản ánh người dân và doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn được hỗ trợ lãi suất theo Nghị quyết số 43 năm 2022 của Quốc hội và Nghị định số 31 năm 2022 của Chính phủ, Thông tư số 03 của Ngân hàng nhà nước còn thấp.
Đại biểu Phúc dẫn chứng, tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tính đến thời điểm 31/12/2023, chỉ có 08/43 Chi nhánh Ngân hàng thương mại phát sinh số liệu hỗ trợ lãi suất và 27/43 Chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn đã thực hiện cơ cấu nợ và giữ nguyên nhóm nợ.
Qua nghiên cứu thực tế, đại biểu Phúc cho biết: Các ngân hàng thương mại có khuynh hướng lo ngại phát sinh nợ xấu, ngại tránh nhiệm, do không thu hồi được nguồn vốn cho các doanh nghiệp vay theo chính sách ưu đãi lãi suất trong bối cảnh doanh nghiệp đang gặp khó khăn. Mặt khác, mặc dù lãi suất cho vay ưu đãi và giảm sâu, nhưng tiêu chí và điều kiện cho vay theo quy định của ngành Ngân hàng không thay đổi so với trước (khi trong điều kiện bình thường), một số doanh nghiệp vừa và nhỏ cần tiếp cận nguồn vốn vay, song tài sản thuế chấp không đủ, các hình thức vay tín chấp hoặc bảo lãnh không được áp dụng nên đã hạn chế sự tiếp cận của doanh nghiệp.
Một số doanh nghiệp đủ điều kiện nhưng từ chối nhận hỗ trợ lãi suất, chủ yếu là do cân nhắc giữa lợi ích từ hỗ trợ lãi suất 2% và chi phí bỏ ra khi nhận hỗ trợ lãi suất (theo dõi hồ sơ, chứng từ, tuân thủ các thủ tục hậu kiểm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền).
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng lo ngại trong trường hợp sau này nếu bị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định phải thu hồi số tiền hỗ trợ lãi suất thì rất khó xử lý vì lúc đó đã hạch toán lợi nhuận, chia cổ tức cho cổ đông.
Vì vậy, theo đại biểu để giải quyết thỏa đáng ý kiến cử tri, Chính phủ và Ngân hành nhà nước Việt Nam cần quan tâm cải cách hành chính về thủ tục tín dụng, đưa ra các tiêu chí, điều kiện cho vay đối với các chính sách liên quan thật thông thoáng, thuận lợi hơn so với điều kiện cho vay thông thường để người dân, doanh nghiệp dễ tiếp cận nguồn vốn vay và xem đây là trách nhiệm của ngành Ngân hàng, góp phần đưa chính sách của Quốc hội thực hiện hiệu quả và lan tỏa sâu rộng trong đời sống xã hội, thật sự giúp cho các doanh nghiệp, người dân có nguồn vốn để phục hồi phát triển doanh nghiệp, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội tăng trưởng tốt. Đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nội bộ, có biện pháp xử lý đối với các ngân hàng thương mại không thực hiện hoặc chậm thực hiện triển khai các chính sách này.
Về ý kiến cử tri quan tâm phản ánh tình trạng vé máy bay trong những tháng đầu năm 2024 tăng rất cao và đề nghị Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải có điều tiết vấn đề này, đại biểu Phúc cho biết: Qua nghiên cứu ý kiến cử tri, nhận thấy từ đầu năm 2024 đến nay, giá vé trung bình hạng phổ thông trên một số đường bay (giá đã bao gồm thuế, phí) của các hãng hàng không Việt Nam đều tăng so với cùng kỳ năm 2023. Giá vé tăng cao so với thu nhập của người dân, đồng thời giá vé cao nhưng xảy ra tình trạng khan hiếm vé ở nhiều chặng bay, trong đó có đường bay TP.HCM-Côn Đảo, nhất là sau khi Hãng hàng không Bamboo airway dừng khai thác đường bay này từ ngày 31/3/2024.
Từ đó, theo đại biểu, để giải vấn đề này, đại biểu đề nghị Bộ Giao thông vận tải có giải pháp để tăng tần suất khai thác và tăng cường hoạt động bay vào các khung giờ đêm tại các cảng hàng không, sân bay đủ điều kiện, nhất là trong giai đoạn cao điểm Hè năm 2024, các dịp lễ, tết. Chỉ đạo các cảng hàng không, đơn vị cung cấp dịch vụ hàng không đảm bảo nguồn nhân lực và phối hợp các hãng hàng không trong công tác phục vụ các chuyến bay, đặc biệt là các chuyến bay vào các khung giờ đêm, hỗ trợ, tạo điều kiện để các hãng hàng không duy trì, ổn định tối đa tỷ lệ, tần suất, đảm bảo đầy đủ các điều kiện về an toàn và năng lực khai thác.
CHÂU VŨ - MINH THIÊN (Từ Hà Nội)