Theo "Điện Biên Phủ-tuyển tập hồi ký (trong nước)" của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Nxb Chính trị Quốc gia xuất bản năm 2004: “Đúng 8 giờ sáng ngày 13/3/1954, những viên đạn sơn pháo của bộ đội ta bắn vào sân bay Mường Thanh làm 2 chiếc máy bay dakota của quân Pháp vừa hạ cánh xuống đây bị bốc cháy. Đó chính là những viên đạn đầu tiên mở màn của Chiến dịch Điện Biên Phủ”.
Tù binh Pháp bị quân ta bắt trong đợt tấn công thứ 2 vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. (Ảnh tư liệu: TTXVN) |
Mở toang cánh cửa phía Bắc của tập đoàn cứ điểm
Đến 17 giờ 5 phút chiều ngày 13/3/1954, sau hiệu lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, 40 khẩu pháo cỡ nòng 75 đến 120 ly đồng loạt nhả đạn vào các vị trí của quân Pháp trong cứ điểm Him Lam, bộ đội ta xuất kích bắt đầu trận đánh mở màn của Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Trận đánh cứ điểm Him Lam kéo dài đến 23 giờ 30 phút ngày 13/3/1954 thì kết thúc. Đại đoàn 312 đã hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt trung tâm đề kháng cứ điểm Him Lam, diệt 300 tên địch, bắt 200 tên, thu toàn bộ vũ khí, trang bị…
16 giờ 45 phút ngày 14/3/1954, bộ đội nổ súng đánh đồi Độc Lập. Trận đánh kéo dài đến 6 giờ 30 phút ngày 15/3/1954 thì kết thúc, cờ Quyết chiến-Quyết thắng đã được cắm trên đỉnh đồi Độc Lập.
Cả ngày 16/3/1954, hai bên ra sức củng cố trận địa. Tinh thần chiến đấu của bộ đội ta rất cao và bước vào chuẩn bị tiến đánh Bản Kéo. Về phía quân Pháp, tinh thần chiến đấu của đã bắt đầu hoang mang, nhiều nguỵ quân người dân tộc Thái đã ra hàng…
Sáng ngày 17/3/1954, thấy quân ta chuẩn bị tấn công, quân Pháp ở Bản Kéo sợ hãi bỏ chạy. Trung đoàn 36 của ta không cần nổ súng đã chiếm được Bản Kéo và thừa thắng tiến vào chiếm các ngọn đồi ở phía Bắc sân bay Mường Thanh.
Cũng trong ngày 17/3/1954, Bộ Chỉ huy Chiến dịch tổ chức hội nghị sơ kết đợt 1 tại Sở Chỉ huy Mường Phăng. Hội nghị kết luận: thành công của đợt 1 đã chứng tỏ ta tìm được cách đánh đúng, nên mặc dù kẻ địch hết sức đề phòng vẫn không tránh khỏi bị tiêu diệt. Chỉ sau 5 ngày chiến đấu, với việc bộ đội triệt hạ cứ điểm Him Lam, đồi Độc Lập, Bản Kéo đã mở toang cánh cửa phía Bắc của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Nỗi khiếp sợ của quân Pháp
Đợt tấn công thứ 2 của quân ta là đợt tấn công dài nhất, ác liệt nhất, bắt đầu từ 30/3 đến tháng 4/1954. Ở đợt tấn công này, một thời gian biểu hoàn toàn mới được áp dụng cho bộ đội đó là: Buổi sáng là giờ ngủ nghỉ, suốt đêm là thời gian đào trận địa, vây ép các cứ điểm, tạo nỗi khiếp sợ cho quân Pháp.
Đợt 2, quân ta đồng loạt tiến công các cứ điểm phía Đông phân khu trung tâm, thắt chặt vòng vây, chia cắt và liên tục tiến công, kiểm soát sân bay Mường Thanh, hạn chế tiếp viện của địch cho tập đoàn cứ điểm. Địch ngoan cố, muốn kéo dài thời gian. Nava hy vọng đến mùa mưa ta phải cởi vòng vây.
Đây là đợt tấn công dai dẳng, dài ngày nhất, quyết liệt nhất, gay go nhất, ta và địch giành giật nhau từng tấc đất, từng đoạn giao thông hào. Đặc biệt tại đồi C1, ta và địch giằng co nhau tới 20 ngày, đồi A1 giằng co tới 30 ngày. Sau đợt tấn công thứ 2, khu trung tâm Điện Biên Phủ đã nằm trong tầm bắn các loại súng của ta, quân địch rơi vào tình trạng bị động, mất tinh thần cao độ.
Tổng tiến công giành thắng lợi
Trong đợt 3 từ ngày 1/5 đến ngày 7/5/1954, quân ta đánh chiếm các cứ điểm phía Đông và mở đợt tổng công kích tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Đêm 6/5/1954, tại đồi A1 trận chiến đấu giữa ta và địch diễn ra quyết liệt. Quân ta ào ạt xông lên tiêu diệt các lô cốt và dùng thuốc nổ phá hầm ngầm. Chỉ huy đồi A1 và khoảng 400 tên địch còn sống sót xin hàng.
17 giờ 30 phút ngày 7/5/1954, ta chiếm sở chỉ huy của địch, tướng De Castries cùng toàn bộ Bộ tham mưu và binh lính tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ phải ra hàng. Lá cờ Quyết chiến-Quyết thắng của quân ta tung bay trên nóc hầm chỉ huy của địch. Ngay trong đêm đó, quân ta tiếp tục tiến công phân khu Nam, đánh địch tháo chạy về Thượng Lào, đến 24 giờ toàn bộ quân địch đã bị bắt làm tù binh.
Một ngày sau khi Pháp để Điện Biên Phủ thất thủ, ngày 8/5/1954, Hội nghị Genève bắt đầu bàn về vấn đề Đông Dương. Sau hội nghị này, Pháp công nhận quyền tự do, thống nhất, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các nước Đông Dương trong đó có Việt Nam, chính thức chấm dứt chế độ thực dân Pháp tại Đông Dương.
NGUYÊN CHƯƠNG
(Tổng hợp)