Cảnh sát biển Việt Nam và Ấn Độ: Thắt chặt mối quan hệ hữu nghị

Thứ Tư, 10/04/2024, 17:35 [GMT+7]
In bài này
.

Cuộc luyện tập chung xử lý ô nhiễm môi trường, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ trên biển giữa lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam và lực lượng Bảo vệ bờ biển Ấn Độ đã kết thúc tốt đẹp, làm sâu sắc thêm mối quan hệ hợp tác hữu nghị, hiểu biết và tin cậy lẫn nhau giữa 2 lực lượng nói riêng và 2 nước nói chung.

Tàu CSB 8005 và tàu Sumadra Paheredar-ICG 202 phun nước dập tắt đám cháy tàu trên biển.
Tàu CSB 8005 và tàu Sumadra Paheredar-ICG 202 phun nước dập tắt đám cháy tàu trên biển.

Phối hợp nhuần nhuyễn

Trước khi diễn ra cuộc luyện tập giữa tàu CSB 8005 thuộc Bộ Tư lệnh (BTL) Vùng Cảnh sát biển (CSB) 3 và tàu Sumadra Paheredar-ICG 202 lực lượng Bảo vệ bờ biển Ấn Độ tại vùng biển ngoài khơi tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Đại tá Nguyễn Minh Khánh, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng BTL Vùng CSB 3 đã quán triệt nhiệm vụ đối với cán bộ, sĩ quan, thủy thủ và nhân viên trên tàu. Theo đó, yếu tố then chốt, xuyên suốt trong quá trình luyện tập chung với lực lượng nước bạn là phải giữ vững đoàn kết, kỷ luật nghiêm, thực hiện nhuần nhuyễn, linh hoạt các quy trình đã được huấn luyện và hiệp đồng chặt chẽ.

“Kết quả của cuộc luyện tập chung không chỉ giao lưu hữu nghị, học hỏi, thắt chặt tình đoàn kết giữa lực lượng 2 nước mà còn để lại hình ảnh, ấn tượng của bạn bè quốc tế đối với lực lượng CSB Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và hiện đại”, Đại tá Nguyễn Minh Khánh nhấn mạnh.

Mở đầu cuộc luyện tập là hồi còi chào nhau từ tàu CSB 8005 và ICG 202. Tiếp đó, chỉ huy của 2 lực lượng nhanh chóng thực hiện chào hỏi qua bộ đàm và trao đổi, thống nhất các nội dung luyện tập. 

Tình huống giả định là có sự cố tràn dầu xảy ra trên vùng biển quốc tế, gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái, môi trường. Quy trình ứng phó sự cố khẩn cấp ngay lập tức được kích hoạt và tất cả các thủy thủ trên tàu được thông báo triển khai nhiệm vụ ứng phó sự cố tràn dầu. Tàu CSB 8005 và ICG 202 được điều động tham gia xử lý sự cố tràn dầu. Cùng với các trang thiết bị hiện đại chuyên dụng trên tàu, cán bộ sĩ quan cùng thủy thủ 2 lực lượng đã phối hợp, triển khai đồng bộ công tác kỹ thuật xử lý sự cố tràn dầu theo quy trình khoa học, nghiêm ngặt; tổ chức khoanh vùng, xử lý, thu gom triệt để lượng dầu tràn ra biển hoàn thành nhiệm vụ đề ra. 

Nhiệm vụ xử lý sự cố tràn dầu vừa kết thúc, 2 tàu nhận được tín hiệu SOS của 1 tàu đang bị hỏa hoạn trên biển. Vì vậy, tàu 8005 và ICG 202 tăng tốc đến hiện trường, tiếp cận tàu bị nạn, hiệp đồng phun vòi rồng dập tắt đám cháy. Sau 10 phút, đám cháy trên tàu đã được dập tắt hoàn toàn.

Tiếp đó, các tàu lại nhận thông tin có người bị nạn rơi xuống biển. Ngay lập tức, thông báo “Toàn tàu chú ý, toàn tàu chú ý, các tổ nghiệp vụ vào vị trí, các tổ nghiệp vụ vào vị trí…” được chỉ huy tàu CSB 8005 phát trên loa. Tọa độ người bị nạn được xác định. Các thủy thủ ngay lập tức có mặt tại vị trí hạ xuồng cao tốc. Với hệ thống hạ xuồng hiện đại, chỉ vài giây chiếc xuồng cao tốc đã đáp xuống mặt biển chở theo 4 thủy thủ, lướt đi trên mặt biển, tiếp cận vị trí người bị nạn để cứu hộ đưa về tàu sơ cấp cứu, bảo đảm an toàn tính mạng.

Tăng cường hợp tác hữu nghị

Sau buổi luyện tập, Thượng úy Trần Hữu Ngọc, Thuyền trưởng Tàu CSB 8005 cho biết, đây là hoạt động thiết thực để lực lượng 2 nước giao lưu, học hỏi về khả năng xử lý các tình huống của cán bộ và thủy thủ trong công tác ứng phó với các sự cố và thực thi nhiệm vụ trên biển.

“Qua từng nội dung huấn luyện, chúng tôi đã rút ra được những kinh nghiệm thực tiễn quý báu. Đồng thời, nhận diện được những ưu điểm, hạn chế cần khắc phục để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ cấp trên giao”, Thượng úy Trần Hữu Ngọc nói.

Đại tá Nguyễn Minh Khánh, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng BTL Vùng CSB 3 nhận định, hoạt động huấn luyện chung đã giúp cán bộ, sĩ quan 2 nước có thêm những kinh nghiệm thực tiễn trong công tác bảo đảm an toàn, an ninh, ứng phó với các sự cố trên biển. Qua đó, rèn luyện cho CBCS tính chủ động, sáng tạo, khả năng hành động, bản lĩnh, nâng cao năng lực tổ chức chỉ huy trong thực hiện các nhiệm vụ được giao.

“Cùng với việc luyện tập chung, các hoạt động trong chuyến thăm hữu nghị của lực lượng Bảo vệ bờ biển Ấn Độ tại Việt Nam còn mang ý nghĩa to lớn, hiện thực hóa bản ghi nhớ hợp tác giữa 2 lực lượng được ký vào năm 2015. Bên cạnh đó, tiếp tục khẳng định mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai lực lượng và tình cảm đoàn kết, hữu nghị truyền thống lâu đời của quân dân 2 nước”.

Chuẩn tướng Sudhir Ravindran, Trưởng đoàn lực lượng Bảo vệ Bờ biển Ấn Độ cho biết, công tác luyện tập chung và các hoạt động trong chuyến thăm hữu nghị tại Việt Nam sẽ góp phần tăng cường mối quan hệ hữu nghị, hợp tác, hiểu biết và tin cậy lẫn nhau giữa hai lực lượng trong thời gian tới. Đặc biệt, là cùng nhau hợp tác giải quyết các vấn đề toàn cầu về xử lý ô nhiễm môi trường biển, tìm kiếm, cứu nạn cứu hộ và bảo đảm an ninh, an toàn trên tuyến biển, mà nòng cốt là lực lượng chấp pháp trên biển của hai nước.

Bài, ảnh: BẢO KHÁNH

;
.