Sáng 11/3, sau lễ đón chính thức, tại thủ đô Wellington, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã hội đàm với Thủ tướng New Zealand Christopher Luxon.
Thủ tướng Phạm Minh Chính hội kiến Chủ tịch Quốc hội New Zealand Gerry Brownlee. Ảnh: Dương Giang |
Phát triển ổn định, ngày càng hiệu quả và sâu rộng
Tại cuộc hội đàm, Thủ tướng Christopher Luxon nhiệt liệt chào mừng Thủ tướng Phạm Minh Chính lần đầu tiên thăm chính thức New Zealand, là khách mời cấp cao nước ngoài đầu tiên của Chính phủ New Zealand kể từ khi chính phủ mới lên nắm quyền; bày tỏ tin tưởng chuyến thăm sẽ thành công tốt đẹp, góp phần đưa quan hệ song phương đi vào chiều sâu và thực chất. Thủ tướng Christopher Luxon bày tỏ ngưỡng mộ và chúc mừng những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn sự đón tiếp trọng thị và chu đáo của chính phủ, nhân dân New Zealand và cá nhân Thủ tướng Christopher Luxon và phu nhân dành cho đoàn; chúc mừng những thành tựu nổi bật chính phủ liên minh đã đạt được sau 100 ngày hoạt động đầu tiên, tin tưởng New Zealand dưới sự lãnh đạo của chính phủ mới sẽ phát triển mạnh mẽ, có vai trò ngày càng cao ở khu vực và quốc tế. Thủ tướng Phạm Minh Chính trân trọng chuyển lời thăm hỏi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và lãnh đạo cấp cao Việt Nam tới Thủ tướng Christopher Luxon.
Trong không khí thân mật, cởi mở, với tin cậy chính trị cao, hai nhà lãnh đạo bày tỏ hài lòng và thảo luận toàn diện về sự phát triển ổn định, ngày càng hiệu quả và sâu rộng của quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam - New Zealand trên tất cả các lĩnh vực chính trị - đối ngoại, kinh tế - thương mại, an ninh - quốc phòng, giáo dục - đào tạo, nông nghiệp, lao động, hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1975-2025) và 5 năm thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược (2020-2025); nhất là trao đổi đoàn cấp cao diễn ra thường xuyên; kim ngạch thương mại hai chiều tăng trưởng tích cực, đạt đến 60% giai đoạn 2017-2022.
Thống nhất các phương hướng lớn
Hai bên đã thống nhất các phương hướng lớn, làm sâu sắc hơn nữa hợp tác trong các lĩnh vực, được bao quát trong 3 cặp từ khóa “ổn định và củng cố”, “tăng cường và mở rộng”, “tăng tốc và bứt phá”.
Theo đó, thứ nhất, hai bên nhất trí ổn định và củng cố tin cậy chính trị, lòng tin chiến lược, hợp tác chính trị, ngoại giao, tạo nền tảng vững chắc hơn cho quan hệ song phương. Hai bên sẽ đẩy mạnh trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao và các cấp trên các kênh và triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác, trong đó có tiếp xúc định kỳ giữa hai thủ tướng và giữa các bộ trưởng.
Thứ hai, hai bên nhất trí tăng cường và mở rộng hợp tác trên tất cả các trụ cột hợp tác quan trọng của quan hệ Đối tác Chiến lược giữa hai nước, gồm kinh tế - thương mại - đầu tư, an ninh quốc phòng, nông nghiệp và giao lưu nhân dân. Theo đó, hai thủ tướng nhất trí tăng cường hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư; phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai chiều đạt mục tiêu 2 tỷ USD trong năm 2024 và 3 tỷ USD trong năm 2026; sớm tăng gấp đôi đầu tư hai chiều thông qua các biện pháp phù hợp, trong đó có mở cửa thị trường và giảm rào cản thương mại hai chiều.
Hai nhà lãnh đạo thống nhất tăng cường hợp tác nông nghiệp, trong đó có nghiên cứu, hợp tác, ứng phó với biến đổi khí hậu; phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nhân giống cây trồng, quản lý an toàn thực phẩm. Hai bên nhất trí mở rộng hợp tác văn hóa, giáo dục - đào tạo, giao lưu nhân dân.
Thứ ba, hai thủ tướng nhất trí tăng tốc và bứt phá trong hợp tác khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, chuyển giao công nghệ thân thiện môi trường, giảm phát thải, phát triển nông nghiệp, các ngành công nghệ mới nổi như trí tuệ nhân tạo (AI), chíp bán dẫn...; bứt phá trong hợp tác kinh tế biển, bảo vệ môi trường biển, nhất là về chia sẻ kinh nghiệm, xây dựng chính sách, chuyển giao công nghệ; tăng tốc trong hợp tác lao động, đào tạo nghề, tạo điều kiện cho lao động của Việt Nam sang làm việc tại New Zealand.
Trao đổi về vấn đề Biển Đông, hai thủ tướng tái khẳng định tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không tại Biển Đông; giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982; nhất trí trao đổi, chia sẻ thông tin và tăng cường hợp tác biển, cùng phấn đấu đưa Biển Đông thành vùng biển của hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
PHẠM TIẾP