Bộ đội Biên phòng và nhiệm vụ xuyên suốt trong lịch sử phát triển

Thứ Sáu, 01/03/2024, 18:01 [GMT+7]
In bài này
.

Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, ngày 03/3/1959, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số 100/TTg thành lập lực lượng Công an Nhân dân vũ trang, đó là: Thống nhất các đơn vị bộ đội thuộc Bộ Quốc phòng đang làm công tác bảo vệ nội địa, bảo vệ biên giới, giới tuyến và các đơn vị Công an Biên phòng, Cảnh sát vũ trang thành một lực lượng vũ trang chuyên trách công tác biên phòng và bảo vệ nội địa, lấy tên là Công an Nhân dân vũ trang, đặt dưới sự lãnh đạo của Bộ Công an.

Từ đây, nước ta chính thức có một lực lượng vũ trang chuyên trách công tác nội địa, biên phòng, tập trung thống nhất từ Trung ương đến cơ sở, theo 3 cấp. Từ đó, ngày 3/3/1959 chính thức trở thành Ngày truyền thống của Bộ đội Biên phòng.

Do yêu cầu của cách mạng trong chiến lược bảo vệ Biên giới Quốc gia ở từng giai đoạn, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng đã có những Nghị quyết lãnh đạo, chuyển giao lực lượng Biên phòng từ Bộ Công sang Bộ Quốc phòng và ngược lại.

Song trong mọi điều kiện, hoàn cảnh chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Biên phòng vẫn không thay đổi, với 3 tính chất cơ bản là an ninh, đối ngoại và quốc phòng.

Để có cơ sở pháp lý đầy đủ, xác định rõ nhiệm vụ công tác Biên phòng và chiến lược bảo vệ Biên giới Quốc gia trong tình hình mới, ngày 11/11/2020, tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Biên phòng Việt Nam. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022. Luật đã xác định một số nhiệm vụ cơ bản của Bộ đội Biên phòng như sau:

1. Thu thập thông tin, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình để thực hiện nhiệm vụ và đề xuất với Bộ Quốc phòng, Đảng, Nhà nước ban hành, chỉ đạo thực hiện chính sách, pháp luật về biên phòng.

2. Tham mưu cho Bộ Quốc phòng về công tác quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu và xây dựng lực lượng Bộ đội Biên phòng.

3. Thực hiện quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, hệ thống mốc quốc giới, vật đánh dấu, dấu hiệu đường biên giới, công trình biên giới, cửa khẩu; tổ chức kiểm tra việc thực hiện pháp luật về biên phòng.

4. Duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh với phương thức, thủ đoạn hoạt động của thế lực thù địch, phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân ở khu vực biên giới, cửa khẩu theo quy định của pháp luật.

5. Kiểm soát xuất nhập cảnh tại cửa khẩu do Bộ Quốc phòng quản lý và kiểm soát qua lại biên giới theo quy định của pháp luật.

6. Thực hiện hợp tác quốc tế về biên phòng, đối ngoại biên phòng; giải quyết sự kiện biên giới, cửa khẩu theo quy định của pháp luật.

7. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động Nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

8. Sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu chống xung đột vũ trang, chiến tranh xâm lược ở khu vực biên giới.

9. Tham mưu, làm nòng cốt trong xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân ở khu vực biên giới; tham gia xây dựng khu vực phòng thủ cấp tỉnh, cấp huyện biên giới, phòng thủ dân sự.

10. Tiếp nhận, sử dụng nhân lực, phương tiện dân sự để thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.

11. Tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, sắp xếp ổn định dân cư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo ở khu vực biên giới gắn với xây dựng, củng cố quốc phòng, an ninh.

12. Tham gia phòng, chống, ứng phó, khắc phục sự cố, thiên tai, thảm họa, biến đổi khí hậu, dịch bệnh; tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn ở khu vực biên giới.

HOÀNG TRỌNG HIỆP

;
.