Sáng 25/1, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã chủ trì Phiên họp lần thứ 7, nhiệm kỳ 2021-2026.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp lần thứ 7 Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương. Ảnh: DƯƠNG GIANG |
Điểm nhấn phát triển kết cấu hạ tầng
Về kết quả công tác thi đua, khen thưởng đã đạt được năm 2023, các báo cáo, ý kiến tại phiên họp thống nhất đánh giá, Hội đồng, Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã phát huy vai trò, triển khai tích cực, hiệu quả các hoạt động và hoàn thành tốt các nội dung, nhiệm vụ đã đề ra.
Phong trào thi đua “Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí” được hưởng ứng, triển khai đồng bộ, hiệu quả. Đây là một điểm sáng trong triển khai xây dựng hệ thống hạ tầng chiến lược. Nhờ đó, cả nước đã khởi công, khánh thành nhiều dự án hạ tầng quan trọng; năm 2023 đưa vào sử dụng 475km đường bộ cao tốc, nâng tổng chiều dài đường cao tốc đến nay khoảng 1.900km, là tiền đề để thực hiện thành công mục tiêu 3.000km cao tốc vào năm 2025...
Các bộ, ban, ngành, địa phương đã tổ chức phát động và triển khai các phong trào thi đua một cách phong phú, sôi nổi, thiết thực, rộng khắp, hướng vào việc thực hiện các nhiệm vụ khó, trọng tâm, cấp bách, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 (điển hình như các phong trào: Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới, Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau; Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở...).
Cùng với đó, công tác tôn vinh điển hình tiên tiến và khen thưởng được thực hiện kịp thời. Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành hơn 1.900 quyết định khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc...
Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý, phải phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hiện công tác khen thưởng bảo đảm đúng quy định, kịp thời, công khai, minh bạch. Tập thể, cá nhân được khen thưởng phải thực sự tiêu biểu, nỗ lực phấn đấu, đổi mới, sáng tạo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, nhất là trong những lĩnh vực mới nổi, các động lực tăng trưởng mới. |
Quan tâm các đối tượng ưu tiên
Kết luận phiên họp, Thủ tướng cho rằng công tác thi đua, khen thưởng còn một số hạn chế như cần ban hành thêm một số văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022; việc chỉ đạo, triển khai các nhiệm vụ của một số cụm thi đua, khối thi đua còn chậm, chưa bảo đảm thời gian quy định; các phong trào thi đua, đề xuất khen thưởng ở một số nơi chưa được chú trọng; công tác phát hiện, khen thưởng, tuyên truyền, nhân rộng các điển hình tiên tiến chưa đồng bộ...
Chỉ rõ các nguyên nhân khách quan, chủ quan, Thủ tướng lưu ý một số bài học kinh nghiệm. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu cần nâng cao hơn nữa nhận thức và cần thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Càng khó khăn thì càng phải thi đua” để huy động được sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, nỗ lực phấn đấu hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Phong trào thi đua phải bám sát nhiệm vụ chính trị, phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo triển khai có trọng tâm, trọng điểm, khả thi, thiết thực, hiệu quả, tránh bệnh hình thức.
Năm 2024, tình hình thế giới dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; khó khăn, thách thức nhiều hơn. Để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó có phát huy vai trò cực kỳ quan trọng của công tác thi đua, khen thưởng, Thủ tướng yêu cầu bám sát chủ đề điều hành “Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững” của Chính phủ, các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra, triển khai đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả các nhiệm vụ thi đua khen thưởng gắn với nhiệm vụ chính trị của từng bộ, ban, ngành, địa phương, tổ chức đoàn thể; khuyến khích tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Thủ tướng chỉ rõ, cần quan tâm khen thưởng các đối tượng ưu tiên, có tính lan tỏa cao như người lao động, nhà khoa học, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, đội ngũ giáo viên, y bác sĩ; tập thể và cá nhân ở cơ sở, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng phụ nữ tiêu biểu, người yếu thế có ý chí tự lực, tự cường vươn lên; các doanh nghiệp, doanh nhân sản xuất, kinh doanh giỏi...
PHẠM TIẾP