Đoàn ĐBQH tỉnh - Gắn bó mật thiết với cử tri và nhân dân

Thứ Sáu, 05/01/2024, 05:52 [GMT+7]
In bài này
.

Trải qua 78 năm hình thành và phát triển của Quốc hội Việt Nam, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (Đoàn ĐBQH tỉnh) qua các thời kỳ từng bước phát triển, không ngừng lớn mạnh, ngày càng tăng về số lượng, có đầy đủ các thành phần. Trong đó, có những đại biểu tham gia các vị trí quan trọng của Trung ương. Chất lượng hoạt động của Đoàn qua các khóa ngày càng được nâng cao. Kể từ khóa XV, chương trình hoạt động của Đoàn ngày càng hiệu quả, thiết thực, phát huy tốt nhất vai trò của đại biểu ở nghị trường cũng như trong thực tiễn. Mỗi đại biểu Quốc hội của Bà Rịa-Vũng Tàu đã không ngừng rèn luyện phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị, nâng cao năng lực chuyên môn để thực hiện có hiệu quả là người đại diện của Nhân dân trong hoạt động của Quốc hội.

Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khóa XV biểu quyết các vấn đề quan trọng của Đất nước tại Kỳ họp Quốc hội.
Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khóa XV biểu quyết các vấn đề quan trọng của Đất nước tại Kỳ họp Quốc hội

Đổi mới hoạt động thiết thực, hiệu quả gắn với thực tiễn

Trong năm 2023, Đoàn ĐBQH tỉnh, các vị ĐBQH tỉnh tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, bám sát chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền theo Hiến pháp, pháp luật, xác định khâu đột phá “Nâng cao chất lượng, hiệu quả tiếp xúc cử tri và trả lời ý kiến, kiến nghị cử tri”, tổ chức thực hiện có hiệu quả các mặt công tác, hoạt động.

 Trong công tác lập pháp, Đoàn ĐBQH đã chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức 28 hội nghị, hội thảo với hơn 14.000 lượt người tham dự lấy ý kiến góp ý đối với 35 dự Luật trình Kỳ họp bất thường lần thứ Hai, Kỳ họp thứ Năm và Sáu, Quốc hội khóa XV với nhiều hình thức đa dạng: Vừa lấy ý kiến bằng văn bản, phiếu khảo sát, hội nghị, hội thảo chuyên đề. Quá trình lấy ý kiến lập pháp, bảo đảm dân chủ thực chất, có sự tham gia rộng rãi của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và các thành phần liên quan. Nội dung gợi ý thảo luận cụ thể, tập trung vào những vấn đề trọng tâm, những vấn đề có nhiều quan điểm khác nhau. Các ý kiến góp ý luật chất lượng, không chạy theo số lượng, bám sát, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, không bị tác động bởi các quan điểm, tư tưởng lệch lạc. Với những cách làm trên, Đoàn ĐBQH đã tổng hợp được 728 ý kiến tham gia lập pháp có chất lượng. Tại các Kỳ họp Quốc hội, mỗi đại biểu Quốc hội của Đoàn đã nghiên cứu tham gia thảo luận tại Hội trường và tại Tổ với 59 lượt phát biểu đối với 35 dự luật. Các ý kiến của Đoàn ĐBQH đã được Ban soạn thảo tổng họp, tiếp thu, giải trình. Bên cạnh đó, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tích cực tham gia cùng Quốc hội rà soát đối với các văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam (trừ Hiến pháp) do các cơ quan ở Trung ương ban hành, còn hiệu lực đến thời điểm hiện nay, tập trung vào 22 lĩnh vực trọng tâm với tổng số 523 văn bản được rà soát gồm: 66 Luật, 02 Pháp lệnh, 08 Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; 167 Nghị định, 63 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 217 Thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ.

Trong công tác giám sát, hậu giám sát, Đoàn triển khai giám sát đối với 07 chuyên đề, trong đó có 02 chuyên đề giám sát tối cao do Quốc hội ủy quyền, 02 chuyên đề do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ủy quyền và 03 chuyên đề giám sát, hậu giám sát thuộc thẩm quyền của Đoàn. Công tác giám sát được chuẩn bị kỹ lưỡng với nhiều hình thức đổi mới, kết hợp giữa khảo sát, xem xét báo cáo với kiểm tra thực tế, tổ chức các cuộc làm việc với UBND tỉnh, UBND cấp huyện, các sở, ban, ngành có liên quan. Thành phần Đoàn giám sát được mở rộng. Nội dung giám sát được các Đoàn ĐBQH tập trung vào các lĩnh vực: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác phòng chống dịch Covid-19, y tế cơ sở, y tế dự phòng; 03 chương trình mục tiêu quốc gia; năng lượng; sách giáo khoa; dự án trọng điểm; chuyển đổi số... Sau mỗi cuộc giám sát đã đánh giá được thực trạng, làm rõ nguyên nhân của kết quả đạt được, những hạn chế, bất cập trong việc ban hành, cơ chế, chính sách và trong tổ chức thực hiện để ban hành kết luận giám sát, đề xuất cụ thể các giải pháp với Quốc hội, Chính phủ cho những vấn đề chung, đồng thời góp phần cùng với chính quyền địa phương khắc phục những khó khăn. Hiệu quả của các chuyên đề giám sát, hậu giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh thể hiện ở việc tập trung lựa chọn các vấn đề nóng, cấp bách, có trọng tâm, trọng điểm, bao quát, tập trung vào những vấn đề phát sinh từ thực tiễn, liên quan thiết thực đến quyền, lợi ích của Nhà nước và Nhân dân được cử tri và dư luận quan tâm, đã tạo sự chuyển biến tích cực cả về nhận thức và hành động thực tiễn, đáp ứng được yêu cầu của cử tri và Nhân dân.

Mang tiếng nói, nguyện vọng chính đáng của cử tri và Nhân dân đến với nghị trường

Mang tiếng nói,nguyện vọng chính đáng của cử tri và Nhân dân đến với nghị trường Quốc hội là một trong dấu ấn đậm nét của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh. Việc phát biểu ý kiến về các vấn đề quan trọng của đất nước tại hội trường và tại các phiên thảo luận Tổ, thảo luận tại Đoàn được các đại biểu Quốc hội thực hiện dân chủ, trách nhiệm, có sự trao đổi giữa thống nhất qua 05 lượt phát biểu thảo luận, tranh luận sôi nổi tại hội trường Diên Hồng, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, chất lượng, tâm huyết, trách nhiệm liên quan đến các nội dung: Công tác tổ chức, nhân sự cấp cao của Nhà nước; xem xét, quyết định về các vấn đề kinh tế - xã hội, tài chính, thuế, ngân sách nhà nước; cơ chế đặc thù cho các tỉnh, thành phố... Ngoài ra, Đoàn đặc biệt quan tâm thảo luận, quyết định các vấn đề quan trọng có liên quan đến địa phương như: Đề nghị bố trí vốn, danh mục đầu tư công trung hạn đối với các dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1); Dự án cấp lưới điện quốc gia cho huyện Côn Đảo; Dự án nâng cấp sân bay Côn Đảo; xử lý rác thải cho huyện Côn Đảo; Đề nghị rút ngắn thời gian thu phí, đối với dự án BOT Quốc lộ 51 trên địa bàn tỉnh; phương pháp đánh giá tăng trưởng GDP trên địa bàn tỉnh. Các vấn đề được xem xét, quyết định đã kịp thời giải quyết những vấn đề cấp bách trước mắt và quyết định những vấn đề quan trọng có tính chiến lược về tình hình triển khai và kết quả phát triển kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách nhà nước. Việc biểu quyết các vấn đề quan trọng của đất nước được Đoàn thực hiện với tinh thần trách nhiệm, thống nhất cao.

Bên cạnh đó, với tinh thần thẳng thắn, nghiêm túc, trách nhiệm và xây dựng cao, Đoàn ĐBQH tỉnh đã lựa chọn những nội dung chất vấn tại các Kỳ họp rất ngắn gọn, rõ ràng, có trọng tâm, đi thẳng vào vấn đề, vừa có tính thời sự, cấp bách trước mắt, vừa mang tính chiến lược lâu dài, để đặt câu hỏi chất vấn, tranh luận chất vấn, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn và mong mỏi của cử tri, Nhân dân cả nước. Các đại biểu đã bấm nút điện tử đăng ký 25 lượt chất vấn, tranh luận, trong đó được Chủ tọa phiên hợp mời tham gia 07 lượt chất vấn và tranh luận đối với các Bộ trưởng: Lao động Thương binh và xã hội; Dân tộc, Khoa học và công nghệ; Giao thông và vận tải; Thông tin và truyền thông, Nội vụ, Tài chính về các nội dung: Chính sách bảo hiểm xã hội; tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số; việc quản lý vận hành và sử dụng ngân sách nhà nước phục vụ nhiệm vụ khoa học công nghệ; trách nhiệm duy tu bảo trì tuyến Quốc lộ 51 và đầu tư nâng cấp mở rộng sân bay Côn Đảo; việc tháo gỡ các quảng cáo trên nền tảng số, thông tin sai sự thật, tin nhắn rác; tiền lương thu nhập của giáo viên và công chức cấp xã; việc mua bảo hiểm bắt buộc đối với xe máy.

Luôn gần dân, sát dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân

Đoàn ĐBQH tỉnh đã triển khai thực hiện khâu đột phá “Nâng cao chất lượng, hiệu quả tiếp xúc cử tri và trả lời ý kiến, kiến nghị cử tri”. Phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tổ chức 40 hội nghị tiếp xúc cử tri (TXCT) định kỳ, 05 hội nghị TXCT chuyên đề trước và sau kỳ họp thứ Năm và Sáu, với hơn 13.650 lượt cử tri tham dự. Phối hợp các cơ quan báo, đài Trung ương và địa phương tuyên truyền các hoạt động TXCT của Đoàn ĐBQH tỉnh tại 08 huyện, thị xã, thành phố, phát thanh trực tiếp đến 82 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Qua TXCT, đã tiếp nhận, phân loại, chuyển cơ quan có thẩm quyền giải quyết 227 lượt ý kiến, kiến nghị cử tri. Đã đôn đốc, giám sát và nhận được 227 văn bản trả lời 227/227 ý kiến, kiến nghị của cơ quan chức năng. Hiệu quả công tác tiếp xúc cử tri và trả lời ý kiến, kiến nghị cử tri có nhiều chuyển biến tích cực, thể hiện tốt vai trò cầu nối giữa cử tri với Quốc hội, giữa Trung ương với địa phương. Cấp ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam 02 cấp đã quan tâm phối hợp, hỗ trợ thực hiện tốt các hội nghị TXCT. Số cuộc TXCT đã tăng so với các lần TXCT của kỳ họp lần thứ Tư trở về trước. Hình thức TXCT linh hoạt, phù hợp yêu cầu thực tiễn địa phương dưới nhiều hình thức: Định kỳ, hội nghị, chuyên đề, trực tiếp, thông tin và phát thanh đến cơ sở. Địa điểm TXCT được lựa chọn tới tận xã, phường, thị trấn, khu dân cư để bảo đảm thuận lợi cho cử tri nắm bắt thông tin, tham gia gửi nhiều ý kiến hay, tâm huyết đến hội nghị và gặp gỡ các vị đại biểu Quốc hội. Phần lớn ý kiến cử tri tập trung vào những vấn đề chung của đất nước, của tỉnh. Đa số kiến nghị cử tri qua đôn đốc giám sát của Đoàn đã được các cơ quan Trung ương và địa phương trả lời đúng trọng tâm, giải quyết thấu đáo vấn đề cử tri kiến nghị.

Bên cạnh đó, Đoàn ĐBQH đã phân công lãnh đạo Đoàn tiếp công dân, tổ chức các buổi tiếp công dân định kỳ hàng tháng và tiếp khi có công dân yêu cầu với 38 lượt công dân đến trình bày các thông tin về khiếu nại, tố cáo, kiến nghị. Sau khi công dân được phân tích, giải thích pháp luật, có 04 trường hợp rút đơn, 34 trường hợp đồng thuận chờ kết quả giải quyết của cơ quan có thẩm quyền, không tiếp tục gửi đơn thư vượt cấp. Cùng với việc tiếp công dân, Đoàn đã tiếp nhận, phân loại, xử lý 393 đơn thư có nội dung liên quan đến lĩnh vực đất đai, bồi thường, tái định cư; chính sách đối với người có công; áp dụng pháp luật tố tụng hình sự, dân sự; một số đơn, thư khiếu nại, tố cáo. Đoàn đã ban hành 180 văn bản chuyển đơn và giám sát, đôn đốc, theo dõi chặt chẽ kết quả giải quyết đơn. Lưu theo quy định: 213 đơn; không có đơn thư tồn đọng. Số đơn thư đã được các cơ quan có trách nhiệm giải quyết, trả lời: 180. Phần lớn kết quả trả lời, được cử tri đồng thuận, góp phần làm giảm việc khiếu kiện vượt cấp.

Trong năm, Đoàn ĐBQH tỉnh còn phối hợp UBMTTQ Việt Nam tỉnh và các đơn vị, tổ chức hoạt động thăm hỏi, động viên, tri ân các tập thể, người có công, cá nhân tiêu biểu, các đơn vị lực lượng vũ trang, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh nhân các ngày lễ lớn của đất nước, các dịp lễ, Tết Nguyên đán 2023, tặng quà cho các hộ gia đình đồng bào có hoàn cảnh khó khăn tại tỉnh Đăk Lăk; phối hợp Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh thăm, tặng quà cán bộ, nhân viên ngành Y tế nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2); phối hợp với Liên đoàn lao động tỉnh tặng quà cho công nhân lao động với 605 xuất quà và 528 triệu đồng từ nguồn kinh phí hoạt động của Đoàn ĐBQH và nguồn vận động. Hoạt động xã hội của Đoàn ĐBQH tỉnh đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng cử tri về tinh thần tương thân tương ái, đền ơn đáp nghĩa, chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho đối tượng chính sách và người yếu thế, gặp hoàn cảnh khó khăn trong xã hội.

Năm 2023, là năm khối lượng công việc của Quốc hội rất lớn, với 02 kỳ họp thường kỳ, 03 kỳ họp bất thườngvà nhiều nội dung quan trọng được tiến hành, nhưng với phương châm luôn “gần dân, sát dân, trọng dân, học dân” và “gắn bó mật thiết với cử tri và Nhân dân” Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã chủ động đổi mới, linh hoạt, trách nhiệm trong điều hành trên các mặt công tác, hoạt động, luôn luôn hành động vì lợi ích của Nhân dân, quốc gia, dân tộc góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đạt được những thành tựu đáng khích lệ, góp phần tích cực trong nâng cao vị thế, uy tín của Quốc hội, của đất nước và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, xứng đáng với vai trò, trách nhiệm là người đại biểu dân cử và niềm tin, kỳ vọng của cử tri và Nhân dân

CHÂU VŨ

 

;
.