Tìm phương án thấu đáo hưởng BHXH một lần

Thứ Năm, 23/11/2023, 18:56 [GMT+7]
In bài này
.

Tiếp tục Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, ngày 23/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật BHXH (sửa đổi). Trong đó, nội dung về hưởng BHXH một lần được đại biểu đặc biệt quan tâm.

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, việc quy định mức tiền cụ thể liên quan đến trợ cấp hưu trí xã hội là không nên. Ảnh: Q.H
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, việc quy định mức tiền cụ thể liên quan đến trợ cấp hưu trí xã hội là không nên. Ảnh: Q.H

Bảo đảm quyền rút BHXH một lần của người lao động

Các đại biểu Quốc hội cho rằng tình trạng người lao động (NLĐ) hưởng BHXH một lần có xu hướng gia tăng trong thời gian qua là một thực tế đáng lo ngại đối với việc thực hiện mục tiêu an sinh xã hội cho toàn dân.

Để có thể khắc phục được tình trạng số người nhận BHXH một lần tăng lên hằng năm như thời gian gần đây, đại biểu Sùng A Lềnh (Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai) cho rằng, cần phân tích, đánh giá kỹ lưỡng để xác định nguyên nhân cơ bản của tình trạng này, nhằm có giải pháp căn cơ và có chính sách đồng bộ về BHXH.

Về 2 phương án hưởng BHXH một lần trong dự thảo, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm (Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang) cho rằng cả hai phương án đều không thực hiện được mục tiêu xây dựng luật là mở rộng gia tăng quyền, lợi ích, tạo sự hấp dẫn để thu hút NLĐ tham gia BHXH.

Đại biểu kiến nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu và lấy ý kiến các đối tượng chịu tác động trực tiếp, có xem xét dưới góc độ giới để có phương án thấu đáo, đáp ứng quyền lợi thực chất và nguyện vọng của NLĐ về việc hưởng BHXH một lần.

Đại biểu Tô Văn Tám (Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum) đề nghị cần tôn trọng, ghi nhận quyền của người đóng BHXH khi họ không còn điều kiện tham gia. Đồng thời nên quy định theo hướng NLĐ được lựa chọn hưởng BHXH một lần và chỉ được rút phần mình đã đóng, còn phần mà người sử dụng lao động đóng thì được Nhà nước bảo lưu để NLĐ tiếp tục đóng hoặc hưởng khi hết độ tuổi lao động.

Nên giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội

Quan tâm tới chế độ trợ cấp hưu trí xã hội, đại biểu Nguyễn Thị Huế (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn) cho biết, Điều 20 dự thảo quy định đối tượng áp dụng trợ cấp hưu trí xã hội là công dân Việt Nam đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định của pháp luật. Mặt khác, khoản 1 Điều 21 dự thảo quy định điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội là đủ 75 tuổi trở lên và không có lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng khác theo quy định của Chính phủ.

Theo đó, độ tuổi quy định tại Điều 21 khác với độ tuổi mà NLĐ tham gia BHXH bắt buộc để được hưởng chế độ hưu trí quy định tại Điều 64 dự thảo và Điều 169 Bộ luật Lao động… Đại biểu cho rằng, quy định như vậy vừa mâu thuẫn giữa Điều 20 và Điều 21, vừa gây khó hiểu trong quá trình thực thi; mà thực chất đây là chính sách trợ cấp cho người cao tuổi chưa được hưởng bất kỳ chế độ nào.

Để dễ hiểu và thuận lợi cho quá trình thực hiện, đại biểu đề nghị gộp quy định tại Điều 20 và Điều 21 thành một điều chung là đối tượng, điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội sửa lại như sau: “Đối tượng áp dụng trợ cấp hưu trí xã hội là công dân Việt Nam đủ 75 tuổi trở lên không có lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng khác theo quy định của Chính phủ”.

Đại biểu cũng cho biết, người cao tuổi từ 75 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng khác thì việc hạ độ tuổi giúp họ có khoản trợ cấp hằng tháng để cải thiện cuộc sống, sử dụng thẻ BHYT để khám chữa bệnh.

Đại biểu ước tính, hiện nay có khoảng 1,5 triệu người từ 80 tuổi trở lên không có lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng đang được hưởng trợ cấp xã hội. Khi giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 xuống 75 tuổi sẽ có thêm khoảng gần 800.000 người cao tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội và BHYT.

Phát biểu ý kiến, đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) cho rằng, việc quy định mức tiền cụ thể trong quy định liên quan đến trợ cấp hưu trí xã hội là không nên, vì sẽ có trượt giá và các vấn đề liên quan đến lương hưu ở các thời điểm khác nhau. Luật xây dựng hướng đến việc có thể áp dụng trong thời gian dài, nên cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra cần cân nhắc xem xét, sửa đổi theo hướng quy định như mức lương cơ sở và tính trượt giá. Các nội dung cụ thể thì giao Chính phủ quy định để bảo đảm phù hợp, có mức tương đồng theo hướng tốt hơn so với Luật Người cao tuổi.

NGỌC NGUYỄN

 
;
.