.

Quốc hội thảo luận Dự án Luật Đất đai (sửa đổi)

Cập nhật: 10:08, 03/11/2023 (GMT+7)

Sáng 3/11, trong chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH).

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Dưới đây là nội dung Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi):

* Đối với các nội dung có 1 phương án:

 Về thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng (Điều 78 và Điều 79), dự thảo Luật bổ sung trường hợp trường hợp thu hồi đất để làm ga, cảng, công trình thông tin an ninh tại khoản 4 Điều 78 đồng thời bổ sung trường hợp thu hồi đất để “thực hiện các dự án đã được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật”. Theo quy định này các dự án của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài không thuộc các trường hợp quy định từ khoản 1 đến khoản 30 của Điều 79 nhưng nếu được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định chủ trương đầu tư thì sẽ thực hiện thu hồi đất. Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định về “thực hiện các dự án, công trình vì mục đích lợi ích quốc gia, công cộng không thuộc các trường hợp quy định từ khoản 1 đến khoản 31 của Điều này thì Quốc hội sửa đổi, bổ sung về các trường hợp thu hồi đất của Luật này theo trình tự, thủ tục rút gọn”.

 Về điều kiện về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng liên quan (khoản 3 Điều 80 và khoản 5 Điều 87), Dự thảo Luật đã bổ sung về một trong những trường hợp đáp ứng điều kiện đã hoàn thành việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và việc bố trí tái định cư để ban hành quyết định thu hồi đất là sau khi “người có đất bị thu hồi tự nguyện bàn giao đất cho Nhà nước và đã được bố trí tạm cư hoặc được chi trả kinh phí tạm cư” (khoản 5 Điều 87) nhằm khuyến khích người dân tự nguyện bàn giao diện tích đất bị thu hồi, góp phần đẩy nhanh công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, cũng là góp phần giúp dự án đầu tư sớm được triển khai trên thực tế mà vẫn bảo đảm yêu cầu hạn chế ảnh hưởng tới cuộc sống, sinh hoạt của người dân.

Về các trường hợp cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần và hằng năm (khoản 2 Điều 121), dự thảo Luật bổ sung tương ứng tại điểm b khoản 1 Điều 121 về trường hợp cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần.

Về đối tượng được sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế (khoản 1 Điều 202), UBTVQH đề nghị Chính phủ làm rõ đối tượng này là “doanh nghiệp kết hợp kinh tế với QPAN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý” hay bao gồm cả doanh nghiệp kết hợp kinh tế với QPAN do Nhà nước nắm giữ từ 50% đến dưới 100% vốn; cân nhắc việc mở rộng đối tượng áp dụng không phù hợp với nguyên tắc luật hóa các quy định của Nghị quyết số 132/2020/QH14 có tính chất thí điểm với đối tượng áp dụng và phạm vi áp dụng giới hạn.

* Đối với các nội dung có 2 Phương án:

Về quyền và nghĩa vụ về sử dụng đất ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài (khoản 5 Điều 4, điểm e khoản 1 Điều 28, điểm đ khoản 1 Điều 37, Điều 44, khoản 1 Điều 181, khoản 4 Điều 184, khoản 1 Điều 188), có số ý kiến đề nghị chỉnh sửa quy định theo hướng đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài có quốc tịch Việt Nam là công dân Việt Nam thì có đầy đủ các quyền liên quan đến đất đai (không chỉ riêng quyền đối với đất ở) như công dân Việt Nam ở trong nước (cá nhân trong nước); giữ chính sách như pháp luật hiện hành đối với người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài (không có quốc tịch Việt Nam). Trên cơ sở các ý kiến này và ý kiến của Chính phủ dự thảo Luật thiết kế 02 phương án:

Phương án 1: Tiếp thu các ý kiến, chỉnh sửa quy định nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng đầu tư và thu hút kiều hối từ công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài. Theo hướng này, cần rà soát quy định có liên quan đến quyền sử dụng đất của người Việt Nam định cư ở nước ngoài tại các luật khác như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, quy trình, thủ tục xác nhận công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài… Phương án 2: Giữ như quy định của pháp luật hiện hành, người Việt Nam định cư ở nước ngoài có quốc tịch Việt Nam có các quyền sử dụng đất như người Việt Nam định cư ở nước ngoài không có quốc tịch Việt Nam (người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài). Đa số ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với Phương án 1 và xin ý kiến Quốc hội về nội dung này.

Về quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng đất thuê trả tiền hằng năm (Điều 34), dự thảo Luật đã loại trừ quyền của đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) đối với việc bán, góp vốn bằng quyền thuê trong hợp đồng thuê đất. Đối với tài sản gắn liền với đất, có 02 phương án. Phương án 1: ĐVSNCL khi lựa chọn hình thức thuê trả tiền hằng năm thì không được quyền bán, quyền thế chấp, góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất thuê. Mặc dù là tài sản do ĐVSNCL tạo lập, nhưng do pháp luật dân sự quy định việc xử lý tài sản trên đất và đất phải thực hiện đồng bộ nên Phương án này giúp bảo toàn đất có nguồn gốc là đất do Nhà nước giao cho ĐVSNCL sử dụng (nay chuyển sang hình thức thuê đất). Phương án 2: ĐVSNCL khi lựa chọn hình thức thuê trả tiền hằng năm thì được quyền bán, quyền thế chấp, góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất thuê. Chính phủ đề xuất theo hướng này tại Báo cáo số 598/BC-CP. Đa số ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với Phương án 1 và xin ý kiến Quốc hội về nội dung này.

Về cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng đất trồng lúa (khoản 7 Điều 45), Có nhiều ý kiến đề nghị đối với đất trồng lúa thì cá nhân phải thành lập tổ chức kèm theo phương án sử dụng đất tích tụ để báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, không được gom đất để chờ chuyển đổi mục đích sử dụng đất nhằm bảo đảm địa phương có thể giữ đất lúa vì mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.Về nội dung này, dự thảo Luật thiết kế 03 phương án liên quan đến điều kiện đối với cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp khi nhận chuyển nhượng đất trồng lúa như sau: Phương án 1: Phải thành lập tổ chức kinh tế và có phương án sử dụng đất trồng lúa trong mọi trường hợp. Phương án 2: Không giới hạn về điều kiện theo đề xuất của Chính phủ. Phương án 3: Phải thành lập tổ chức kinh tế và có phương án sử dụng đất trồng lúa khi cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng đất trồng lúa quá hạn mức theo quy định tại khoản 1 Điều 177.  Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin ý kiến Quốc hội về nội dung này.

Về nguyên tắc lập và phê duyệt quy hoạch sử dụng đất các cấp (khoản 9 Điều 60), nội dung này, có 3 phương án. Phương án 1: Cho phép các quy hoạch sử dụng đất được lập đồng thời nhưng quy hoạch cấp cao hơn phải được phê duyệt, quyết định trước quy hoạch thấp hơn. Khi kết thúc thời kỳ quy hoạch sử dụng đất mà quy hoạch thời kỳ mới chưa được cấp có thẩm quyền quyết định, phê duyệt thì tiếp tục thực hiện các chỉ tiêu chưa thực hiện hết đến khi quy hoạch sử dụng đất thời kỳ tiếp theo được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, phê duyệt. Phương án 2: Các quy hoạch sử dụng đất được lập đồng thời; quy hoạch được lập, thẩm định xong trước được quyết định hoặc phê duyệt trước. Sau khi quy hoạch được quyết định hoặc phê duyệt, nếu có mâu thuẫn thì quy hoạch thấp hơn phải điều chỉnh phù hợp quy hoạch cao hơn.. Phương án 3: Quy hoạch sử dụng đất các cấp được lập, quyết định, phê duyệt theo quy định của pháp luật về quy hoạch. Đa số ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với Phương án 1 và xin ý kiến Quốc hội về nội dung này.

Về chỉ tiêu sử dụng đất được xác định trong nội dung quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh và cấp huyện (Điều 65 và Điều 66), dự thảo có 02 phương án. Phương án 1: Các địa phương xác định chỉ tiêu các loại đất tại quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh đã được phân bổ trong quy hoạch sử dụng đất quốc gia và chỉ tiêu các loại đất theo nhu cầu sử dụng đất cấp tỉnh; xác định chỉ tiêu các loại đất tại quy hoạch sử dụng đất cấp huyện theo nhu cầu sử dụng đất của cấp huyện và cấp xã. Phương án 2: Quy định tại Luật những loại đất cần xác định chỉ tiêu tại quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh và cấp huyện. Đa số ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với Phương án 1 và xin ý kiến Quốc hội về nội dung này.

 Về tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất cấp tỉnh, chỉ tiêu sử dụng đất cấp huyện (Điều 76), Phương án 1: Bổ sung khoản 9 quy định về “Chính phủ ban hành nguyên tắc phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất cấp tỉnh, chỉ tiêu sử dụng đất cấp huyện”; khẳng định nguyên tắc khoa học, hợp lý trong phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất các cấp, tránh tùy tiện trong quá trình tổ chức thực hiện. Phương án 2: Giữ quy định như dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, không quy định về nguyên tắc phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất cấp tỉnh, chỉ tiêu sử dụng đất cấp huyện, tạo sự linh hoạt trong quá trình tổ chức thực hiện. Đa số ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với Phương án 1 và xin ý kiến Quốc hội về nội dung này.

Về thực hiện dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở và kinh doanh thương mại, dịch vụ (khoản 27 Điều 79, điểm b khoản 1 Điều 126, điểm a khoản 1 Điều 127, khoản 1 và khoản 6 Điều 128), cề nội dung này, dự thảo Luật thiết kế 02 phương án. Phương án 1: Tiếp thu các ý kiến và trên cơ sở Báo cáo số 598/BC-CP, dự thảo Luật đã chỉnh sửa tương ứng tại khoản 27 Điều 79, khoản 1 Điều 126 và khoản 1 Điều 127. Theo đó, dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở và kinh doanh thương mại, dịch vụ thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư có sử dụng đất. Tuy nhiên, đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư có sử dụng đất chỉ là hình thức Nhà nước giao đất, cho thuê đất, không phải tiêu chí, điều kiện để thu hồi đất, chưa phù hợp với yêu cầu tại Nghị quyết số 18-NQ/TW về quy định cụ thể về điều kiện, tiêu chí cụ thể việc Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.  Phương án 2: Tiếp thu các ý kiến theo hướng quy định dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở và kinh doanh thương mại, dịch vụ gắn với tiêu chí, điều kiện cụ thể thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin ý kiến Quốc hội về nội dung này. Trên cơ sở ý kiến của ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp với Chính phủ chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá tác động để tiếp thu, thiết kế phương án phù hợp tại Luật hoặc giải trình thuyết phục nếu không thể tiếp thu.

Về quy định giao Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở và kinh doanh thương mại, dịch vụ thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án, đây là nội dung mới đối với Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, có thể có độ trễ trong việc triển khai thực hiện trên thực tế trong thời kỳ đầu thực hiện quy định khi Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chưa kịp ban hành tiêu chí, điều kiện để có cơ sở xem xét, quyết định trong từng trường hợp cụ thể. Vì vậy, đề nghị nghiên cứu có tiêu chí cụ thể tại Luật để làm cơ sở giao cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định. Chính phủ thực hiện tuyên truyền, phổ biến pháp luật để có cách hiểu thống nhất, tránh rủi ro trong quá trình tổ chức thực hiện và có hướng dẫn cụ thể để bảo đảm tính khả thi, hiệu lực, hiệu quả của quy định này, tránh vướng mắc khi triển khai trên thực tế.

Về dự án sử dụng quỹ đất do Nhà nước tạo lập (Điều 113); Phương án 1: Bỏ Điều quy định về dự án sử dụng quỹ đất do Nhà nước tạo lập do không rõ nội hàm “dự án tạo quỹ đất”. TCPTQĐ chỉ thực hiện việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật trên đất được giao để tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất; giao, cho thuê đất để thực hiện các dự án đầu tư theo quy định của pháp luật; cho các tổ chức, cá nhân thuê ngắn hạn đối với đất thuộc quỹ đất chưa giao, cho thuê... (khoản 2 Điều 116) theo sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (khoản 2 Điều 114). Phương án 2: Giữ Điều quy định về dự án sử dụng quỹ đất do Nhà nước tạo lập và giao TCPTQĐ là chủ đầu tư thực hiện các dự án quy định tại Điều này. Theo đó, vai trò của TCPTQĐ là “nhà đầu tư công” thực hiện dự án tạo quỹ đất được đặc biệt nhấn mạnh. Thông qua TCPTQĐ, Nhà nước trở thành nhà tạo lập và định hình, dẫn dắt thị trường đất sơ cấp để có thể bố trí ngay cho các dự án đầu tư.

Tuy nhiên, TCPTQĐ vừa thực hiện một số nhiệm vụ mang tính chất công, vừa thực hiện hoạt động đầu tư, trong khi đó, được huy động vốn của các tổ chức, cá nhân và các nguồn khác; do đó, tiềm ẩn rủi ro trong tổ chức thực hiện. Các quy định tại dự thảo Luật đã đủ rõ về các trường hợp thu hồi đất thực hiện các dự án nhà ở, dự án kết cấu hạ tầng vùng phụ cận các điểm kết nối giao thông và các tuyến giao thông có tiềm năng phát triển (Điều 79), giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, không đấu giá, không đấu thầu (Điều 125, Điều 126)... Đa số ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với Phương án 1 và xin ý kiến Quốc hội về nội dung này.

Về Quỹ phát triển đất (Điều 115) có 2 phương án, Phương án 1: Bỏ Điều này. Nghiên cứu theo hướng ghép chức năng, nhiệm vụ của Quỹ phát triển đất trong dự thảo Luật vào TCPTQĐ. Quỹ phát triển đất chỉ là trung gian tiếp nhận nguồn lực từ NSNN phục vụ công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tạo lập quỹ đất của TCPTQĐ. Dự thảo Luật đang quy định Quỹ phát triển đất là quỹ tài chính ngoài ngân sách có nhiều nội dung khác so với Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công và Nghị quyết số 792/NQ-UBTVQH14 ngày 22/10/2014 của UBTVQH về “một số nhiệm vụ và giải pháp đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng các Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước”. Việc dự thảo Luật dự kiến sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước sẽ tạo tiền lệ làm sai lệch nguyên tắc quản lý của ngân sách nhà nước đối với các quỹ tài chính ngoài ngân sách. Phương án 2: Giữ Điều này. Đa số ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với Phương án 1 và xin ý kiến Quốc hội về nội dung này.

Về Tổ chức phát triển quỹ đất (Điều 116), về nội dung này, Chính phủ cho rằng trong quá trình tổ chức thực hiện Luật Đất đai, tùy tình hình cụ thể, Chính phủ sẽ có đề án kiện toàn mô hình hoạt động của TCPTQĐ cho phù hợp. Trước mắt có thể tiếp tục tổ chức theo hướng TCPTQĐ là đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) như hiện hành và sử dụng nguồn vốn từ quỹ phát triển để tạo lập quỹ đất. Nhưng về dài hạn có thể xem xét học hỏi kinh nghiệm của một số nước phát triển như Hàn Quốc về việc cho thí điểm thành lập doanh nghiệp phát triển quỹ đất do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ ở một số địa phương có điều kiện trên cơ sở đó tổng kết đánh giá và quy định cụ thể về mô hình này để có thể đáp ứng yêu cầu “đủ năng lực tạo lập, quản lý khai thác quỹ đất” mà Nghị quyết số 18-NQ/TW đã đề ra. UBTVQH báo cáo Quốc hội không quy định Tổ chức phát triển quỹ đất tổ chức theo mô hình doanh nghiệp, do chưa phù hợp với chức năng của Tổ chức phát triển quỹ đất có tính chất công. Về chức năng của Tổ chức phát triển quỹ đất, dự thảo Luật thiết kế 02 phương án, Phương án 1: Quy định tại Luật về chức năng của TCPTQĐ. Tiếp tục rà soát các chức năng, hướng chặt chẽ hơn, rõ ràng hơn về nguyên tắc, cơ chế thực hiện các chức năng cụ thể. Nghiên cứu bỏ quy định về chức năng “thực hiện các dự án tạo quỹ đất” như Phương án 1 tại Điều 113. Đề nghị Chính phủ nghiên cứu kỹ lưỡng để quy định cụ thể tại dự thảo Nghị định về tổ chức bộ máy, cơ chế quản lý, hoạt động, cơ chế thực hiện các chức năng, cơ chế tài chính của TCPTQĐ gắn với định hướng, tầm nhìn, lộ trình kiện toàn mô hình TCPTQĐ trong ngắn hạn và dài hạn, phù hợp với điều kiện khách quan, chủ quan có liên quan, đáp ứng yêu cầu thể chế hóa theo đúng tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW về “hoàn thiện tổ chức, bộ máy, cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính của các tổ chức phát triển quỹ đất, bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu quả, đủ năng lực tạo lập, quản lý, khai thác quỹ đất, thực hiện tốt nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất”, bảo đảm hiệu quả, chặt chẽ, đáp ứng yêu cầu về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, phòng ngừa lạm quyền, lợi ích nhóm. Dự thảo Luật đang đưa ra 02 phương án về chức năng thực hiện dự án tạo quỹ đất tương ứng với 02 phương án tại Điều 113. Phương án 2: Quy định chung về vị trí, vai trò của TCPTQĐ tại Luật, bổ sung quy định làm rõ về phạm vi, mức độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm của Tổ chức phát triển quỹ đất, mối quan hệ giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở địa phương và Tổ chức phát triển quỹ đất trong việc thực hiện các nhiệm vụ cụ thể; giao Chính phủ quy định về chức năng, tổ chức bộ máy, cơ chế quản lý, hoạt động, cơ chế thực hiện các chức năng, cơ chế tài chính của TCPTQĐ. Hiện nay, Chính phủ chưa có Đề án về kiện toàn mô hình hoạt động của TCPTQĐ, chưa đủ điều kiện để quy định cụ thể tại Luật. Đối với cả 02 phương án, Chính phủ chịu trách nhiệm trong việc tổ chức thực hiện quy định này, bảo đảm hiệu quả, chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật. Đa số ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với Phương án 1 và xin ý kiến Quốc hội về nội dung này.

Về mối quan hệ giữa các trường hợp thu hồi đất và thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất đối với dự án phát triển kinh tế - xã hội không sử dụng vốn ngân sách nhà nước (riêng dự án nhà ở thương mại phải đáp ứng thêm điều kiện về loại đất) (điểm b khoản 1 Điều 128). Phương án 1: Sửa đổi theo hướng ưu tiên thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất đối với dự án đầu tư (không sử dụng vốn ngân sách nhà nước) thuộc trường hợp thu hồi đất. Phương án 2: Không quy định về ưu tiên thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất đối với dự án đầu tư tư (không sử dụng vốn ngân sách nhà nước) thuộc trường hợp thu hồi đất. Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin ý kiến Quốc hội về nội dung này.

Về mối quan hệ giữa các trường hợp thu hồi đất và đang có quyền sử dụng đất đối với dự án phát triển kinh tế - xã hội (riêng dự án nhà ở thương mại phải đáp ứng thêm điều kiện về loại đất) (khoản 6 Điều 128); Phương án 1: giữ như dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 “Đối với trường hợp đang có quyền sử dụng đất thì nhà đầu tư thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội.”. Phương án 2: sửa đổi theo hướng ưu tiên người đang có quyền sử dụng đất: “Người sử dụng đất đang có quyền sử dụng đất có đề xuất dự án đầu tư phù hợp với quy hoạch sử dụng đất có đề nghị chuyển mục đích sử dụng đất mà được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư thì được sử dụng đất để thực hiện dự án mà Nhà nước không thực hiện thu hồi đất theo quy định tại Điều 79 của Luật này”. Đa số ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với Phương án 2 và xin ý kiến Quốc hội về nội dung này.

Về thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc sử dụng quyền sử dụng đất đang có để thực hiện dự án nhà ở thương mại; Phương án 1: Giữ quy định về các loại đất được làm dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất như Luật Nhà ở hiện hành: chỉ được thực hiện dự án nhà ở thương mại đối với trường hợp đang có quyền sử dụng đất nếu đó là (1) đất ở hoặc (2) đất ở và đất khác (không phải đất ở, bao gồm cả đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp); chỉ được thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất đối với đất ở. Phương án 2: Đề nghị mở rộng về các loại đất được làm dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất điều kiện được nhận chuyển nhượng không giới hạn về các loại đất. Đa số ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với Phương án 1 và xin ý kiến Quốc hội về nội dung này.

Về cấp Giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất không vi phạm pháp luật về đất đai, không thuộc trường hợp giao đất trái thẩm quyền (Điều 139), Về nội dung này, dự thảo Luật thiết kế 02 phương án tại khoản 3 Điều 139, Phương án 1: Đề nghị quy định thời điểm công nhận quyền sử dụng đất đến trước ngày 01 tháng 7 năm 2014; Phương án 2: Đề nghị chỉnh sửa thời điểm công nhận quyền sử dụng đất đến thời điểm nộp hồ sơ cấp Giấy chứng nhận. Đa số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với Phương án 1 và xin ý kiến Quốc hội về nội dung này.

Về tiền thuê đất trả tiền thuê đất hằng năm (khoản 3 Điều 154); Phương án 1: Giao Chính phủ quy định tỷ lệ điều chỉnh trong trường hợp tiền thuê đất trả tiền hằng năm tăng so với chu kỳ trước, tuy nhiên tỷ lệ điều chỉnh không quá tổng chỉ số CPI của giai đoạn 5 năm trước đó; Phương án 2: Giao Chính phủ quy định tỷ lệ điều chỉnh trong trường hợp tiền thuê đất trả tiền hằng năm tăng so với chu kỳ trước. Báo cáo số 598/BC-CP đề xuất theo hướng này. Đa số ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với Phương án 1 và xin ý kiến Quốc hội về nội dung này.

Về phương pháp định giá đất và các trường hợp, điều kiện áp dụng (Điều 159). Phương án 1: Quy định tại Luật về nội dung phương pháp định giá đất nhưng giao Chính phủ quy định trường hợp, điều kiện áp dụng từng phương pháp. Phương án 2: Quy định tại Luật về nội dung phương pháp định giá đất và trường hợp, điều kiện áp dụng từng phương pháp. Đa số ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với Phương án 2 và xin ý kiến Quốc hội về nội dung này.

 Về hoạt động lấn biển (Điều 191), Về giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư có hoạt động lấn biển, dự thảo Luật quy định nguyên tắc chung về việc nhà đầu tư có dự án đầu tư có hoạt động lấn biển đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư thì được giao khu vực biển để thực hiện hoạt động lấn biển cùng với giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư. Về các nội dung khác, dự thảo Luật thiết kế 02 phương án tại khoản 6 Điều 191; Phương án 1: Giao Chính phủ quy định cụ thể về dự án đầu tư có hoạt động lấn biển, các hình thức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có hoạt động lấn biển, chi phí lấn biển... Phương án 2: Chỉnh sửa, quy định về giao đất, cho thuê đất chỉ đối với phần đất phục vụ trực tiếp cho hoạt động lấn biển gắn với nguyên tắc giao đất đồng thời giao khu vực biển. Đa số ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với Phương án 1 và xin ý kiến Quốc hội về nội dung này.

 Về quyền và nghĩa vụ của đơn vị, doanh nghiệp quân đội, công an khi sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế (khoản 3 Điều 202), UBTVQH nhận thấy, quy định tại điểm h khoản 3 Điều 202 dự thảo Luật về “doanh nghiệp quân đội, công an được cho thuê, thế chấp, góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất do mình tạo lập” là quy định khác với quy định tại Nghị quyết số 132/2020/QH14 về đơn vị, doanh nghiệp quân đội, công an sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế không được chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê, thế chấp, góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất. Bên cạnh đó, để bảo toàn đất quốc phòng, an ninh, tương tự như trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập thuê đất trả tiền hằng năm, cần có quy định cụ thể về hạn chế quyền đối với doanh nghiệp trong trường hợp này do theo quy định của pháp luật dân sự thì việc xử lý tài sản trên đất và đất phải thực hiện đồng bộ. Trên cơ sở các ý kiến, dự thảo Luật thiết kế 02 phương án; Phương án 1: Quy định theo hướng không được chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê, thế chấp, góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất; Phương án 2: Quy định theo hướng cho phép quyền được cho thuê, thế chấp, góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất. Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin ý kiến Quốc hội về nội dung này.

Về sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư công (Điều 261); nội dung này, có 02 loại ý kiến như sau: Phương án 1: Bỏ quy định về sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư công. Phương án 2: Giữ quy định về sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư công như dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5.Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin ý kiến Quốc hội về nội dung này.

Về giải quyết trong trường hợp chưa thống nhất về địa giới đơn vị hành chính (Điều 14, Điều 49, Điều 254), có 02 phương án; Phương án 1: Đề nghị quy định theo hướng không quy định chung về mọi trường hợp giải quyết việc chưa thống nhất về địa giới đơn vị hành chính đều thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ quyết định trong trường hợp việc giải quyết việc chưa thống nhất về địa giới đơn vị hành chính dẫn đến việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính. Theo đó, bỏ nội dung về Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định giải quyết sự chưa thống nhất về địa giới đơn vị hành chính cấp tỉnh tại khoản 1 Điều 14, khoản 4 và khoản 5 Điều 49 dự thảo Luật và bổ sung nội dung sửa đổi tương ứng Điều 129 Luật Tổ chức chính quyền địa phương tại dự thảo Luật. Phương án 2: Giữ quy định như dự thảo Luật đã trình tại kỳ họp thứ 5. Đa số ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với Phương án 1 và xin ý kiến Quốc hội về nội dung này.

 Về phạm vi nhận chuyển quyền sử dụng đất của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (Điều 28), nội dung này, dự thảo Luật thiết kế 02 phương án; Phương án 1: Không bổ sung quy định này. Dự thảo Luật đã bổ sung quy định về trường hợp thu hồi đất đối với dự án đã được Quốc hội, Thủ tướng chấp thuận, quyết định chủ trường đầu tư theo quy định của pháp luật tại khoản 31 Điều 79 ; Phương án 2: Bổ sung quy định này như ý kiến của Chính phủ. Đa số ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với Phương án 1 và xin ý kiến Quốc hội về nội dung này.

Về trường hợp tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài nhận chuyển nhượng dự án bất động sản; dự thảo Luật thiết kế 02 phương án: Phương án 1: Tiếp thu các ý kiến, dự thảo Luật bổ sung quy định tại Điều 118 (giao đất, cho thuê đất đối với đất đang có người sử dụng cho người khác) về trường hợp tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài nhận chuyển nhượng dự án bất động sản theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản thì không thu hồi đất mà Nhà nước giao đất, cho thuê đất không đấu giá quyền sử dụng đất, không đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất (khoản 6 Điều 125); bổ sung quy định tại khoản 3 Điều 120 về trường hợp giao đất có thu tiền sử dụng dất cho tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài sử dụng đất do nhận chuyển nhượng dự án bất động sản theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản thuộc trường hợp Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất; bổ sung quy định tại điểm a khoản 3 Điều 156 về không áp dụng quy định thời điểm xác định giá đất để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất là thời điểm Nhà nước ban hành quyết định giao đất, cho thuê đất đối với trường hợp này và giao Chính phủ quy định chi tiết theo hướng được tiếp tục kế thừa nghĩa vụ tài chính về đất của bên chuyển nhượng. Phương án 2: giữ quy định như dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5. Đa số ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với Phương án 1 và xin ý kiến Quốc hội về nội dung này.

CHÂU VŨ - MINH THIÊN

 

.
.
.