Đoàn ĐBQH Bà Rịa-Vũng Tàu: Có phương án linh hoạt bảo đảm quyền lợi BHXH cho người lao động
Chiều 2/11, sau khi nghe báo cáo Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ đại biểu về dự án này. Đoàn ĐBQH Bà Rịa-Vũng Tàu tham gia thảo luận tại Tổ số 4.
Quang cảnh thảo luận tại Tổ số 4 |
Tổ số 4 gồm các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh các tỉnh, thành phố: Hải phòng, Thừa Thiên Huế, Lai Châu, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, tham gia thảo luận tại Tổ số 4.
Phát biểu thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH Bà Rịa - Vũng Tàu thống nhất việc Quốc hội xem xét, cho ý kiến về Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) là yêu cầu cấp thiết, phù hợp với đòi hỏi bức thiết từ thực tiễn.
Bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH Bà Rịa-Vũng Tàu phát biểu thảo luận tại tổ |
Về một số nội dung cụ thể, đại biểu Nguyễn Thị Yến cho biết: Dự án Luật BHXH được kết cấu gồm 10 chương và 136 Điều, tăng 1 Chương, 11 Điều so với Luật BHXH năm 2014 (9 chương và 125 Điều).
Đại biểu Yến bày tỏ cơ bản thống nhất việc bổ sung 3 nội dung mới vào dự án Luật là: Trợ cấp hưu trí xã hội; Quản lý thu, đóng bảo hiểm xã hội và Đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội... Tuy nhiên có một số quy định, đại biểu đề nghị ban soạn thảo cân nhắc, xem xét, bổ sung gồm:
Về điều kiện hưởng lương hưu (Điều 98 ), đại biểu Yến nhận thấy việc quy định giảm số năm đóng BHXH từ 20 năm xuống 15 năm, nhưng tuổi hưu vẫn ở mức 60 đối với nữ và 62 đối với nam, nhằm tăng độ bao phủ của chính sách an sinh, tạo điều kiện cho những người tham gia BHXH muộn, có thời gian tham gia BHXH ngắn thì được quyền tiếp cận quyền lợi từ BHXH và có tiền khi về già.
Tuy nhiên, theo đại biểu Yến, không nên quy định cứng, mà có sự linh hoạt đối với lao động ở từng khối ngành, lĩnh vực khác nhau. Chẳng hạn, lao động ở nước ta trong những lĩnh vực công nghiệp như công nhân dệt may, da giày, chế biến thủy hải sản, lắp ráp điện, điện tử… chiếm số lượng lớn, thâm dụng lao động rất cao. Họ có tuổi nghề ngắn, nữ công nhân bước sang tuổi 40 thì cơ hội lao động bị thu hẹp hoặc phải chuyển nghề, khi 40-50 tuổi thì họ rất khó có thể tiếp tục làm việc. Do tuổi nghề đã hết nhưng tuổi về hưu thì chưa tới nên Nhóm này thường chọn rút BHXH một lần bởi họ không thể chờ thêm 5 năm, 10 năm hay lâu hơn để đủ tuổi về hưu và lãnh lương hưu.
Đối với quy định về BHXH một lần (Điều 102), Dự án Luật đưa ra 2 phương án.
Phương án 1: “Người lao động tham gia dưới 20 năm bảo hiểm xã hội (BHXH) và sau một năm nghỉ việc không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện thì được rút một lần. Người lao động được rút 100% quá trình đóng bảo hiểm xã hội nếu có nhu cầu, song về lâu dài sẽ chịu thiệt khi không được hưởng lương hưu”. Theo đại biểu thực chất là số người tham gia BHXH trong 1 năm không nhiều, khi đầu ra gần bằng đầu vào. Do đó phương án này không giải quyết được bất cập đang diễn ra trong thực tiễn là rút BHXH một lần tăng mạnh và phổ biến. Trong khi đó với BHXH tự nguyện, nếu có mở rộng nhưng tỉ lệ tham gia trên tổng số người dân trong độ tuổi lao động vẫn không cao, sẽ rất khó đảm bảo mục tiêu mà nghị quyết trung ương Đảng đưa ra là tiến tới BHXH toàn dân - Sẽ ảnh hưởng đến tỷ lệ bao phủ BHXH.
Phương án 2, “Cho người lao động rút một lần song tối đa không quá 50% tổng thời gian đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động hưởng chế độ BHXH khi đủ tuổi nghỉ hưu”. Theo đại biểu Yến, phương án này có lợi thế hơn phương án 1. Với phương án này khi người lao động gặp khó khăn được rút 50% cộng với các chính sách xã hội khác như các cơ chế sinh kế, tạo việc làm, vay vốn... sẽ giúp người lao động khắc phục khó khăn.
Tuy nhiên ở phương án này, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ là số 50% còn lại có tồn tại hay sinh lợi không? có được bảo lưu, không mất đi và vẫn tăng trưởng, phát triển lên khi mang đi đầu tư. Việc này, phải công khai, minh bạch. Quyền lợi của người lao động trong trường hợp này được đảm bảo ra sao? Trong trường hợp người lao động không tiếp tục tham gia quan hệ lao động nữa thì có trả tiếp 50% không hay tính toán ra sao? Trường hợp người lao động tiếp tục tham gia thì nối tiếp sẽ thực hiện như thế nào?
Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo phải làm rõ tính tối ưu và các vấn đề liên quan trong từng phương án để trình Quốc hội.
Bà Huỳnh Thị Phúc, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Bà Rịa-Vũng Tàu phát biểu thảo luận tại tổ |
Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Thị Yến đề nghị bổ sung Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung một số quy định cho phép người lao động hoàn trả số tiền BHXH một lần đã nhận, kèm theo một khoản lãi tương ứng với lãi suất đầu tư của Quỹ BHXH công bố hàng năm. Cơ chế này giúp người lao động vượt qua khó khăn trong ngắn hạn, mở ra cơ hội để họ được bảo toàn thời gian đã đóng để được hưởng lương hưu khi về già, giảm bớt gánh nặng an sinh xã hội cho Nhà nước.
Đại biểu Yến cho biết trong thực tiễn hiện nay, đang xảy ra tình trạng chủ sử dụng lao động cố tình trây ỳ không đóng gây thiệt thòi cho người lao động. Để giảm tối thiểu tình trạng này, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo có quy định chặt chẽ chế tài xử lý, cần mạnh hơn nữa và ngăn chặn ngay từ đầu, trong đó có việc không cho phát hành hoá đơn khi nợ BHXH; tăng cường các biện pháp về thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm theo dự thảo luật đưa ra; bổ sung thêm các quy định để định rõ các vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan thực hiện các chính sách BHXH…
Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Thị Yến cũng góp ý đối với các điều 3,4,37 của dự án Luật.
Các đại biểu quốc hội trong đoàn cũng tích cực tham gia góp ý đối với các nội dung của dự án Luật.
CHÂU VŨ - MINH THIÊN