Nghiên cứu kỹ lưỡng quy định nồng độ cồn với lái xe

Thứ Sáu, 24/11/2023, 16:02 [GMT+7]
In bài này
.

Chiều 24/11, trong chương trình Kỳ họp thứ 6, Đại biểu Quốc hội Huỳnh Thị Phúc (Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đã tham gia thảo luận tại hội trường đối với dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ.

Đại  biểu Huỳnh Thị Phúc tham gia thảo luận tại hội trường
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc tham gia thảo luận tại hội trường

Cân nhắc tính phù hợp với quy định giám sát hành trình

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc cho rằng, dữ liệu giám sát hành trình là dữ liệu rất quan trọng và phải được truyền về Trung tâm giám sát của cơ quan có chức năng bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) theo thời gian phục vụ công tác bảo đảm TTATGT, ngăn chặn, xử lý kịp thời hoặc đình chỉ ngay các hành vi nguy hiểm đến an toàn, tính mạng của hành khách, người tham gia giao thông; phục vụ kiểm soát, đánh giá việc chấp hành pháp luật của doanh nghiệp, lái xe. Tuy nhiên quy định đối tượng áp dụng còn khá rộng. Cụ thể tại Điểm c khoản 1 Điều 33 về Điều kiện tham gia giao thông, có quy định: Xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông phải có thiết bị giám sát hành trình; thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe, dữ liệu, hình ảnh bảo đảm an toàn theo qui định. Đại biểu phân tích quy định như dự thảo có thể hiểu là tất cả các loại xe, bao gồm cả xe cá nhân.

Do đó, đại biểu đề nghị cần cân nhắc tính phù hợp và thống nhất giữa Luật này và các Luật khác về những điều khoản như nêu trên theo hướng chỉ quy định giám sát hành trình đối với xe ô tô kinh doanh, hợp đồng vận tải hành khách, xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa và xe trung chuyển.

Không nên áp dụng khám sức khỏe định kỳ hằng năm với tất cả lái xe

Đại biểu Phúc đồng thuận quy định về tuổi, sức khoẻ, của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ tại Điều 51 dự án Luật. Tuy nhiên đối với quy định tại khoản 3 Điều 51 quy định giao Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về việc khám sức khỏe định kỳ đối với người lái xe ô tô, đại biểu Phúc đề nghị cần cân nhắc thêm. Bởi Luật Giao thông đường bộ năm 2008 hiện hành và các văn bản hướng dẫn thi hành (Thông tư liên tịch số 24 năm 2015 của liên Bộ: Y tế và Giao thông vận tải; Thông tư số 11 năm 2020 của Bộ Lao động Thương binh xã hội) chỉ quy định khám sức khỏe định kỳ hằng năm với lái xe kinh doanh vận tải. Lái xe không kinh doanh vận tải, hiện có quy định khám sức khỏe khi đến hạn cấp đổi bằng lái. Với người lái mô tô, xe máy quy định khám sức khỏe khi cấp bằng hoặc nâng hạng bằng lái.

Do đó, việc bổ sung các trường hợp khám sức khỏe định kỳ là cần thiết song đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần xem xét đến việc phải khoanh vùng đối tượng cụ thể, không thể áp dụng đối với tất cả các lái xe khi tham gia giao thông, nhất là người điều khiển xe mô tô, xe máy theo hướng cụ thể, quy định tập trung vào các đối tượng như: Lái xe là người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên), lái xe ô tô vận tải (lái xe khách đường dài, container và các phương tiện hạng nặng khác), người lái xe có tiền sử bệnh nền (như bệnh tim mạch, cận thị, tâm thần, điếc hoặc khuyết tật các chi trên cơ thể…), nghiện ma túy hoặc các chất kích thích khác.

 Đối với quy định về chỉ huy, điều khiển giao thông, đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ tại Chương VI (Từ Điều 67 đến Điều  72), đại biểu cho biết, chương này chưa có quy định về thẩm quyền trong việc tổ chức giao thông tại các tuyến đường nhằm đảm bảo phù hợp với sự phân cấp quản lý hiện nay. Do đó đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung thêm các quy định về thẩm quyền này.

Đối với nội dung liên quan đến quy định về nồng độ cồn trong máu và hơi thở khi điều khiển phương tiện giao thông đã thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội và tranh luận khá sôi nổi tại các buổi thảo luận, cho thấy đây là quy định có tác động trực tiếp đến nhiều đối tượng.

Đại biểu viện dẫn các nghiên cứu khoa học và thực tế cho thấy có nhiều trường hợp không sử dụng rượu, bia trong ngày hoặc trong thời gian gần với thời gian khi điều khiển phương tiện giao thông nhưng do cơ thể sinh học đào thải kém thì trong hơi thở vẫn có thể có nồng độ cồn ở mức thấp- trạng thái tinh thần bình thường. Cho nên cần có sự phối hợp với cơ quan chuyên ngành, cụ thể là Bộ y tế và các chuyên gia để nghiên cứu kỹ lưỡng đối với việc quy định nồng độ cồn khi tham gia điều khiển phương tiện giao thông cùng với đánh giá tác động xã hội và các hoạt động truyền thông để Luật khả thi đảm bảo tính khả thi.

CHÂU VŨ - MINH THIÊN

 

 

 

 

 

;
.