ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC

6 nhiệm vụ quan trọng nâng cao nguồn nhân lực

Thứ Ba, 07/11/2023, 19:46 [GMT+7]
In bài này
.

“Cán bộ là gốc của mọi vấn đề”. Hàng năm, trên cơ sở nhu cầu của các cơ quan, đơn vị, địa phương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, (CBCCVC) phát triển nguồn nhân lực tỉnh.

Bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội, trao chứng nhận  hoàn thành lớp cán bộ nguồn của tỉnh.
Bà Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội, trao chứng nhận hoàn thành lớp cán bộ nguồn của tỉnh.

Nhận thức tầm quan trọng của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, ngày 1/8/2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 51-CT/TU về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC, phát triển nguồn nhân lực tỉnh, trong đó Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy đảng trực thuộc Tỉnh ủy; các đảng đoàn, ban cán sự đảng, Ban Thường vụ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh; thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt một số nội dung sau:

Thứ nhất, tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị và cán bộ, đảng viên đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng; thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết, quy định, kết luận của Trung ương, của Tỉnh ủy về công tác đào tạo, bồi dưỡng và xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị coi công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên.

Thứ hai, các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị tập trung xây dựng kế hoạch, chương trình đào tạo, bồi dưỡng bám sát định hướng phát triển kinh tế-xã hội và chức năng, nhiệm vụ của ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương. Gắn công tác đào tạo, bồi dưỡng với công tác quy hoạch, tạo nguồn CBCCVC có chất lượng; quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện Kế hoạch, bám sát tiến độ đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; quan tâm tạo điều kiện, cử CBCCVC đi đào tạo, bồi dưỡng đúng đối tượng, điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định. Thường xuyên rà soát, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để kịp thời có giải pháp tổ chức thực hiện, đạt các mục tiêu, yêu cầu đề ra.

Tỉnh BR-VT đặt mục tiêu, đến năm 2025 “100% cán bộ lãnh đạo, quản lý được bồi dưỡng nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý và trên 40% cán bộ được bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ làm việc trong môi trường quốc tế; 100% cán bộ được quy hoạch chức danh lãnh đạo chủ chốt các sở, ngành cấp tỉnh, quy hoạch chức danh lãnh đạo chủ chốt cấp huyện được đào tạo trình độ lý luận chính trị cao cấp; tham gia chương trình bồi dưỡng cán bộ dự nguồn các chức danh lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh, cấp huyện. 100% đội ngũ CBCCVC được bồi dưỡng lý luận chính trị, kiến thức quản lý nhà nước theo quy định”.

Thứ ba, phát huy vai trò của cơ quan tham mưu của cấp ủy và các cơ quan của hệ thống chính trị trong việc xây dựng các chương trình, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Tập trung nghiên cứu, tham mưu, hoàn thiện các chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo chức danh ở trong nước và nước ngoài. Nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng phải bảo đảm hài hòa lý luận và thực tiễn, nâng cao kiến thức và kỹ năng lãnh đạo, quản lý cần thiết để giải quyết tốt các vấn đề thực tiễn đặt ra, chú trọng kỹ năng xử lý tình huống trong môi trường quốc tế.

Thứ tư, tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp, chương trình đào tạo, bồi dưỡng, phát huy tính chủ động, sáng tạo của người học. Đa dạng hóa các hình thức đào tạo, bồi dưỡng, trang bị những kiến thức về tầm nhìn và tư duy chiến lược, kỹ năng lãnh đạo, quản lý, kỹ năng xử lý tình huống, quản trị rủi ro, gắn với vị trí việc làm và chức trách của CBCCVC.

Thứ năm, tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức tự học tập, rèn luyện, tu dưỡng của cán bộ, đảng viên; mỗi cán bộ, đảng viên phải chuyển hóa nhận thức đó thành những chương trình hành động thiết thực, cụ thể trong việc học tập nâng cao trình độ, kỹ năng đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế sâu rộng; kiên quyết khắc phục tình trạng có động cơ học tập không đúng đắn, tình trạng lười học, học qua loa, đối phó để lấy bằng cấp, mà không vì mục đích nâng cao kiến thức, kỹ năng chuyên môn, năng lực lãnh đạo, quản lý.

Thứ sáu, rà soát, bổ sung hệ thống cơ chế, chính sách của tỉnh về đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC; kịp thời bố trí kinh phí, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng. Đồng thời, thường xuyên thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định, quy chế, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong công tác đào tạo, bồi dưỡng; chấn chỉnh, xử lý nghiêm các vi phạm, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc để nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng trên địa bàn tỉnh.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, toàn tỉnh  tổ chức 1.089 lớp đào tạo, bồi dưỡng, với 67.749 lượt CBCCVC và nhân lực các ngành, lĩnh vực tham gia.

Chỉ thị là cơ sở pháp lý có ý nghĩa quan trọng góp phần nâng cao nhận thức của toàn hệ thống chính trị tỉnh về vai trò, vị trí của công tác đào tạo, bồi dưỡng trong công tác tổ chức xây dựng đảng; đồng thời tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cấp ủy, các cơ quan, đơn vị, địa phương đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, ứng dụng công nghệ số đã và đang mở ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức trên tất cả mọi lĩnh vực và từng cá nhân. Do đó, chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là yêu cầu tất yếu, khách quan; là nhiệm vụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng, vì vậy càng có ý nghĩa quan trọng trong việc tiên phong về phương pháp tổ chức, quản lý; cách thức tiếp cận và xây dựng các chương trình học phù hợp cho đội ngũ CBCCVC nhằm kịp thời cập nhật, ứng dụng những thành tựu cũng như tác động cuộc Cách mạng công nghiệp mang lại. Qua đó, góp phần cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của cơ quan, đơn vị.

Để đạt được mục đích trên, thời gian tới, các cấp uỷ, tổ chức đảng cần tiếp tục xác định công tác đào tạo, bồi dưỡng là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên; quan tâm đẩy mạnh hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo nhằm đưa công tác đào tạo, bồi dưỡng vào nền nếp và thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”.

Bài, ảnh: THỐNG NHẤT

 
;
.