Cần quy định chi tiết loại vụ việc, điều kiện sử dụng chế định Tòa án sơ thẩm chuyên biệt

Thứ Tư, 22/11/2023, 15:58 [GMT+7]
In bài này
.

Chiều 22/11, trong chương trình Kỳ họp thứ 6, Đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Yên (Đoàn ĐBQH Bà Rịa-Vũng Tàu) đã tham gia ý kiến thảo luận tại hội trường đối với dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).  

Đại biểu Đỗ Văn Yên - Đoàn ĐBQH Bà Rịa - Vũng Tàu phát biểu thảo luận
Đại biểu Đỗ Văn Yên - Đoàn ĐBQH Bà Rịa - Vũng Tàu phát biểu thảo luận

Tên mới, chức năng, nhiệm vụ cũng phải mới

Đại biểu Đỗ Văn Yên cơ bản đồng tình với bố cục và nội dung dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi). Song, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần xác định rõ nội hàm của “Quyền tư pháp”. Bởi hiện nay trong Hiến pháp và các văn bản luật cũng như trong các văn bản, nghị quyết của Đảng cũng không có quy định “quyền tư pháp” gồm các quyền gì.

Mặc khác, Nghị quyết 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng “Về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới” chỉ yêu cầu: “Xác định thẩm quyền của tòa án để thực hiện đầy đủ, đúng đắn quyền tư pháp”, không yêu cầu làm rõ nội hàm quyền tư pháp. Cho nên, nếu xác định “quyền tư pháp” như dự án Luật Tổ chức Toà án (sửa đổi) như hiện nay là chỉ mỗi việc xét xử, là chưa đầy đủ.

Về mô hình tổ chức toà án theo thẩm quyền xét xử (Điều 4), đại biểu nhận định nếu chỉ thay đổi tên gọi mà không gắn với việc thay đổi chức năng, nhiệm vụ của Tòa án cấp sơ thẩm, phúc thẩm thì chỉ thay đổi về hình thức. Dự án luật mới chỉ dừng lại ở thay đổi tên gọi của các Toà án nhân dân mà chưa có sự thay đổi nào về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của hệ thống toà án để đáp ứng với chủ trương của Đảng được nêu tại Nghị quyết số 27. Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần cân nhắc kỹ và có lộ trình thay đổi cho phù hợp.

Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt nhiều vấn đề cần làm rõ

Về thành lập Toà sơ thẩm chuyên biệt (điểm đ, khoản 1, Điều 4, Điều 62 và Điều 63), đại biểu Yên nhận thấy Toà sơ thẩm chuyên biệt là một chế định pháp lý mới được quy định tại dự án Luật. Tuy nhiên hiện tại dự án Luật mới thiết chế có 2 điều quy định về chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của loại toà này tại Điều 62 và 63 là chưa cụ thể.

Tại 2 điều này cũng chưa quy định chi tiết loại vụ việc nào thuộc loại chuyên biệt. Nếu như chế định này được xây dựng nhằm tăng tính chuyên nghiệp của Tòa án trong việc giải quyết các loại án có tính chất đặc thù, đòi hỏi tính chuyên môn sâu và phù hợp với thực tiễn, thì nên quy định chi tiết trong dự án Luật về loại vụ việc đặc thù, điều kiện nào sử dụng chế định Tòa án sơ thẩm chuyên biệt. Do vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc có quy định cụ thể hơn.

Về đổi mới chế độ Hội thẩm (Từ Điều 121 đến Điều 134), đại biểu bày tỏ về cơ bản thống nhất quy định chế định Hội thẩm trong dự án Luật. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc sửa đổi về độ tuổi Hội thẩm tại điểm b, Điều 122 dự án Luật quy định về độ tuổi người được bầu, cử làm Hội thẩm phải “từ đủ 28 tuổi đến 70 tuổi” thành “từ đủ 28 tuổi đến 73 tuổi”, vì một số Hội thẩm là cán bộ công chức khi nghỉ hưu đã 62 tuổi, làm thủ tục bổ nhiệm theo nhiệm kỳ Hội đồng nhân dân và tham gia 2 nhiệm kỳ Hội thẩm thì đến khi 73 tuổi nghỉ là phù hợp. Nhiệm kỳ của Hội thẩm Tòa án nhân dân phúc thẩm, Tòa án nhân dân sơ thẩm theo nhiệm kỳ của Hội đồng nhân dân.

Cuối phiên thảo luận Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao sẽ báo cáo, giải trình một số nội dung mà các đại biểu Quốc hội đã quan tâm, thảo luận.

CHÂU VŨ - MINH THIÊN

 

;
.