Bổ sung nhiều quy định để nâng cao chất lượng, uy tín của Tòa án nhân dân

Thứ Năm, 09/11/2023, 15:15 [GMT+7]
In bài này
.

Chiều 9/11, tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ về dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày Tờ trình về dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi)
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày Tờ trình về dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi)

Trình bày Tờ trình dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết: Việc xây dựng dự án Luật này là cần thiết nhằm thể chế hóa các nghị quyết của Đảng về cải cách tư pháp, hướng đến mục tiêu hoàn thiện tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động và uy tín của Tòa án nhân dân; xây dựng hệ thống Tòa án chuyên nghiệp, hiện đại, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Dự án Luật được kết cấu gồm 154 Điều được bố cục thành 9 chương; trong đó, bổ sung 54 điều mới, sửa đổi 93 điều, giữ nguyên: 7 điều, trong đó sửa đổi, bổ sung 5 nội dung lớn như sau:

Về nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án (các Điều 3, 15, 26, 28, 30), Dự thảo Luật bổ sung 2 nhiệm vụ, quyền hạn mới cho Tòa án, đó là: Giải quyết, xét xử vi phạm hành chính theo quy định của luật để cụ thể hóa Nghị quyết số 27-NQ/TW và Giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử  vì đây là nhiệm vụ mà tất cả các Hội đồng xét xử đang thực hiện từ trước đến nay khi xét xử các vụ án. Quy định này không trùng lấn, không xung đột với thẩm quyền giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Việc luật hóa nhiệm vụ đang thực hiện trên thực tiễn này nhằm đề cao trách nhiệm của Hội đồng xét xử trong mỗi phán quyết tư pháp.

Về hoàn thiện tổ chức bộ máy của Tòa án, Dự thảo Luật quy định: Tổ chức lại bộ máy giúp việc của Tòa án nhân dân cấp cao (Điều 51); Đổi mới Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện theo thẩm quyền xét xử; Thành lập Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt (các Điều 62, 63). Việc đổi mới tổ chức bộ máy của Tòa án nhân dân cấp cao để bảo đảm tính khoa học, phù hợp với quy trình tố tụng và tương đương với bộ máy của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao

Về đổi mới, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Tòa án, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao nhận định: Đổi mới ngạch, bậc của các chức danh tư pháp (Điều 91, 114, 118) Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký để khắc phục những hạn chế, bất cập của quy định hiện hành trong việc điều động, bố trí, thực hiện chính sách cho Thẩm phán, nâng cao niềm tin của người dân đối với các cấp xét xử; khuyến khích Thẩm phán chuyên tâm phấn đấu cho hoạt động xét xử để trở thành các chuyên gia có trình độ cao.

Quy định chặt chẽ tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm các chức danh tư pháp (các Điều 95, 96, 97, 112, 113, 117) bằng việc bổ sung nhiều quy định để nâng cao chất lượng đầu vào. Đề cao trách nhiệm, tăng cường kỷ luật, kỷ cương và giám sát Thẩm phán (các Điều 8, 21, 103, 104, 105, 150) bằng các quy định: Nhân dân giám sát hoạt động của Tòa án và thực hiện các quyền yêu cầu, kiến nghị với Tòa án theo quy định của pháp luật; Pháp điển hóa Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán; Quy định nhân dân và truyền thông tham gia quá trình xét xử; Tòa án thực hiện công khai hoạt động theo quy định của pháp luật để Nhân dân giám sát; Trách nhiệm của Thẩm phán; Những điều Thẩm phán không được làm.

Về Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia (các Điều 38, 39, 40, 41, 42, 43, 44), Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao cho biết: Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, thành phần của Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia (Điều 38, 39).

Theo đó, Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia có chức năng tuyển chọn, trình Chủ tịch nước bổ nhiệm, miễn nhiệm Thẩm phán, xem xét giải quyết các khiếu nại liên quan đến bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, khen thưởng, kỷ luật Thẩm phán; giám sát việc phân bổ biên chế, kinh phí, nguồn lực cho các Toà án nhân dân; bảo vệ Thẩm phán… để tăng cường tính khách quan, minh bạch trong việc cấp, phân bổ kinh phí, biên chế cho các Toà án, qua đó bảo đảm độc lập trong hoạt động của Thẩm phán và độc lập giữa các cấp Toà án; phòng ngừa khả năng người lãnh đạo quản lý sử dụng công tác bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, khen thưởng, kỷ luật hoặc những biện pháp hành chính khác như một công cụ để tác động, làm ảnh hưởng đến tính độc lập của Thẩm phán khi xét xử.

Về đổi mới chế định nhân dân tham gia xét xử (các Điều 122, 123, 124, 127, 130, 133, 134), được dự Luật sửa đổi, bổ sung về: Tiêu chuẩn về độ tuổi đối với Hội thẩm; Tiêu chuẩn của Hội thẩm Toà án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt; Quy trình lựa chọn, giới thiệu, bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Hội thẩm; Quản lý Hội thẩm; Phân công ngẫu nhiên Hội thẩm giải quyết vụ án; Chế độ và các điều kiện bảo đảm hoạt động của Hội thẩm và Đoàn Hội thẩm;….nhằm thể chế hóa chủ trương: “Ðổi mới và nâng cao hiệu quả cơ chế Nhân dân tham gia xét xử tại tòa án” được đề ra tại Nghị quyết số 27-NQ/TW và khắc phục những vướng mắc, bất cập của thực tiễn.

Ngoài những nội dung trên, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao cho biết dự thảo Luật còn quy định chặt chẽ về: Tổ chức xét xử; Bảo vệ Tòa án; Điều kiện bảo đảm; Tòa án điện tử; Hợp tác quốc tế; Chế độ khen thưởng, kỷ luật; Điều khoản thi hành.

Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao báo cáo, trình Quốc hội cho ý kiến đối với một số nội dung sau: Nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án (Điều 3); Điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn thu thập tài liệu, chứng cứ của Tòa án (Điều 15); Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia (Chương III); Việc đổi mới Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện theo thẩm quyền xét xử;

Tiếp đó, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi). Sau đó, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ đại biểu đối với nội dung Dự án Luật.

CHÂU VŨ - MINH THIÊN

 

;
.