.
KỶ NIỆM 62 NĂM NGÀY MỞ ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH TRÊN BIỂN (23/10/1961-23/10/2023)

Viết tiếp huyền thoại của 'Đoàn tàu không số'

Cập nhật: 17:04, 22/10/2023 (GMT+7)

Phát huy truyền thống mưu trí, dũng cảm của cán bộ, chiến sĩ “Đoàn tàu không số” năm xưa, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 125 - Vùng 2 Hải quân (tiền thân là Đoàn 759 - Đoàn tàu không số) luôn ra sức huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ vận tải chi viện đảo, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, đồng thời viết tiếp huyền thoại của của thế hệ cha anh đi trước.

Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 125 Hải quân huấn luyện sẵn sàng chiến đấu.
Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 125 Hải quân huấn luyện sẵn sàng chiến đấu.

Huyền thoại về những con tàu không số

Nhân dịp kỷ niệm 62 năm Ngày truyền thống Lữ đoàn 125, sáng 18/10, gần 100 đại biểu là CCB Đoàn tàu không số cùng cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 125 qua các thời kỳ đã gặp gỡ, ôn lại những chiến công hào hùng, sự hy sinh gian khổ của cán bộ, chiến sĩ Đoàn tàu không số năm xưa.

Chia sẻ về quá trình thành lập tuyến đường vận tải quân sự trên biển mang tên Bác - Đường Hồ Chí Minh trên biển, Phó Đô đốc Trần Thanh Huyền, nguyên Chính ủy Quân chủng Hải quân cho biết, để đáp ứng yêu cầu phát triển của cách mạng miền Nam, ngày 23/10/1961, Bộ Quốc phòng ra quyết định thành lập lực lượng vận tải quân sự đường biển mang tên Đoàn 759, tiền thân của Lữ đoàn 125 Hải quân ngày nay, là con đường vận chuyển chiến lược, độc đáo, làm thay đổi cách đánh và tương quan về lực lượng giữa ta và địch.

Đường Hồ Chí Minh vượt dãy núi Trường Sơn khó khăn, ác liệt bao nhiêu thì Đường Hồ Chí Minh trên biển còn hiểm nguy, gian khổ gấp nhiều lần. Mỗi chuyến đi của con tàu không số là một cuộc đấu trí căng thẳng, quyết liệt, cảm tử với kẻ thù, với thời tiết.

Ông Vũ Phú Cần, thợ máy tàu C43 của Đoàn tàu không số nhớ lại, ông và đồng đội của mình đã phải chính tay phá tàu để giữ bí mật cho con đường trên biển. “Ở ngoài biển nhiều ngày nhưng bị địch phát hiện, không vào được, phải quay ra, đêm mới quay thẳng vào Vũng Rô. Sau khi vào Vũng Rô, bốc hàng xong rồi, trời sáng không ra được nên phải ngụy trang. Tàu to quá nên máy bay địch vẫn phát hiện được, chúng tập trung hỏa lực, không quân từ Đèo Cả bắn xuống, hải quân tàu A1 bắn lên. Chúng tôi cùng lực lượng ở bến chiến đấu 13 ngày đêm rồi được lực lượng giao liên dẫn lên núi”...

Tiếp bước huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển

Theo Đại tá Nguyễn Đình Lịch, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 125, đường Hồ Chí Minh trên biển mãi là niềm tự hào của quân đội ta, là biểu tượng của lòng dũng cảm, ý chí sắt đá, quyết tâm giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước của dân tộc ta. Đặc biệt, với Lữ đoàn 125, truyền thống “3 sẵn sàng” của Đoàn tàu không số còn là những bài học kinh nghiệm quý để xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc trong tình hình mới.

Cụ thể, trong quá trình huấn luyện, cán bộ các cấp chú trọng rèn về trình độ phân tích, đánh giá tình hình, khả năng tham mưu, đề xuất để xử lý tình huống trong quá trình huấn luyện, nhất là khi huấn luyện và bắn đạn thật trên biển. Trước khi tàu xuất bến ra khơi, các cơ quan đều tổ chức kiểm tra công tác chuẩn bị của từng đơn vị một cách tỉ mỉ, chi tiết nhằm đánh giá một cách thực chất, từ đó yêu cầu khắc phục ngay điểm hạn chế, chưa đạt yêu cầu.

15 năm làm nhiệm vụ vận tải chiến lược quân sự trên biển (1961-1975), Lữ đoàn 125 huy động gần 1.900 lượt tàu thuyền, vận chuyển hơn 152.000 tấn vũ khí, trang bị kỹ thuật, thuốc chữa bệnh và hơn 80.000 cán bộ, chiến sĩ từ Bắc vào Nam.

Bên cạnh đó, Đảng ủy Lữ đoàn 125 luôn chú trọng rèn luyện bản lĩnh chính trị, ý chí quyết tâm cho bộ đội trong thực hiện nhiệm vụ. Nhờ đó, 9 tháng năm 2023, kết quả kiểm tra các môn quân sự của Lữ đoàn 125 đều đạt yêu cầu 100%, gần 86% đạt khá, giỏi; kiểm tra chính trị 100% đạt yêu cầu, hơn 87% đạt khá, giỏi. Các tàu của Lữ đoàn 125 thực hiện hơn 50 chuyến đi biển với hành trình hàng ngàn hải lý an toàn.

“Tôi vinh dự và tự hào khi được công tác ở Lữ đoàn 125 anh hùng, tiền thân là Đoàn 759 đã làm nên huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển. Là thế hệ sau, tôi luôn cố gắng học tập, rèn luyện bản lĩnh chính trị, bảo đảm sẵn sàng cho những chuyến ra khơi”, Thiếu tá Hoàng Tiến Huỳnh, Chính trị viên Tàu Trường Sa 16 - Lữ đoàn 125 chia sẻ.

Với phương châm “Tất cả vì con tàu, vì nhiệm vụ vận tải chi viện cho biển đảo Trường Sa, nhà giàn DK1 và quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc”, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 125 tiếp tục nêu cao tinh thần tự lực tự cường, luôn kiên trung, quả cảm, giành được những thành tựu, dấu ấn đáng ghi nhận trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo, xứng đáng với truyền thống quyết chiến quyết thắng của chiến sĩ Đoàn tàu không số năm xưa”, Đại tá Phạm Minh Chiến, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Lữ đoàn 125 nói.

Bài, ảnh: MINH NHÂN

.
.
.