Giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri đạt 89,5%

Thứ Tư, 11/10/2023, 19:49 [GMT+7]
In bài này
.

Sáng 11/10, ngay sau phát biểu khai mạc phiên họp của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV; kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2023; xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 9/2023. Đồng thời xem xét, cho ý kiến về dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội.

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: DOÃN TẤN
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: DOÃN TẤN

Hơn 2.700 kiến nghị gửi đến Quốc hội

Trình bày báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội Dương Thanh Bình cho biết, thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của ĐBQH, đã có hơn 2.700 kiến nghị được tổng hợp chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Đến nay, kiến nghị đã được giải quyết, trả lời đạt 89,5%.

Qua giám sát, cho thấy có một số tồn tại, hạn chế trong công tác tổng hợp ý kiến, kiến nghị cử tri và việc giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri cần được các cơ quan có giải pháp khắc phục trong thời gian tới như: việc gửi báo cáo tổng hợp kiến nghị cử tri của một số Đoàn ĐBQH chưa đảm bảo đúng thời hạn theo quy định; việc giải quyết, trả lời của cử tri của một số bộ, ngành chưa bảo đảm thời hạn; việc xây dựng trình ban hành các văn bản quy phạm pháp luật của một số bộ ngành còn chậm.

Với báo cáo về việc tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2022, 2023, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, số lượng khiếu kiện, đơn thư có chiều hướng tăng. Do đó, cần phân tích kỹ lưỡng nguyên nhân, xem xét trách nhiệm và hiệu quả xử lý đơn thư, khiếu kiện của cơ sở. Đồng thời, cần phân tích nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế như: các cơ quan chưa chủ động tiếp công dân; chất lượng phân loại, xử lý đơn thư chưa cao; chưa hạn chế được tình trạng gửi lòng vòng, lưu đơn.

Chính phủ và các bộ ngành, địa phương đã nỗ lực rất lớn trong giải quyết kiến nghị của cử tri chiếm 89,5%, dù chưa đạt được yêu cầu kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 4 nhưng Chính phủ và các bộ, ngành đã xem xét, chỉ đạo giải quyết khối lượng rất lớn, 2.331/2.605 kiến nghị cử tri trên toàn quốc đã được xem xét, giải quyết.

Ông Hoàng Thanh Tùng Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội

Đẩy nhanh tiến độ trả lời kiến nghị của cử tri

Trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh cho biết, cử tri và nhân dân đánh giá cao hoạt động của Quốc hội và các cơ quan dân cử ngày càng đổi mới, phát huy dân chủ, nâng cao chất lượng. Các kỳ họp của Quốc hội, phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận được sự quan tâm lớn của cử tri và nhân dân; đánh giá cao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt thực hiện các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Quốc hội, đã tập trung rất cao cho công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật.

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 6 của Quốc hội do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chuẩn bị. Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tích cực tổng hợp ý kiến kiến nghị của cử tri thông qua kênh mặt trận, nhưng cần tiếp tục phối hợp với Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổng hợp ý kiến của cử tri thông qua các Đoàn ĐBQH. Báo cáo đã bao quát toàn diện, đánh giá những ý kiến, kiến nghị của người dân về kết quả đạt được, cũng như băn khoăn, lo lắng của cử tri và nhân dân, đồng thời đưa ra các kiến nghị.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, qua thảo luận, các ý kiến của thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cần nêu rõ các kiến nghị của cử tri và nhân dân có trọng tâm, từ Kỳ họp thứ 5 đến Kỳ họp thứ 6; những vấn đề cần tập trung giải quyết sau Kỳ họp thứ 6; cần tập trung đánh giá rõ các chất lượng kiến nghị và ý kiến của người dân; việc giải quyết kiến nghị từ Kỳ họp thứ 5 của các cơ quan bộ, ngành ở Trung ương. Những vấn đề chung cần nêu khái quát nhưng cũng cần đánh giá cụ thể của từng lĩnh vực, vấn đề nào nổi lên và kiến nghị sát với tình hình thực tế. Nghiên cứu thiết kế báo cáo hợp lý những vấn đề chung, vấn đề cụ thể; kiến nghị phản ánh sát tâm tư tình cảm, lo lắng của nhân dân.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, trên cơ sở kết quả thảo luận phiên họp này, các cơ quan của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tiếp thu và phối hợp với các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung, hoàn chỉnh báo cáo, nhất là bổ sung ý kiến của các Đoàn ĐBQH qua tiếp xúc cử tri.

ĐỖ BÌNH

;
.