.

Tái bản cuốn sách "Lịch sử Bà Rịa-Vũng Tàu kháng chiến (1945 - 1975)" là rất cần thiết

Cập nhật: 14:11, 31/08/2023 (GMT+7)

“Việc tái bản, bổ sung cuốn sách “Lịch sử Bà Rịa-Vũng Tàu kháng chiến (1945-1975)” là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay, dựa trên cơ sở thống nhất những điểm khác biệt của cuốn sách đã xuất bản năm 1995, bổ sung dữ liệu mới, bảo đảm tính toàn diện, chính xác về các sự kiện lịch sử”.

Đó là nhấn mạnh của ông Nguyễn Văn Xinh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tại hội thảo khoa học tái bản, bổ sung cuốn sách “Lịch sử Bà Rịa-Vũng Tàu kháng chiến (1945-1975)” (lần 1) do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức sáng 31/8.

Ông Nguyễn Văn Xinh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh ủy phát biểu chỉ đạo tại hội thảo.
Ông Nguyễn Văn Xinh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh ủy phát biểu chỉ đạo tại hội thảo.

Báo cáo đề dẫn tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho biết, năm 1995, nhân kỷ niệm 20 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bà Rịa-Vũng Tàu đã xuất bản cuốn sách “Lịch sử Bà Rịa-Vũng Tàu kháng chiến (1945-1975)”. Sách tái hiện những trang sử hào hùng của quân và dân Bà Rịa-Vũng Tàu giai đoạn 1945-1975.

Gần 30 năm qua, một số dữ liệu lịch sử trong cuốn sách được đối chiếu, kiểm chứng và cần được bổ sung, chỉnh lý. Trên cơ sở đó, Tỉnh ủy chỉ đạo rà soát lại toàn bộ những dữ liệu để bổ sung, tái bản cuốn sách. Ngày 26/2/2020, Thường trực Tỉnh ủy có Kết luận số 2276-TB/TU chỉ đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp thực hiện tái bản cuốn sách “Lịch sử Bà Rịa-Vũng Tàu kháng chiến (1945-1975)”.

Đến nay, Ban Biên soạn đã hoàn chỉnh bản thảo lần 1 cuốn sách. Bản thảo tái bản gồm 2 phần, 8 chương với 136 trang, tăng 2 chương so với sách xuất bản năm 1995. Nội dung thể hiện toàn diện, đồng bộ, đánh giá trên các lĩnh vực quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của Bà Rịa-Vũng Tàu thời kháng chiến.

Tại hội thảo, các đại biểu là các nhân chứng lịch sử đề nghị điều chỉnh một số sự kiện, nhân vật lịch sử như: Phong trào phá ấp chiến lược tại Long Phước (1962-1963); thành tích của Trường Văn Lương (1955-1962); làm rõ thêm ý nghĩa lịch sử của trận đánh giữa ta và quân đội Hoàng gia Úc - quân chư hầu của Mỹ tại Long Tân (1966)… Đồng thời, làm rõ thêm các chủ trương của Trung ương, của tỉnh về những quyết tâm đánh địch.

Đại biểu góp ý đề nghị làm rõ các sự kiện lịch sử tại hội thảo.
Đại biểu góp ý đề nghị làm rõ các sự kiện lịch sử tại hội thảo.

Phát biểu kết luận hội thảo, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nguyễn Văn Xinh , Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, bày tỏ trân trọng và cảm ơn sự tâm huyết, nhiệt tình của các đại biểu, các nhân chứng lịch sử đã có nhiều ý kiến góp ý đầy tâm huyết, trách nhiệm. Qua đó, làm sáng tỏ, đánh giá chính xác hơn các dữ liệu lịch sử để hoàn thiện bản thảo.

Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đánh giá, nhiều góp ý, gợi mở của các đại biểu là nguồn tư liệu quý giá, là kênh thông tin quan trọng để Ban Biên soạn tiếp tục rà soát, đối chiếu, điều chỉnh. Ông Nguyễn Văn Xinh đề nghị Ban Biên soạn tiếp thu các ý kiến, tiếp tục bổ sung, chỉnh sửa, hoàn chỉnh bản thảo “Lịch sử Bà Rịa-Vũng Tàu kháng chiến (1945-1975)” để chuẩn bị cho Hội thảo lần 2 vào tháng 10/2023 và nghiệm thu công trình vào cuối năm 2023.

Quang cảnh buổi hội thảo.
Quang cảnh buổi hội thảo.

Tin, ảnh: THI PHONG

 

.
.
.