Để dân giám sát, dân thụ hưởng
Giám sát đầu tư của cộng đồng là hình thức tổ chức giám sát tự nguyện của nhân dân, tăng cường vai trò của nhân dân trong việc tham gia xây dựng chính quyền, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng phường 9 giám sát công trình cải tạo nâng cấp đường Lê Quang Định (TP.Vũng Tàu). |
Còn nhiều “nút thắt”
Ông Phan Văn Thứ là thành viên Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng (gọi tắt là Ban) xã An Ngãi (huyện Long Điền) được hơn 1 năm. Năm nay, Ban đã giám sát 2 tuyến đường tại ấp An Phước, qua đó có 22 kiến nghị. Một số kiến nghị đã được chính quyền phối hợp đơn vị thi công giải quyết, như: xây mương thoát nước có độ rộng phù hợp, độ cao của nền bê tông... “Nhưng chúng tôi nhiều lần kiến nghị về việc sau khi mở rộng đường, những cây cột điện trở nên mất mỹ quan hoặc khó tham gia giao thông vì ở vị trí giữa đường vẫn chưa được xử lý”, ông Thứ nói.
Ông Nguyễn Quang Hiền, thành viên Ban phường Nguyễn An Ninh (TP.Vũng Tàu) chia sẻ, trong năm 2023, đã giám sát việc nâng cấp, cải tạo, sửa chữa vỉa hè đường Trương Công Định (đoạn cắt từ đường Nguyễn An Ninh đến Nguyễn Tri Phương). Việc thi công kéo dài trong 4 tháng và hiện vẫn đang triển khai. “Chúng tôi gặp khó khăn trong việc kiến nghị về vấn đề bó vỉa hè, hoặc hạ gốc cây xanh để tạo độ bằng phẳng cho vỉa hè khi lát đá, hiện vấn đề vẫn chưa được xử lý”, ông Hiền nói.
Ông Đinh Nam Toan, thành viên Ban xã Châu Pha (TX.Phú Mỹ) thừa nhận, do hạn chế trong năng lực, trình độ chuyên môn của các thành viên nên hoạt động giám sát chưa đạt kết quả cao. “Hầu hết các thành viên chỉ có thể giám sát bằng trực quan, tức là nghe và nhìn mà chưa có đủ trình độ để đọc thiết kế trên bản vẽ, tham gia giám sát dự toán, nghiệm thu, quyết toán công trình”, ông Toan cho biết thêm.
Trên thực tế, trong quá trình giám sát, các thành viên gặp khó khăn vì công tác giám sát đầu tư của cộng đồng rất phức tạp; nội dung giám sát theo quy định rộng, đòi hỏi chuyên môn sâu trong khi trình độ năng lực của thành viên còn hạn chế, nhất là về chuyên môn nghiệp vụ có liên quan đến kỹ thuật, đòi hỏi sự am hiểu về nghiệp vụ, các thủ tục đầu tư, công tác quy hoạch, tài chính; hoặc thiếu thông tin về sự phối hợp.
Bên cạnh đó, đại diện các Ban đều chia sẻ, họ rất khó tiếp cận các công trình, dự án và ít được nhà thầu hoặc đơn vị thi công cung cấp văn bản, hồ sơ cần thiết, nhất là các dự án liên quan đến giao thông, thủy lợi. Thậm chí có những dự án chính quyền địa phương cũng không biết ai là chủ đầu tư, có dự án thì gần hoàn thành, hoặc khi gặp khó khăn trong giải phóng mặt bằng mới thấy công văn đề nghị xã, phường phối hợp.
Toàn tỉnh hiện có 91 Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, được thành lập tại 82 xã, phường và 9 khu dân cư ở huyện Côn Đảo, với 741 thành viên. Đến nay, đã tham gia giám sát, kiến nghị 141 vụ việc. Điển hình như: giám sát công trình nâng cấp sửa chữa tuyến đường Thống Nhất nối dài; công trình sửa chữa nâng cấp các dự án Hồ Bàu Sen, Công viên ao cá phường 2, mở rộng Trường TH Thắng Tam và các đường Bình Giã (TP.Vũng Tàu); Giám sát đơn vị thi công xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa, Đại đoàn kết trên địa bàn xã Hòa Long; các công trình nâng cấp tuyến đường, tuyến hẻm trên địa bàn phường Long Toàn (TP.Bà Rịa)… |
Để nâng cao chất lượng giám sát
Theo ông Lê Hồng Ngọc, Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh, trong những năm qua, hoạt động của Ban đã từng bước phát huy vai trò, nhiệm vụ và quyền hạn, góp phần quan trọng vào hoạt động giám sát của MTTQ, nhất là trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh ở các địa phương; các dự án đầu tư, công trình từ nguồn vốn do nhân dân đóng góp; các công trình thi công tại cộng đồng dân cư và các vấn đề liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của công dân.
Qua đó, phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân; góp phần tăng cường sự phối hợp thống nhất hành động giữa các thành viên của mặt trận, phát huy dân chủ và tạo sự đồng thuận trong nhân dân; góp phần phát triển kinh tế, xã hội của địa phương và của tỉnh.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong hoạt động của Ban còn một số mặt hạn chế. Đó là, nhiều địa phương chưa kịp thời tháo gỡ, vướng mắc, kiến nghị giám sát; trình độ chuyên môn nghiệp vụ của thành viên Ban còn hạn chế. Đặc biệt, công tác phối hợp giữa chủ chương trình, chủ đầu tư còn hạn chế trong việc cung cấp các thông tin phục vụ việc giám sát đầu tư.
Với phương châm vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả, hoạt động của Ban trên địa bàn tỉnh. UBMTTQVN các cấp đã có những kiến nghị, đề xuất quan trọng đối với các cơ quan chức năng ở Trung ương về việc hoàn thiện chính sách, pháp luật và cơ chế để tổ chức thực hiện hiệu quả. Các cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác phối hợp giữa chủ chương trình, chủ đầu tư còn hạn chế trong việc cung cấp các thông tin phục vụ việc giám sát đầu tư; Công tác trả lời kiến nghị sau giám sát của các cơ quan, đơn vị; kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, bức xúc trong nhân dân.
Thời gian tới, UBMTTQVN tỉnh tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của Ban; tăng cường tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho Ban tại xã, phường, thị trấn; đồng thời tiếp tục ghi nhận để có hướng đề nghị cấp thêm kinh phí hỗ trợ hàng năm cho Ban.
“Để hoạt động của BGSĐTCĐ được thuận lợi và phát huy được hiệu quả giám sát, ngành chức năng cũng cần nghiên cứu và quy định rõ trách nhiệm của những người có thẩm quyền duyệt quy hoạch, dự án, các chủ đầu tư, các đơn vị thi công và cơ quan quản lý nhà nước bằng văn bản pháp quy để nghiệm thu quyết toán công trình. Có như vậy mới nâng cao trách nhiệm của các chủ đầu tư đối với hoạt động này, đồng thời phát huy quyền giám sát của nhân dân”, Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Lê Hồng Ngọc nhấn mạnh.
Bài, ảnh: DIỄM QUỲNH