Cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác cho dân
Sau 5 năm thực hiện, Luật Tiếp cận thông tin 2016 (hiệu lực từ ngày 1/7/2018) dần đi vào cuộc sống, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận thông tin một cách đầy đủ và nâng cao vai trò giám sát hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước.
Luật Tiếp cận thông tin giúp người dân hiểu rõ hơn về chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật Nhà nước. Trong ảnh: Người dân làm thủ tục hành chính tại Trung tâm hành chính công tỉnh. |
Người dân có quyền được biết thông tin
Theo Hội Luật gia tỉnh, trước đây, quyền tiếp cận thông tin của người dân được quy định trong một số điều luật nhưng chưa đầy đủ, không đồng bộ, toàn diện và hệ thống. Còn trong Luật Tiếp cận thông tin, người dân có quyền được biết thông tin mà cơ quan chức năng, trong thời hạn luật định phải có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác.
Cụ thể, Luật Tiếp cận thông tin quy định 46 loại thông tin bắt buộc các cơ quan nhà nước, từ cấp phường, xã trở lên phải công khai rộng rãi, trong đó có những thông tin quan trọng như: mua sắm tài sản công, dự án đầu tư công, dự toán và thực hiện ngân sách nhà nước, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Cơ quan nhà nước cung cấp thông tin thông qua nhiều hình thức như: đăng tải trên cổng thông tin điện tử của cơ quan, đăng công báo, phương tiện thông tin đại chúng, niêm yết tại trụ sở cơ quan. Mặt khác, người dân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước cung cấp thông tin (không thuộc phạm vi bí mật) qua mạng điện tử, dịch vụ bưu chính, fax…
“Công khai thông tin góp phần thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước về mở rộng dân chủ, bảo đảm quyền công dân, quyền dân chủ, nhất là dân chủ trực tiếp. Cơ chế thông tin hai chiều giữa nhà nước và công dân sẽ giúp cho việc quản lý nhà nước có hiệu lực và hiệu quả hơn, tăng tính trách nhiệm của công dân cũng như của cơ quan công quyền”, Luật sư Thịnh Đình Quang (Hội Luật gia tỉnh) nói.
5 năm qua, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị triển khai thi hành Luật Tiếp cận thông tin đến cán bộ, công chức các cơ quan, đơn vị, địa phương. Các đơn vị cấp huyện, cấp xã cũng tổ chức hơn 400 hội nghị triển khai Luật Tiếp cận thông tin với hơn 14.000 lượt người tham dự, cấp phát 234 cuốn Luật Tiếp cận thông tin; phát 23.150 tờ rơi hỏi đáp về Luật Tiếp cận thông tin. |
Bảo đảm quyền lợi người dân
Theo UBND tỉnh, ngay khi Luật Tiếp cận thông tin có hiệu lực, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch, công văn triển khai Luật này trên địa bàn. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị, địa phương tăng cường tuyên truyền và bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị như: bố trí nơi tiếp nhận, giải quyết yêu cầu cung cấp thông tin; thiết bị cung cấp thông tin (máy vi tính, sách pháp luật…) để phục vụ yêu cầu công dân khi cần khai thác thông tin.
Ông Nguyễn Tiến Trung, Trưởng phòng Tư pháp huyện Châu Đức cho biết, sau khi Luật Tiếp cận thông tin có hiệu lực và đi vào cuộc sống, số người dân trên địa bàn huyện yêu cầu cung cấp thông tin gần 500.000 lượt (qua mạng điện tử, dịch vụ bưu chính, fax…). Phần lớn là yêu cầu cung cấp thông tin quản lý, điều hành lĩnh vực GD-ĐT. “Qua triển khai thi hành luật, chính sách pháp luật, thủ tục hành chính, văn bản pháp luật được tuyên truyền, phổ biến kịp thời, giúp cho người dân nắm bắt nhanh chóng chủ trương của Đảng và nhà nước. Qua đó, người dân thấy rõ quyền và lợi ích của mình trên từng lĩnh vực cụ thể để tự giác chấp hành pháp luật”, ông Trung nhận định.
Ông Trần Thanh Hùng (phường Long Tâm, TP.Bà Rịa) chia sẻ: “Luật Tiếp cận thông tin tạo thuận lợi cho người dân. Đơn cử, thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, người dân sẽ biết được nhà, đất của mình có nằm trong quy hoạch hay ngoài ranh quy hoạch. Họ cũng sẽ biết về giá đất, kế hoạch thu hồi đất, phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư…”.
Theo ông Lê Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, công tác cung cấp thông tin của các cơ quan nhà nước được thực hiện đúng trình tự, thủ tục, trách nhiệm. Việc cung cấp thông tin cho người dân khi có nhu cầu theo đúng quy định, không có hành vi vi phạm pháp luật về tiếp cận thông tin. Nhờ đó, không có khiếu nại, tố cáo liên quan đến cung cấp, công khai thông tin và hạn chế tiêu cực trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước.
Để triển khai hiệu quả Luật tiếp cận thông tin hơn nữa trong thời gian tới, UBND tỉnh đã kiến nghị Bộ Tư pháp xây dựng mẫu quy chế nội bộ về tổ chức cung cấp thông tin bảo đảm tính thống nhất để các địa phương áp dụng. Đồng thời, tập huấn chuyên sâu về hoạt động cung cấp thông tin cho cán bộ, công chức được giao làm đầu mối cung cấp thông tin để đáp ứng yêu cầu chuyên môn trong hoạt động cung cấp thông tin của cơ quan, đơn vị, địa phương.
Bài, ảnh: TRÚC GIANG