.

Tăng cường hợp tác nghị viện, giao lưu nhân dân Việt Nam - Nhật Bản

Cập nhật: 19:16, 23/08/2023 (GMT+7)

Sáng 23/8, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp Chủ tịch Đảng Công Minh Nhật Bản Yamaguchi Natsuo.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp Chủ tịch Đảng Công Minh Nhật Bản Yamaguchi Natsuo. Ảnh: DOÃN TẤN
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp Chủ tịch Đảng Công Minh Nhật Bản Yamaguchi Natsuo. Ảnh: DOÃN TẤN

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hoan nghênh Chủ tịch Đảng Công Minh Nhật Bản Yamaguchi Natsuo và Đoàn sang thăm Việt Nam. Hai nước đang có nhiều hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (21/9/1973-21/9/2023), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, chuyến thăm không chỉ làm sâu sắc hơn quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Công Minh Nhật Bản, mà còn góp phần củng cố, tăng cường quan hệ giữa hai nước.

Chủ tịch Đảng Công Minh Nhật Bản Yamaguchi Natsuo trân trọng cảm ơn Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dành thời gian đón tiếp; bày tỏ vui mừng sang thăm Việt Nam đúng dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản, 50 năm quan hệ hữu nghị và hợp tác ASEAN - Nhật Bản. Chủ tịch Đảng Công Minh  cảm ơn những đóng góp tích cực của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho quan hệ giữa hai nước trên nhiều cương vị khác nhau.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Đảng Công Minh Nhật Bản Yamaguchi đánh giá cao quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam - Nhật Bản. Trong bối cảnh thế giới có những thay đổi khó đoán định, quan hệ Việt Nam - Nhật Bản có mẫu số chung là sự tin cậy chính trị suốt 50 năm, chia sẻ nhiều lợi ích chiến lược và nhiều điểm tương đồng, là cơ hội để hai bên tăng cường hợp tác.

Hai nước thường xuyên trao đổi đoàn các cấp. Trên nền tảng của mối quan hệ tốt đẹp, hai nước cần tăng cường hợp tác nghị viện, giao lưu nhân dân, coi đây là yếu tố then chốt, cơ bản nhất, là nền tảng để củng cố, tăng cường quan hệ Việt Nam - Nhật Bản. Hai bên cần tăng cường kết nối doanh nghiệp với doanh nghiệp, địa phương với địa phương.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, hai bên trao đổi nhiều ý kiến tiếp tục thực hiện 3 kết nối được đưa ra trong Tuyên bố chung nhân chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Nhật Bản. Đó là kết nối chiến lược giữa hai nền kinh tế, kết nối tăng cường sản xuất mới, kết nối chiến lược đào tạo phát triển nhân lực. Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ hai nước hợp tác làm rõ hơn nội hàm của các kết nối này trong bối cảnh, tình hình mới.

Quốc hội Việt Nam ủng hộ Nhật Bản thúc đẩy quan hệ với các nước ASEAN; tăng cường vai trò trong các cơ chế hợp tác khu vực như cơ chế Tiểu vùng sông Mekong..., Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chủ tịch Đảng Công Minh tiếp tục ủng hộ Quốc hội Việt Nam - Nhật Bản tăng cường trao đổi Đoàn cấp cao và các cấp, giữa nhóm nghị sĩ trẻ, nhóm nữ nghị sĩ, phát huy vai trò Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản và Liên minh Nghị sĩ Nhật Bản- Việt Nam.

Hiện cộng đồng người Việt Nam sinh sống, làm việc, học tập tại Nhật Bản có khoảng 500.000 người, trong đó có 176.000 người sinh sống và làm việc với tư cách tu nghiệp sinh.

Quốc hội và Chính phủ Việt Nam đã và sẽ luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp và cộng đồng người Nhật Bản sinh sống, làm ăn lâu dài tại Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao những nỗ lực của Nhật Bản về cải tiến chế độ tu nghiệp sinh, mong ngài Yamaguchi cùng Chính phủ, Nghị viện Nhật Bản quan tâm hơn nữa đến hợp tác lao động hai nước, ngoài hợp tác tu nghiệp sinh.

Chủ tịch Quốc hội và Chủ tịch Đảng Công Minh Nhật Bản đều bày tỏ quan tâm đến việc lĩnh vực hợp tác đào tạo nguồn nhân lực, trong đó có hợp tác nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển để bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải; phòng, chống thiên tai; bảo vệ quyền tự do hàng hải.

Chủ tịch Đảng Công Minh Nhật Bản đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong việc duy trì hòa bình, thực thi pháp luật trên biển một cách minh bạch dựa trên luật pháp quốc tế. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mong Nhật Bản tiếp tục ủng hộ quan điểm, lập trường của Việt Nam và ASEAN trong việc duy trì hòa bình, ổn định, giải quyết tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).

HOÀNG HOA

.
.
.