.

Nét đẹp của lòng biết ơn

Cập nhật: 18:13, 28/07/2023 (GMT+7)

NỘI DUNG LIÊN QUAN:

Kỷ niệm Ngày Thương binh-Liệt sĩ 27/7 hằng năm, cùng với các địa phương trên địa bàn tỉnh, xã Hòa Long và Long Phước (TP. Bà Rịa) đã tổ chức Lễ Giỗ liệt sĩ tưởng nhớ các anh hùng. Đây là nét đẹp truyền thống thể hiện lòng biết ơn sâu sắc của thế hệ hôm nay đối với những người đã ngã xuống vì độc lập, tự do của dân tộc.

Đoàn đại biểu tham gia ngày giỗ liệt sĩ ở Long Phước.
Đoàn đại biểu tham gia ngày giỗ liệt sĩ ở Long Phước.

Lễ giỗ liệt sĩ 

Trong ngày này, tại Đền thờ liệt sĩ xã Hòa Long đông đảo người dân tề tựu về dự lễ. Trước là tưởng nhớ hương linh những người đã mất, sau là cùng ôn lại những kỷ niệm một thời oanh liệt trong kháng chiến.

Bên tách trà nóng, họ thăm hỏi người còn sống, tưởng nhớ người đã hy sinh. Có nhiều cựu chiến binh (CCB) ở xa lâu ngày gặp mặt chợt nhận ra và ôm chầm lấy nhau, nắm chặt tay nhau, “như chưa từng có cuộc chia ly”. Từ chiều ngày 26/7, lúc 17 giờ Ban tế tự đình thần bắt đầu tổ chức lễ cúng theo nghi thức cổ truyền. Trong 2 ngày, 26 và 27/7 Đền thờ đón hơn 3.000 lượt khách.

Gặp lại đồng đội của mình, những đôi tay gân guốc, già nua của những người lính từng vào sinh ra tử chậm rãi cắm nén hương trên bàn thờ. Ông Nguyễn Duy Nga (SN 1950, ngụ tại ấp Bắc 3, xã Hòa Long, TP.Bà Rịa) chia sẻ: “Trở về thời bình, dẫu cuộc sống đôi lúc gặp khó khăn, nhưng tôi biết rằng mình hạnh phúc hơn vạn lần những đồng đội đã hy sinh. Tôi còn được sống mấy mươi năm cùng con cháu đầy đủ, chứng kiến đất nước ngày càng phát triển.Trong khi đó, các Anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì dân tộc. Công lao ấy không gì có thể bù đắp được. Buổi cúng giỗ này là một cách để chúng tôi bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đối với họ”, ông Nga tâm sự.

Dưới khói trầm hương nghi ngút, hương thơm nhè nhẹ, nghe giọng kể trầm ấm của  những nhân chứng lịch sử đã khơi dậy niềm tự hào của về cha ông để con cháu cùng hướng về quá khứ, lịch sử, hướng về tương lai, biết ơn các thế hệ cha ông đã hy sinh vì sự trường tồn đất nước, vì tương lai tươi sáng của dân tộc.

Có mặt tại buổi lễ, bà Trần Thị Đức (ngụ tại ấp Đông, xã Hòa Long) là thân nhân liệt sĩ, có hai người con trai đã hy sinh. Bà Đức năm nay 85 tuổi, sống một mình. Bà cho biết, hằng năm các dịp lễ, Tết đều được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm, thăm hỏi tặng quà.

Xã Hòa Long có 121 mẹ VNAH, trong đó 1 mẹ còn sống; 109 thương binh, 38 bệnh binh. Đền thờ liệt sĩ Hòa Long được xây dựng từ năm 1992, tu sửa lại năm 2004, hiện đang thờ 523 liệt sĩ.

Bà Nguyễn Thị Minh Nhựt, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Long cho biết: “Xuất phát từ tình cảm, trách nhiệm đối với công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, những năm qua, xã Hòa Long tổ chức lễ giỗ liệt sĩ với sự tham dự của các gia đình chính sách. Nhiều thân nhân liệt sĩ chia sẻ, gia đình đều tổ chức lễ giỗ hằng năm vào ngày hy sinh của người thân nhưng lúc về dự lễ giỗ chung, cùng trò chuyện, chia sẻ với những gia đình khác, họ cảm thấy ấm lòng hơn”.

Đại tá Nguyễn Văn Tàu phát biểu tại ngày giỗ liệt sĩ ở địa đạo Long Phước.
Đại tá Nguyễn Văn Tàu phát biểu tại ngày giỗ liệt sĩ ở Đền thờ liệt sĩ xã Long Phước.

Chung niềm xúc động, tự hào

Tại Đền thờ liệt sĩ xã Long Phước, lễ giỗ liệt sĩ không chỉ thể hiện lòng tri ân mà còn nhắc nhở thế hệ hôm nay về trách nhiệm với những người đã ngã xuống cho quê hương thanh bình.

Xã Long Phước hiện có 4 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND), trong đó có 3 Anh hùng liệt sĩ và 1 Anh hùng LLVTND còn sống; 102 mẹ được công nhận danh hiệu Bà mẹ VNAH, trong đó 1 mẹ còn sống; có 517 liệt sĩ; 130 thương, bệnh binh; 450 người hoạt động kháng chiến và người có công cách mạng. Đến nay xã đã xây dựng được 84 căn nhà cho cha, mẹ, vợ, con liệt sĩ và sửa chữa 331 căn nhà cho các gia đình chính sách. Trong dịp Kỷ niệm Ngày Thương binh-Liệt sĩ năm nay, ngoài 1.483 phần quà của Trung ương và địa phương, được sự quan tâm của các nhà hảo tâm, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh, thành phố, xã đã thăm và tặng 130 phần quà cho Mẹ VNAH và các gia đình chính sách trên địa bàn xã.

Ông Nguyễn Duy Nga (bìa phải, SN 1950, ngụ tại ấp Bắc 3, xã Hòa Long, TP.Bà Rịa) cùng đồng đội tại ngày giỗ liệt sĩ xã Hòa Long.
Ông Nguyễn Duy Nga (bìa phải, SN 1950, ngụ tại ấp Bắc 3, xã Hòa Long, TP.Bà Rịa) cùng đồng đội tại ngày giỗ liệt sĩ xã Hòa Long.

Đại tá Nguyễn Văn Tàu (SN 1928), AHLLVTNDND bày tỏ: “Những vật lễ, chiếc bánh mà người dân dâng lên trong ngày giỗ liệt sĩ là tấm lòng tri ân các Anh hùng liệt sĩ. Mỗi lần đến dự lễ giỗ liệt sĩ, tôi cảm nhận được sự quan tâm, lòng biết ơn của thế hệ hôm nay, tôi và đồng đội đều chung niềm xúc động, tự hào...”.

Nén hương tàn, những người lính năm xưa, những cựu TNXP, CCB ngồi lại cùng nhau, ăn bữa cơm sum họp. Dẫu tóc đã phai màu, gương mặt in hằn dấu vết thời gian, nhưng tâm hồn họ vẫn trẻ trung đầy nhiệt huyết như ngày mới nhập ngũ.

Họ hứa với nhau rằng năm sau lại trở về đây vào ngày 27/7, lại ôn chuyện cũ, nhớ người đã khuất...

Bài, ảnh: THIÊN KIM

.
.
.