Hội LHPN các cấp: Phát huy nét đẹp truyền thống
Thấm nhuần đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, các cấp Hội Phụ nữ trên địa bàn tỉnh đã thực hiện nhiều hoạt động tri ân, chăm sóc các Mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình chính sách, người có công với cách mạng.
Hội LHPN huyện Châu Đức tặng quà cho Mẹ Việt Nam Anh hùng Lại Thị Bạn. |
Ấm lòng người có công
Trong dịp kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ, Hội LHPN huyện Châu Đức đến thăm, tặng quà cho Mẹ Việt Nam Anh hùng Lại Thị Bạn (thôn Quảng Thành 1, xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức). Dù hơn 101 tuổi nhưng Mẹ vẫn còn minh mẫn, sức khỏe ổn định. Thấy sức khỏe của Mẹ như vậy, cán bộ Hội LHPN huyện Châu Đức cũng phấn khởi. Cùng với những lời hỏi thăm về cuộc sống hàng ngày, Hội LHPN huyện còn kính chúc Mẹ có sức khỏe dồi dào, mãi là tấm gương sáng để cán bộ Hội và hội viên, phụ nữ noi theo.
Bà Phan Thị Sen, là con gái vừa là người chăm sóc, nuôi dưỡng Mẹ Bạn cho hay, Mẹ được công nhận Mẹ Việt Nam Anh hùng vào năm 1996. Mẹ có chồng và 3 con là liệt sĩ. Ngoài việc được hưởng các chế độ hàng tháng theo quy định của Đảng và Nhà nước, vào các dịp lễ, Tết, mẹ của bà còn nhận được sự quan tâm của nhiều cá nhân, tổ chức, trong đó có Hội LHPN huyện Châu Đức. Đây là nguồn động viên rất lớn, giúp Mẹ Bạn xoa dịu nỗi đau chiến tranh.
“Mẹ con tôi cảm thấy ấm lòng khi được sự chia sẻ, an ủi của Hội LHPN huyện Châu Đức. Tôi mong rằng, các hội viên phụ nữ thường xuyên đến trò chuyện, hỏi thăm để mẹ tôi cảm thấy ấm cúng và vui vẻ hơn”, bà Sen mong muốn.
Trong dịp này, Hội LHPN phường 7 (TP.Vũng Tàu) dành sự quan tâm đặc biệt đối với 16 vợ liệt sĩ đang sinh sống trên địa bàn phường. Hội đến thăm hỏi, tặng quà và lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của các vợ liệt sĩ để có sự hỗ trợ các gia đình khi khó khăn, đau ốm. Bà Phan Thị Lan (SN 1949, ở 105/40 Ngô Đức Kế) là vợ liệt sĩ Nguyễn Hồng Mưu (hy sinh năm 1972 tại mặt trận phía Nam). Chồng mất khi bà mới 23 tuổi và để lại 2 người con trai còn thơ dại. Song bà vẫn cố gắng vượt qua nỗi đau mất chồng, cuộc sống khó khăn để nuôi dạy các con khôn lớn, trưởng thành.
Hiện bà Lan có cuộc sống ổn định nhưng vẫn không nguôi nhớ về người chồng năm xưa. Vì thế, khi được Hội LHPN phường 7 đến trò chuyện, hỏi han, bà rất xúc động. Bà chia sẻ: “2 con tôi có gia đình riêng nên tôi không muốn phụ thuộc vào các con. Tôi sống một mình, nhiều khi cũng buồn, cán bộ Hội Phụ nữ phường 7 đến thăm đúng vào dịp Ngày Thương binh-Liệt sĩ nên tôi được an ủi đôi phần”.
Bà Bùi Thị Sửu, Chủ tịch Hội LHPN Phường 7 (TP.Vũng Tàu) cho biết, những ngày lễ, Tết trong năm, Hội đều đến thăm và tặng quà cho các vợ liệt sĩ. Đối với những trường hợp khó khăn còn được Hội tặng gạo hàng tháng, đồng thời phân công các chi hội phụ nữ của các khu phố thường xuyên qua lại các gia đình người có công để kịp thời hỗ trợ họ khi cần thiết. “Đến thăm các vợ liệt sĩ là hoạt động thường xuyên của Hội, nhằm bày tỏ sự biết ơn với những đóng góp của gia đình đã có nhiều cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, bà Sửu nói thêm.
Tri ân bằng cả trái tim
Thể hiện tấm lòng của mình đến các anh hùng đã ngã xuống vì độc lập, tự do cho đất nước, cứ vào dịp Ngày Thương bình-Liệt sĩ hàng năm, Hội LHPN xã An Ngãi (huyện Long Điền) tổ chức làm bánh cúng giỗ các anh hùng liệt sĩ và nhận được sự hưởng ứng tích cực của đông đảo hội viên. Năm nay, Hội LHPN xã An Ngãi vận động khoảng 40 chị em tham gia làm hơn 3.000 chiếc bánh ít trần và bánh bao lá. Trong 2 ngày 24 và 25/7, các hội viên, phụ nữ đã phân công mỗi người một việc. Người đi chợ mua nguyên liệu, hái và lau lá, người ngâm gạo, xay bột. Đến sáng ngày 26/7, tất cả hội viên, phụ nữ tập trung về Đền thờ liệt sĩ xã An Ngãi cùng nhau làm bánh. Trên gương mặt của các chị thể hiện rõ niềm vui, tình cảm lẫn trách nhiệm của thế hệ hôm nay dành cho những người con ưu tú của xã An Ngãi đã hy sinh cho dân tộc. Dù đảm nhận ở nhiệm vụ nào, các chị em luôn dành nhiều tâm huyết, cẩn thận và chăm chút vào từng chiếc bánh.
Bà Nguyễn Thị Hồng Xinh, Chủ tịch Hội LHPN xã An Ngãi thông tin, trung bình mỗi năm, Hội làm từ 3.000-4.000 bánh để cúng giỗ các Anh hùng Liệt sĩ tại Đền liệt sĩ xã. Nét đẹp truyền thống này được Hội duy trì khoảng 40 năm nay. “Qua hoạt động này, chúng tôi muốn bày tỏ tấm lòng tri ân về sự hy sinh của các anh hùng dân tộc, đồng thời làm ấm lòng thân nhân các liệt sĩ”, bà Xinh cho hay.
Bà Bùi Thị Sen, Chủ tịch Hội LHPN huyện Châu Đức khẳng định, trong những năm qua, các cấp Hội trên địa bàn huyện đã phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” nên tổ chức được nhiều hoạt động chăm sóc các đối tượng người có công. Trong các chương trình họp mặt, ôn kỷ niệm truyền thống vào các dịp 8/3, 20/10… Hội còn lấy dẫn chứng là tấm gương của các Mẹ Việt Nam Anh hùng, người có công với cách mạng để tuyên truyền, giáo dục các phẩm chất đạo đức tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam trong hệ thống hội.
"Hội LHPN các cấp phải có trách nhiệm quan tâm, chăm lo cho Mẹ Việt Nam Anh hùng và người có công. Từ đó, giúp các đối tượng này nâng cao đời sống vật chất và tinh thần", bà Sen nói.
Bài, ảnh: TUỆ LÂM