NỘI DUNG LIÊN QUAN:
Làm quản trang tại nghĩa trang liệt sĩ (NTLS) là một nghề đặc biệt bởi tính đặc thù. Ẩn sâu trong những chiếc áo xanh trầm mặc ấy là những câu chuyện về đời, về nghề của những người đã nhận về mình trọng trách “canh giữ giấc ngủ ngàn thu” cho các Anh hùng liệt sĩ.
Ông Trần Bắc Sơn (phải), Tổ trưởng Tổ Quản trang Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh cùng nhân viên nhổ cỏ tại các phần mộ. |
Lặng thầm cống hiến
Tọa lạc tại TP. Bà Rịa, NTLS tỉnh có diện tích 4ha, là nơi an nghỉ của 3.280 liệt sĩ. Tổ quản trang gồm 5 người (4 nam, 1 nữ) do ông Trần Bắc Sơn làm Tổ trưởng bắt đầu công việc từ 7 giờ sáng hàng ngày.
Công việc của họ mỗi ngày là quét dọn lá cây rụng, nhổ cỏ, chăm sóc các mộ phần liệt sĩ. Giữa trưa hè nắng nóng nhưng họ vẫn cố gắng hoàn thành công việc rồi mới nghỉ.
Công việc dọn cỏ chiếm nhiều thời gian nhất. Làm cả ngày, mỗi người dọn cỏ được 100 đến 150 phần mộ. Vào các dịp lễ, Tết, nhất là tháng 7 này có đông thân nhân liệt sĩ, các cơ quan đoàn thể đến dâng hương nên mọi người trong tổ quản trang bắt đầu công việc từ 2 giờ sáng để chuẩn bị chu toàn. Buổi tối các nhân viên thay phiên nhau trực.
Hơn 5 năm gắn bó với NTLS tỉnh cũng là từng ấy thời gian chăm lo giấc ngủ cho các liệt sĩ. Ông Sơn và những nhân viên trong tổ luôn xem những phần mộ như người thân đã khuất của mình. Với họ, việc trông coi, chăm sóc NTLS không chỉ là công việc, nhiệm vụ mà còn là sự tri ân với nững người đã hy sinh để bảo vệ Tổ quốc.
Ấm lòng thân nhân liệt sĩ
Nhiều năm qua, 2.048 ngôi mộ liệt sĩ tại NTLS liên huyện Long Điền - Đất Đỏ luôn được đội quản trang tại đây tận tâm chăm sóc.
Tổ quản trang tại NTLS liên huyện Long Điền - Đất Đỏ hiện có 2 nhân viên quản trang là bà Trần Thị Thành và bà Trịnh Thu Trinh. Mỗi người phụ trách dọn dẹp từng khu vực khác nhau.
“Việc quản trang chỉ có thể làm tốt khi có tấm lòng và nhiệt huyết. Vì thế ngày nào tôi cũng cặm cụi nhổ cỏ, lau dọn các phần mộ liệt sĩ và coi đó là một phần quan trọng trong cuộc sống mình”.
(Ông Trần Bắc Sơn, Tổ trưởng Tổ quản trang,
Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh) |
Bà Trịnh Thu Trinh chia sẻ: “NTLS không chỉ là nơi an nghỉ của các Anh hùng liệt sĩ mà còn là biểu tượng cho sự kiên cường bất khuất và ý chí đấu tranh giành độc lập, khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam. Chúng tôi luôn cố gắng giữ gìn khuôn viên, phần mộ liệt sĩ sạch đẹp với mong muốn góp phần vào việc giáo dục truyền thống, đạo lý uống nước nhớ nguồn, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ”.
Sau khi thắp nén nhang trên phần mộ cha, ông Trần Hải Vinh (ngụ tại huyện Đất Đỏ) cho hay: “Trong số hơn 2.000 mộ liệt sĩ tại nghĩa trang này có cha và anh tôi đang yên nghỉ cùng đồng đội. Nhờ sự tỉ mỉ, chu đáo của nhân viên quản trang, các phần mộ trong nghĩa trang luôn sạch sẽ, tươm tất, làm ấm lòng thân nhân”.
Bà Lê Thị Đến, Phó Trưởng Ban quản lý Di tích huyện Đất Đỏ cho hay: “Tổ quản trang ở đây rất cần mẫn. Những dịp lễ Tết, đặc biệt là dịp tháng 7 này tổ quản trang làm việc cả ngày thứ Bảy và Chủ nhật, chăm sóc mộ phần sạch sẽ, chu đáo”.
Công việc quản trang tưởng như đơn giản nhưng đầy vất vả. Thế nhưng các nhân viên quản trang luôn làm việc hết mình với tấm lòng tri ân các Anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh được xây dựng từ năm 1976, có diện tích khuôn viên khoảng 4ha với một Tượng đài Liệt sĩ. Nghĩa trang được tu bổ, sửa chữa lớn 2 lần (vào năm 1991 và 1999).
Sau hơn 40 năm, trước sự xuống cấp của hầu hết các hạng mục, ngày 30/11/2016 Dự án cải tạo, nâng cấp Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh được đầu tư từ ngân sách tỉnh (tổng mức đầu tư 157 tỷ đồng), đã được khởi công. Dự án gồm các hạng mục cải tạo, nâng cấp: Thân Tượng đài Liệt sĩ cao 27m, 3.280 ngôi mộ liệt sĩ, nhà quản trang và xây mới: Phần dưới thân tượng đài; nhà bia tưởng niệm; nhà tiếp đón; nhà chuông và trống; chòi dừng chân… Ngày 16/12/2021, UBND tỉnh tổ chức lễ hoàn công Công trình cải tạo, nâng cấp Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh.
|
Bài, ảnh: HẠNH DUYÊN