Xóa mù chữ cho đồng bào

Thứ Sáu, 02/06/2023, 18:54 [GMT+7]
In bài này
.

Trong kháng chiến, cùng với công tác tuyên truyền, huấn luyện, Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy đã thành lập Tiểu ban Giáo dục mở các lớp bổ túc văn hóa cho cán bộ, chiến sĩ và lớp xóa mù chữ cho đồng bào và con em họ. Có những lớp mở ở vùng giáp ranh chỉ cách đồn địch khoảng 7km.

Ông Ngô Thành, cán bộ Tiểu ban Giáo dục Ban Tuyên huấn Bà Rịa-Long Khánh, nguyên Trưởng Ban Tuyên huấn Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo xem lại những kỷ niệm trong Tập san “Đạo làm Thầy mãi mãi nêu cao” kỷ niệm 50 năm thành lập Tiểu Ban giáo dục Bà Rịa-Long Khánh. Ảnh: PHÚC LƯU
Ông Ngô Thành, cán bộ Tiểu ban Giáo dục Ban Tuyên huấn Bà Rịa-Long Khánh, nguyên Trưởng Ban Tuyên huấn Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo xem lại những kỷ niệm trong Tập san “Đạo làm Thầy mãi mãi nêu cao” kỷ niệm 50 năm thành lập Tiểu Ban giáo dục Bà Rịa-Long Khánh. Ảnh: PHÚC LƯU

Mở trường học trong căn cứ

Năm 1966, một số cán bộ giáo dục từ hậu phương lớn miền Bắc đã vượt ngàn dặm Trường Sơn vào chi viện cho ngành giáo dục miền Nam. Với nguồn lực cán bộ chuyên môn được tăng cường, ngoài trường Bổ túc văn hóa được thành lập từ cuối năm 1964 (đóng tại căn cứ Hắc Dịch), Tiểu ban Giáo dục mở thêm trường bổ túc văn hóa cho cán bộ các ngành của tỉnh, huyện.

Một lớp học bổ túc văn hóa tại căn cứ Bàu Lâm. Ảnh: TƯ LIỆU
Một lớp học bổ túc văn hóa tại căn cứ Bàu Lâm. Ảnh: TƯ LIỆU

Trường bổ túc văn hóa xây dựng tại khu vực Bàu Lâm huyện Xuyên Mộc với lớp học có khoảng 20 người. Trường hoạt động được mấy khoá thì ngưng, khi quân viễn chinh Mỹ mở các cuộc hành quân đánh phá vùng căn cứ của ta rất ác liệt.

Ông Ngô Thành, cán bộ Tiểu ban Giáo dục Ban Tuyên huấn Bà Rịa-Long Khánh, nguyên Trưởng Ban Tuyên huấn Đặc khu Vũng Tàu-Côn Đảo nhớ lại, khoảng đầu năm 1967, ông được Ban Tuyên huấn Khu ủy miền Đông Nam bộ cử tăng cường về Tiểu ban Giáo dục tỉnh và được đưa về trường Bổ túc Văn hóa cán bộ tỉnh tại căn cứ xã Bình Châu thuộc huyện Xuyên Mộc với 20 học viên là cán bộ xã, huyện, tỉnh.

Tiểu ban Giáo dục phân công ông Huỳnh Thanh, cán bộ Tiểu ban giáo dục tỉnh xuống Phước Bửu vận động đồng bào địa phương, và nhận được sự ủng hộ hăng hái, người góp công sức, người góp tiền của, xây dựng được trường tại căn cứ Phước Bửu với vài ba lớp học, mỗi lớp học có từ 10 đến 15 học sinh.

Ngoài ra, Tiểu ban Giáo dục còn phân công các cán bộ đi công tác phong trào ở các xã, vừa tuyên truyền giáo dục quần chúng, xây dựng cơ sở cách mạng, khi có điều kiện thì tổ chức lớp bổ túc văn hóa cho cán bộ du kích xã và mở các lớp học vỡ lòng cấp 1 cho con em nhân dân tại các xã ở vùng giải phóng và vùng còn đang tranh chấp.

“Tôi trang bị như một chiến sĩ du kích. Tư trang luôn gọn gàng sẵn sàng, mang theo cây súng AR15 cùng vài trái mìn cá nhân để tự vệ trong những tình huống nếu bị địch đột kích bất ngờ”.
(Ông Nguyễn Xuân An, cán bộ Tiểu ban Giáo dục Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Bà Rịa-Long Khánh)

Vừa dạy học vừa tránh địch càn trong vùng tranh chấp

Nhớ lại 2 năm dạy học ở vùng tranh chấp, ông Nguyễn Xuân An, cán bộ Tiểu ban Giáo dục Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Bà Rịa-Long Khánh cho biết, đầu năm 1972 tình hình chiến trường đang trong thời kỳ sôi động. Ông được Ban Tuyên huấn phân công đi cơ sở tại địa bàn xã Bình Lộc thuộc huyện Xuân Lộc, ngay cạnh thị xã Long Khánh. Nơi đây đang được coi là vùng tranh chấp khá quyết liệt giữa ta và địch.

Ông đã tranh thủ cùng với xã vận động đồng bào đang sống trong vùng địch bung ra vườn rẫy làm ăn sinh sống, cho con em vào học lớp do ông mở. Đồng bào đã nhiệt tình giúp đỡ làm lán học, đóng bàn ghế cho lớp học. Cả thầy và trò cùng đào thêm hầm tránh pháo, tổ chức ngụy trang không để trực thăng địch phát hiện.

Địa điểm đặt lớp vừa nằm trong vườn rẫy, vừa cạnh bìa rừng (chủ yếu là tre) và có cả vùng đầm lầy để dễ quan sát từ xa, có lối ra vào thuận lợi để đảm bảo cho các cháu khi đến học, cũng như có thể nhanh chóng giấu tập vở, tản ra các rẫy xung quanh khi tình hình biến động. Lớp học không đông, chỉ có khoảng 10 em ở độ tuổi từ 10 đến 14, nhưng có tới 2,3 trình độ khác nhau.

“Hằng ngày, xem xét tình hình êm ắng thì thầy trò tập trung học tập. Buổi sáng học chừng hơn 2 tiếng và buổi chiều khoảng hơn 1 tiếng. Còn khi tin báo có địch đi càn, bố ráp thì cho học trò nghỉ, các em đi tản ra các rẫy để về nơi ở. Riêng tôi thì bám theo cơ sở xã và lực lượng du kích để cùng lo đối phó. Điều quý nhất là được đồng bào che chở, bao bọc”, ông Nguyễn Xuân An kể lại.

XÂY DỰNG PHONG TRÀO GIÁO DỤC Ở XÃ BÀU LÂM
Đầu tháng 5/1974, tôi được giao nhiệm vụ ra xã Bàu Lâm, vùng mới giải phóng để xây dựng phong trào giáo dục. Tôi được về sinh hoạt với chi bộ xã Bàu Lâm, toàn chi bộ có gần 10 đảng viên.
Những ngày ở Bàu Lâm, tôi đã kết hợp với các đoàn thể như phụ nữ, thanh niên, dân quân tham gia canh gác, vận động bà con tăng gia sản xuất. Tôi cũng đề xuất Chi bộ xã ra nghị quyết để xây dựng phong trào giáo dục ở hai ấp: ấp phía Tây gồm toàn bộ đồng bào Châu Ro sơ tán trong rừng, ấp phía Đông là đồng bào Kinh từ Quảng Trị, Quảng Nam, Đà Nẵng vào. Ngoài xây dựng phong trào, tôi tranh thủ dạy bổ túc cho cán bộ xã và dân quân.
Sau gần 3 tháng lăn lộn với phong trào, chúng tôi xây dựng được hai lớp học mái lá trung quân cho 2 ấp. Tôi trực tiếp đứng dạy lớp ghép giữa lớp 1, lớp 2 cho các em học sinh người Châu Ro.
Đến tháng 3/1975, Tiểu ban Giáo dục quyết định điều động tôi và một số cán bộ về cơ quan nhận nhiệm vụ mới. Chúng tôi bàn giao lại toàn bộ phong trào giáo dục của xã cho Chi bộ.
(Ông Bùi Công Khanh, cán bộ Tiểu ban Giáo dục 
Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Bà Rịa-Long Khánh)

PHÚC LƯU

;
.