Thời hạn cấp tạm trú của Việt Nam ngắn hơn một số nước trong khu vực

Thứ Sáu, 02/06/2023, 18:53 [GMT+7]
In bài này
.

Chiều 2/6, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho rằng thời gian tạm trú của người nước ngoài tại Việt Nam và việc miễn thị thực của Việt Nam trong dự thảo luật vẫn chưa dành nhiều thời gian so với các quốc gia trong khu vực, có một số quy định chưa rõ.

Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phát biểu thảo luận tại phiên họp.
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phát biểu thảo luận tại phiên họp.

Theo đại biểu Nguyễn Tâm Hùng, tại khoản 3 Điều 2 dự thảo Luật về sửa đổi, bổ sung điểm c, khoản 4 Điều 19a về cho phép người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh bằng thị thực điện tử, đề nghị Ban soạn thảo làm rõ nội dung “đối với công dân của nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực thì cấp tạm trú 45 ngày”. Như vậy, trường hợp công dân của các nước khác thì sẽ được cấp tạm trú bao nhiêu ngày.

Qua nghiên cứu chính sách thị thực của Việt Nam so với một số quốc gia trong khu vực, đại biểu nhận thấy so với một số nước, thì thời hạn cấp tạm trú của Việt Nam hiện ngắn hơn một số nước trong khu vực, các nước cũng áp dụng đơn phương miễn thị thực khá nhiều. Đại biểu dẫn chứng về chính sách thị thực trong lĩnh vực du lịch của Việt Nam so với các nước khu vực Đông Nam Á. Cụ thể, trong số 11 quốc gia Đông Nam Á, chỉ còn duy nhất Việt Nam và Myanmar yêu cầu phải xin thị thực trước khi đến đối với đa phần khách du lịch quốc tế nhập cảnh từ 30 ngày trở xuống. Campuchia, Lào và Đông Timor cũng đã ít nhất áp dụng chính sách cấp thị thực khi nhập cảnh cho du khách quốc tế nhập cảnh từ 30 ngày trở xuống. Thái Lan, Malaysia, Singapore, Philippines, Indonesia đã miễn thị thực trong 30-90 ngày với khách du lịch quốc tế từ hầu hết các thị trường chính của những nước này.

“Hiện Việt Nam chỉ áp dụng miễn thị thực cho khách du lịch trong thời gian ngắn bằng 15-50% so với Singapore, Malaysia, Thái Lan, Philippines, Indonesia. Số lượng quốc gia có khách đi du lịch Việt Nam được miễn thị thực cũng chỉ bằng 5-15% so với nước ASEAN”, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng phát biểu.

Từ thực tiễn trên, đối chiếu với các điều khoản sửa đổi về thị thực trong dự thảo luật, đại biểu nhận thấy việc sửa đổi về thời gian tạm trú của người nước ngoài tại Việt Nam và việc miễn thị thực của Việt Nam cũng chưa tăng nhiều thời gian như các quốc gia trong khu vực. Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc thêm về nội dung này và cần tăng miễn thị thực, gia hạn tăng cường thêm các mốc thời hạn tạm trú đối với người nước ngoài trong dự thảo luật sửa đổi.

Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng cho biết thêm, các điều ước quốc tế về quản lý biên giới, cửa khẩu do Việt Nam ký kết với các nước có chung đường biên giới và các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia đều quy định: Người nước ngoài xuất, nhập cảnh vào khu vực biên giới, cửa khẩu (kể cả cư dân biên giới nước đối diện) hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân (kể cả DN sử dụng lao động, đối tác phía Việt Nam hoặc đại diện của tổ chức phi chính phủ nước ngoài), cơ sở lưu trú đưa người nước ngoài vào khu vực biên giới, cửa khẩu, nếu ở qua đêm, đăng ký tạm trú, lưu trú, đều phải thông báo và chịu sự kiểm tra, kiểm soát của Bộ đội Biên phòng nơi gần nhất.

Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát, bổ sung chức năng, nhiệm vụ của Bộ đội biên phòng tại khoản 5, Điều 2 dự thảo Luật, sửa đổi, bổ sung Điều 33 về Khai báo tạm trú và trách nhiệm của Bộ đội Biên phòng ở khu vực biên giới hải đảo có thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm tại khoản 8, Điều 2 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 45a - Trách nhiệm của cơ quan tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

CHÂU VŨ - NGỌC NGUYỄN

(Từ Hà Nội)

;
.