QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ DỰ ÁN LUẬT NHÀ Ở (SỬA ĐỔI)

ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu: Thêm 4 nhóm đối tượng hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội

Thứ Hai, 19/06/2023, 12:36 [GMT+7]
In bài này
.

Tiếp tục Chương trình làm việc Kỳ họp thứ 5, sáng 19/6, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung phiên họp.

Phó Chủ tịch Nguyễn Khắc định điều hành phiên họp
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung phiên họp

Tham gia phát biểu thảo luận tại hội trường, ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Dương Tấn Quân đã phát biểu góp ý các nội dung: Tại điểm a, khoản 1 Điều 17 dự thảo Luật quy định về Quyền của đại diện chủ sở hữu nhà ở thuộc sở hữu nhà nước, chưa có quy định quyền của cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định đối với việc “chuyển quyền thuê nhà ở cũ” và “bố trí tái định cư bằng nhà ở”. Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, bổ sung điểm a, khoản 1, Điều 17 như sau:“a) Quyết định người được thuê nhà ở công vụ, người được thuê, chuyển quyền thuê, mua nhà ở cũ; quyết định người được thuê, thuê mua nhà ở xã hội; quyết định người được bố trí tái định cư bằng nhà ở.”

Đại biểu Dương Tấn Quân phát biểu thảo luận tại hội trường
Đại biểu Dương Tấn Quân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phát biểu thảo luận tại hội trường

Đối với điểm c khoản 1 Điều 17 Dự thảo, đại biểu đề nghị cần cân nhắc quy định quyền quyết định phê duyệt phương án sắp xếp lại, di dời, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, khai thác nhà ở phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương khi triển khai phá dỡ, xây dựng lại nhà ở thuộc sở hữu nhà nước có nhiều thành phần sở hữu (nhà nước, cá nhân…) để xây dựng lại. Đại biểu đề nghị bổ sung điểm c, khoản 1, Điều 17 thành: “c) Phê duyệt kế hoạch bảo trì, cải tạo, phá dỡ, xây dựng lại nhà ở; Phê duyệt phương án di dời, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bố trí chỗ ở tạm thời.”

Mặc khác, đại biểu Quân cho rằng quy định từ điểm a đến điểm e, khoản 1 Điều 17 dự thảo Luật, chưa quy định quyền được chuyển đổi công năng sử dụng, miễn, giảm tiền thuê nhà ở. Đại biểu dẫn chứng: Việc chuyển đổi công năng sử dụng từ trụ sở thành nhà ở, sử dụng chung hoặc riêng phù hợp với theo thực tế tại các địa phương. Bên cạnh đó, giao thêm quyền hạn về việc miễn, giảm tiền thuê nhà khi các đối tượng được hưởng chính sách đủ các điều kiện theo quy định hiện hành. Từ đó, đại biểu đề nghị bổ sung vào Điều 17 một khoản quy định về quyền: “Quyết định chuyển đổi công năng sử dụng, miễn, giảm tiền thuê nhà ở”

Đối với khoản 3 Điều 17 Dự thảo Luật, đại biểu cũng cho biết chưa có nội dung quy định quyền và trách nhiệm của “Đơn vị quản lý vận hành nhà ở” và “Đối tượng, điều kiện, tiêu chuẩn, định mức hỗ trợ tái định cư bằng nhà ở”. Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung khoản 3, Điều 17  với nội dung: “3. Chính phủ quy định cụ thể quyền, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà ở, đơn vị quản lý vận hành nhà ở trong việc thực hiện quản lý nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; Đối tượng, điều kiện, tiêu chuẩn, định mức hỗ trợ tái định cư bằng nhà ở”.

Về đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội tại Điều 73, đại biểu Quân cho rằng: Để đảm bảo phù hợp với các chính sách về người cao tuổi đã ban hành tại Quyết định số 2156 ngày 21/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2021-2023, cần bổ sung đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội tại Điều 73 đó là: Hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn cao tuổi, neo đơn, tàn tật.

Ngoài ra, tại khoản 11, đại biểu đề nghị bổ sung thêm đối tượng đó là: học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số rất ít người vì đây là nhóm đối tượng luôn bị tụt hậu trong tiếp cận các nguồn lực, dịch vụ công và cơ hội phát triển, tỷ lệ hộ nghèo cao gấp 2-4 lần so với các dân tộc khác.

Về quản lý, sử dụng nhà ở thuộc sở hữu nhà nước (Điều 123), đại biểu Quân cho biết: Hiện nay chưa có quy định cụ thể để điều chỉnh trong thực tiễn đối với trường hợp “nhà ở cũ đã thu hồi” (chưa được bố trí sử dụng). Do đó, đại biểu đề nghị sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 123 thành: “3. Việc bán nhà ở cũ chỉ thực hiện khi không có tranh chấp, khiếu kiện về quyền sử dụng và phải thuộc diện được cho thuê hoặc được bán theo quy định của pháp luật về nhà. Các trường hợp bố trí sử dụng nhà ở cũ từ sau ngày 19 tháng 01 năm 2007 hoặc nhà ở cũ đã thu hồi, chưa được bố trí sử dụng thì thực hiện giải quyết theo quy định của pháp luật về quản lý sử dụng tài sản công”.

Ngoài ra, để đảm bảo phù hợp tình hình quản lý trong thực tiễn đối với khu tập thể có nhiều chủ sở hữu không thuộc sở hữu nhà nước, đại biểu đề nghị bổ sung khoản 7 thành: “7. Đối với khu nhà ở tập thể có nhiều tầng, nhiều hộ ở, có nhiều quyền sở hữu nhà ở thì thực hiện theo pháp luật về nhà ở chung cư, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư thuộc sở hữu nhà nước.”

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu

Tham gia đăng ký phát biểu tại hội trường và gửi bài phát biểu góp ý đối với dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) tại phiên thảo luận, đại biểu Huỳnh Thị Phúc - Phó trưởng đoàn ĐBQH cho rằng: Chính sách nhà ở xã hội là chính sách lớn của Đảng và Nhà nước ta, nhằm đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở cho “người yếu thế” trong xã hội để bảo đảm “quyền có chỗ ở” của công dân được Hiến pháp quy định, trong đó có chính sách phát triển nhà lưu trú công nhân để đáp ứng nhu cầu nhà ở cho công nhân, lao động.

Đại biểu Phúc đề nghị ban soạn thảo xem xét sửa đổi khoản 3 Điều 80 Dự thảo Luật để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với khoản 3 Điều 113 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), bởi vì đại biểu cho rằng tại khoản 3 Điều 80 Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) quy định “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp việc dành một tỷ lệ nhất định nguồn tiền thu được từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị trên địa bàn để thực hiện công tác đền bù, bồi thường, giải phóng mặt bằng (nếu có) và đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật cho các dự án nhà ở xã hội hoặc đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội, dự án nhà lưu trú công nhân trên phạm vi địa bàn” và khoản 3 Điều 113 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định “3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định phân bổ tối thiểu 10% tiền sử dụng đất, tiền thuê đất hàng năm của địa phương cho Quỹ phát triển đất”, và theo khoản 1 Điều 113 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) thì “Quỹ phát triển đất” có nhiệm vụ “ứng vốn phục vụ công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án đầu tư, để tạo quỹ đất” để  “phát triển quỹ đất để đáp ứng cho nhu cầu sử dụng đất của các dự án đầu tư và các dự án tái định cư” được quy định tại khoản 1 Điều 111 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do 02 nguồn vốn ngân sách nhà nước này thực chất là 01 nguồn vốn ngân sách của địa phương.  

Đại biểu nhấn mạnh, hiện nay, các địa phương đều có Quỹ đầu tư phát triển và sau khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực thì nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thành lập Quỹ phát triển đất, nhưng cũng có một số tỉnh giao cho Quỹ đầu tư phát triển đảm nhiệm chức năng của Quỹ phát triển đất, không thành lập Quỹ phát triển đất. Hơn nữa, khoản 3 Điều 80 Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) quy định “dành một tỷ lệ nhất định nguồn tiền thu được từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất” thì đối không rõ là bao nhiêu, gây khó cho các địa phương. Trong lúc, khoản 3 Điều 113 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định rất cụ thể “phân bổ tối thiểu 10% tiền sử dụng đất, tiền thuê đất”.

 Viện dẫn Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/06/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về chủ trương “Tiếp tục thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đô thị, nhà ở thương mại”, nhưng Điều 38 Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) chỉ công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại đối với 06 trường hợp nhà đầu tư có quyền sử dụng đất hợp pháp sau đây: (1). Trúng đấu giá quyền sử dụng đất; (2). Trúng đấu thầu dự án có sử dụng đất; (3). Có quyền sử dụng đất ở; (4). Có quyền sử dụng đất ở và đất khác; (5). Có quyền sử dụng đất phi nông nghiệp không phải là đất ở đã nộp tiền sử dụng đất hoặc nộp tiền thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê; (6). Nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở hoặc đất ở và đất khác hoặc đất phi nông nghiệp không phải là đất ở đã nộp tiền sử dụng đất hoặc nộp tiền thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê. Đại biểu cho rằng Điều 38 Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) không công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại đối với trường hợp nhà đầu tư có quyền sử dụng “đất khác không phải là đất ở” như trường hợp nhà đầu tư đã nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất phi nông nghiệp và được quyền lựa chọn trả tiền thuê đất hàng năm, hoặc trường hợp nhà đầu tư đã nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp theo Điều 73, Điều 169, Điều 191 và Điều 193 Luật Đất đai 2013 cho phép tổ chức kinh tế được nhận chuyển quyền sử dụng đất phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư; trường hợp nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp thì phải được sự chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì Điều 38 Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) không công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại.

Đồng thời, điểm b khoản 1 Điều 127 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cũng quy định tương tự Điều 38 Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) như sau “b) Đối với trường hợp sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại thì được thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất ở và đất khác không phải là đất ở”, thậm chí có quy định còn “ngặt nghèo” hơn như điểm c khoản 2 Điều 127 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định “b) Có văn bản chấp thuận của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh về việc thỏa thuận quyền sử dụng đất để thực hiện dự án”, có nghĩa là mọi trường hợp “thỏa thuận quyền sử dụng đất để thực hiện dự án”, mà nếu không kịp thời rà soát, sửa đổi thì kể cả trường hợp doanh nghiệp bất động sản nhận chuyển nhượng “quyền sử dụng đất ở để thực hiện dự án” thì cũng đều phải “có văn bản chấp thuận của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh” (?!), so với khoản 1 Điều 193 Luật Đất đai 2013 chỉ quy định trường hợp tổ chức kinh tế nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp thì mới phải có văn bản chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền các là Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh; Hoặc khoản 6 Điều 127 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định “6. Đối với trường hợp đang có quyền sử dụng đất thì nhà đầu tư thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án phát triển đất kinh tế - xã hội. Trường hợp sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại thì phải đang có quyền sử dụng đất đất ở hoặc đất ở và đất khác không phải là đất ở”. Vì vậy đại biểu Phúc nhận định quy định này là bước “thụt lùi” so với các quy định tại Điều 73, Điều 169, Điều 191 và Điều 193 Luật Đất đai 2013 cho phép tổ chức kinh tế được nhận chuyển quyền sử dụng đất phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư; trường hợp nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp thì phải được sự chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, chưa “luật hoá” đầy đủ Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/06/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng chủ trương “Tiếp tục thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đô thị, nhà ở thương mại”. Vì vậy đại biểu Phúc đề nghị cần xem xét điều chỉnh các nội dung trên theo hướng đảm bảo Luật hoá Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng…

CHÂU VŨ - MINH THIÊN (Từ Hà Nội)

;
.