Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi)

Thứ Hai, 05/06/2023, 11:20 [GMT+7]
In bài này
.

Sáng 5/6, tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) và Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Sau đó, Quốc hội tiến hành Thảo luận ở tổ về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).

Đại biểu Nguyễn Thị Yến, Pho  bí thư thường trực tỉnh ủy, trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu thảo luận tổ
Đại biểu Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát biểu thảo luận tổ

Tổ thảo luận số 7, gồm các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh các tỉnh: Thái Nguyên, Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An.

Phát biểu thảo luận tổ, đại biểu Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: Cơ bản thống nhất với dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) với 13 chương, 196 Điều.

Tuy nhiên, về kỹ thuật lập pháp để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với các luật liên quan, đại biểu Yến đề nghị Ban soạn thảo rà soát, đối chiếu dự thảo luật chặt chẽ, đảm bảo tính đồng bộ với Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Đầu tư năm 2020 và nhất là đối với các dự thảo Luật được Quốc hội đang cho ý kiến và xem xét thông qua gồm: Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi).

Về phạm vi điều chỉnh (Điều 1): Đại biểu Yến nhận thấy hiện nay phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật mới quy định đối với đối tượng là “nhà ở” mà chưa đề cập đến dự án hỗn hợp (Trong khi đó, nhà chung cư hỗn hợp gồm có: Nhà ở, căn hộ thương mại, nhà phố thương mại). Vì vậy, đại biểu đề nghị ban soạn thảo cân nhắc bổ sung điều chỉnh thêm đối với “dự án hỗn hợp”; và quy định dự án hỗn hợp thì việc quản lý sử dụng thực hiện theo luật này, trường hợp các dự án độc lập (như căn hộ du lịch, cửa hàng, văn phòng) thì thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Kinh doanh bất động sản và pháp luật khác liên quan.

Về quyền của đại diện chủ sở hữu nhà ở thuộc sở hữu nhà nước: Đại biểu Yến cho biết tại điểm a khoản 1 Điều 17 Dự thảo Luật chưa có quy định quyền của cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định đối với việc “chuyển quyền thuê nhà ở cũ” và “bố trí tái định cư bằng nhà ở”. Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, bổ sung điểm a, khoản 1, Điều 17 như sau: “a) Quyết định người được thuê nhà ở công vụ, người được thuê, chuyển quyền thuê, mua nhà ở cũ; quyết định người được thuê, thuê mua nhà ở xã hội; quyết định người được bố trí tái định cư bằng nhà ở.”

Tại điểm c khoản 1 Điều 17 Dự thảo Luật, đại biểu đề nghị cần cân nhắc quy định quyền quyết định phê duyệt phương án sắp xếp lại, di dời, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, khai thác nhà ở phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương khi triển khai phá dỡ, xây dựng lại nhà ở thuộc sở hữu nhà nước có nhiều thành phần sở hữu (nhà nước, cá nhân…) để xây dựng lại. Vì vậy, đại biểu đề nghị ban soạn thảo cân nhắc bổ sung điểm c, khoản 1, Điều 17 thành “c) Phê duyệt kế hoạch bảo trì, cải tạo, phá dỡ, xây dựng lại nhà ở; Phê duyệt phương án di dời, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bố trí chỗ ở tạm thời.”

Đại biểu Yến nhận xét quy định từ điểm a đến điểm e, khoản 1 Điều 17 dự thảo Luật, chưa quy định quyền được chuyển đổi công năng sử dụng, miễn, giảm tiền thuê nhà ở như: Việc chuyển đổi công năng sử dụng từ trụ sở thành nhà ở, sử dụng chung hoặc riêng phù hợp với theo thực tế tại các địa phương.

Bên cạnh đó, giao thêm quyền hạn về việc miễn, giảm tiền thuê nhà khi các đối tượng được hưởng chính sách đủ các điều kiện theo quy định hiện hành. Vì vậy, đại biểu đề nghị ban soạn thảo sửa đổi, bổ sung điểm e, khoản 1, Điều 17 từ “Các quyền khác theo quy định của pháp luật” thành điểm g và quy định thêm nội dung mới tại điểm e, khoản 1, Điều 17 như sau: “e) Quyết định chuyển đổi công năng sử dụng, miễn, giảm tiền thuê nhà ở”

Đại biểu Yến cũng cho biết tại khoản 3 Điều 17 Dự thảo Luật, chưa có quy định quyền và trách nhiệm của “Đơn vị quản lý vận hành nhà ở” và “Đối tượng, điều kiện, tiêu chuẩn, định mức hỗ trợ tái định cư bằng nhà ở”. Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung khoản 3, Điều 17 thành: “3. Chính phủ quy định cụ thể quyền, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà ở, đơn vị quản lý vận hành nhà ở trong việc thực hiện quản lý nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; Đối tượng, điều kiện, tiêu chuẩn, định mức hỗ trợ tái định cư bằng nhà ở”.

Về chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh từ Điều 25 đến Điều 31, đại biểu Yến đề nghị ban soạn thảo xem xét cần thống nhất với quy hoạch tích hợp cấp tỉnh về chương trình phát triển nhà ở và kế hoạch sử dụng đất, để tránh xung đột mâu thuẫn nhau. Đối với chính sách phát triển nhà ở xã hội, cần bổ sung quy định UBND cấp tỉnh có trách nhiệm bố trí 20% quỹ đất vào khoản 3 Điều 80 dự thảo luật.

Đối với các quy định tại Chương V về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, đại biểu Yến cho rằng: “Thời hạn sử dụng của một chung cư được tính từ khi nghiệm thu nhà chung cư đưa về xây dựng vào sử dụng theo quy định của pháp luật” (khoản 2 Điều 60) là khoản 70 năm; và hết thời hạn sử dụng thì nhà nước phải thu hồi đất, vậy có đặt ra vấn đề hỗ trợ, tái định cư không. Vì sử dụng có thời hạn chứ không phải vĩnh viễn nên cần có quy định rõ.

Để đảm bảo phù hợp với các chính sách về người cao tuổi đã ban hành tại Quyết định số 2156 ngày 21/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2021-2023, đại biểu Yến đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội tại Khoản 11 Điều 73 thành: Hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn (cao tuổi, neo đơn, tàn tật) hướng đến đối tượng người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn, cụ thể, sửa đổi như sau: “11. Hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn cao tuổi, neo đơn, tàn tật.”

Đối với chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội (Điều 81): Đại biểu Yến nhận thấy điều luật cần quy định việc giao trách nhiệm cụ thể và nhất quán cho cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư tham mưu trình UBND cấp xác định chủ đầu tư nhà ở xã hội được đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công. Vì vậy, đại biểu đề nghị ban soạn thảo cân nhắc sửa đổi bổ sung khoản 1, Điều 81 thành“1. Đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội…Trường hợp UBND cấp tỉnh thực hiện đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua thì cơ quan đăng ký đầu tư cấp tỉnh chủ trì, phối hợp cùng cơ quan quản lý nhà cấp tỉnh trình UBND cấp tỉnh xác định chủ đầu tư theo quy định của pháp luật đầu tư công và pháp luật xây dựng. Đại biểu Yến cũng đề nghị ban soạn cân nhắc nội dung khoản 3 Điều 81 và khoản 3 Điều 89 về quy định Tổng liên đoàn lao động Việt Nam là nhà đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở lưu trú cho công nhân lao động mà nên giao về cho địa phương cho phù hợp chức năng quản lý nhà nước.

Về lựa chọn chủ đầu tư dự án xây dựng nhà lưu trú công nhân (Điều 94): Điều luật này hiện chưa giao trách nhiệm cụ thể và nhất quán cho cơ quan có chức năng quản lý nhà nước trực tiếp đối với khu công nghiệp, khu kinh tế tham mưu trình UBND cấp tỉnh xác định chủ đầu tư nhà lưu trú cho công nhân trong khu công nghiệp trên địa bàn do UBND thực hiện đầu tư xây dựng. Vì vậy đại biểu đề nghị ban soạn thảo cân nhắc sửa đổi khoản 3 Điều 94 thành: “3. Đối với trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 89 của Luật này thì Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế cấp tỉnh chủ trì, phối hợp cùng cơ quan quản lý nhà cấp tỉnh trình UBND cấp tỉnh xác định chủ đầu tư theo quy định của pháp luật đầu tư công và pháp luật xây dựng”.

Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Thị Yến cũng tham gia góp ý đối với các nội dung về quản lý, sử dụng nhà ở thuộc sở hữu nhà nước (Điều 123); Đối tượng, điều kiện thuê, thuê mua, mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước (Điều 124); Điều 201...

Tham gia thảo luật Tổ, đại biểu Huỳnh Thị Phúc, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu góp ý đối với các quy định còn nhiều ý kiến khác nhau liên quan đến nhà chung cư, nhà công vụ, nhà ở xã hội.

b
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tham gia thảo luận tại tổ

Đại biểu Phúc đề nghị ban soạn thảo xem xét bổ sung quy định về xác định giá mua nhà ở thương mại làm nhà ở công vụ bao gồm những khoản chi phí nào; cơ quan có thẩm quyền trình người quyết định đầu tư phê duyệt giá mua nhà ở thương mại để làm cơ sở thực hiện tại điểm d, khoản 3, Điều 45.

Đối với việc xác định giá thuê nhà ở thương mại làm nhà ở công vụ, người thuê nhà ở công vụ trả tiền thuê nhà ở thấp hơn giá thuê nhà ở thương mại tại khoản 4 Điều 48 dự thảo Luật, đại biểu Phúc đề nghị ban soạn thảo xem xét bổ sung quy định việc xác định giá bao gồm các khoản chi phí phí nào, phương pháp tính, cơ quan có thẩm quyền trình, cơ quan có quyền quyết định giá thuê.

Về các quy định đối với nhà ở xã hội, đại biểu Huỳnh Thị phúc đề nghị ban soạn thảo xem xét bổ sung quy định về thu nhập thấp tại Điều 73 và điểm b, khoản 1, Điều 75 về điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội cũng như sự gắn kết thống nhất giữa hai điều khoản này. Đồng thời góp ý đối với khoản 3 Điều 92 liên quan đến thẩm quyền của Ban quản lý các khu công nghiệp tại dự thảo luật…

Tham gia thảo luận tại tổ, đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh đã có nhiều ý kiến góp ý đối với các nội dung nội dung quan trọng khác của dự thảo Luật.

CHÂU VŨ - MINH THIÊN (Từ Hà Nội)

 

;
.