Hoàn thiện, bổ sung phương pháp xác định giá đất
Ngày 21/6, Quốc hội dành cả ngày thảo luận dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Dự thảo này sau khi hoàn thiện có bố cục gồm 16 chương, 263 điều, trong đó tăng 5 mục, bổ sung mới 40 điều, bỏ 13 điều so với dự thảo lấy ý kiến nhân dân.
Đại biểu Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu thảo luận. |
Cần hài hòa lợi ích
Đăng ký phát biểu thảo luận và gửi bài phát biểu đến Ban soạn thảo tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nhận định dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được Chính phủ và Ban soạn thảo chuẩn bị nghiêm túc, công phu; đã tiếp thu, sửa đổi, điều chỉnh nhiều nội dung quan trọng sau khi lấy ý kiến nhân dân và tiếp thu ý kiến của Quốc hội tại kỳ họp trước.
Đại biểu nhận thấy theo Luật Đất đai năm 2013 và dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), cơ quan TN-MT được thuê đơn vị tư vấn để khảo sát, định giá đất và thực hiện theo các phương pháp xác định giá đất theo quy định. Hiện nay, việc xác định giá đất được thực hiện theo Nghị định số 44 năm 2014 của Chính phủ và Thông tư số 36 năm 2014 của Bộ TN-MT. Đồng thời, theo quy định Luật Giá, các đơn vị tư vấn có chức năng thẩm định giá thực hiện định giá theo tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam (với 13 tiêu chuẩn) do Bộ Tài chính ban hành.
Tuy nhiên, các quy định, hướng dẫn cụ thể tại Thông tư số 36 của Bộ TN-MT và tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam do Bộ Tài chính ban hành chưa thống nhất với nhau. Cả 2 đều chưa hướng dẫn cụ thể, chi tiết việc áp dụng các quy định, định mức, các thông số tính toán, khoản chi phí, doanh thu, việc điều chỉnh các yếu tố không tương đồng giữa tài sản khảo sát và tài sản định giá…
Điều này dẫn đến mỗi đơn vị tư vấn theo kinh nghiệm, cách hiểu và cơ sở dữ liệu tính toán, áp dụng cùng 1 phương pháp nhưng ra kết quả chênh lệch (có khi chênh lệch sai số lớn) hoặc cùng một đơn vị nhưng áp dụng đồng thời 2-3 phương pháp cũng cho ra kết quả có sự chênh lệch. Do đó, một số chủ đầu tư dự án thắc mắc vì sao kết quả định giá đất cụ thể được UBND tỉnh phê duyệt lại không dùng phương pháp này, sao không dùng phương pháp kia... "Trong thực tiễn, công tác thuê đơn vị tư vấn tại các địa phương còn gặp nhiều khó khăn dù đã chào thầu nhiều lần, một phần do các đơn vị tư vấn còn e ngại việc định giá đất cụ thể còn bất cập do nguyên nhân trên”, đại biểu Nguyễn Thị Yến phân tích.
Do vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần có quy định về thực hiện xác định giá đất cụ thể theo các phương pháp định giá đất tại khoản 4 và khoản 7 Điều 158 dự thảo theo hướng phải khắc phục được các bất cập từ thực tiễn trên. Bởi, nếu quy định như dự thảo thì vẫn chưa khắc phục được tồn tại này.
Đại biểu Trần Văn Khải, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam nêu rõ dự thảo luật nêu 4 nguyên tắc định giá đất. Tuy nhiên, ông băn khoăn với các quy định tại dự thảo chưa đủ điều kiện để thực hiện xác định giá như vậy trong thực tế. Theo đại biểu, cơ sở để xác định "giá tiệm cận với giá thị trường vẫn là điều mơ hồ. Giá đất thời điểm 2023 khác nhưng sang năm 2024 lại khác, xác định như thế nào để không bị thất thoát là rất khó".
Mặt khác, cần làm thế nào để việc xác định giá đất phải hài hòa được các lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người dân. Từ đó, ông đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo luật về “phương pháp định giá đất theo nguyên tắc thị trường” bảo đảm thực sự rõ ràng, thể chế đầy đủ, toàn diện theo yêu cầu của Nghị quyết 18.
Bố trí quỹ đất phát triển nhà ở cho công nhân
Đại biểu Lê Thị Thanh Lam, Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang cho rằng, Khoản 10 Điều 201 của dự thảo Luật về đất KCN thiếu sự rõ ràng khi sử dụng cụm từ "xác định nhu cầu xây dựng". Mặt khác vẫn chưa giải quyết được những khó khăn, vướng mắc trong quy hoạch, bố trí quỹ đất dành để xây dựng nhà ở cho công nhân tại KCN, chưa tương thích với Luật Nhà ở sửa đổi để tháo gỡ khó khăn về nhà ở cho công nhân ở KCN.
Đại biểu đề nghị quy định theo hướng bố trí quỹ đất phát triển nhà ở cho công nhân ở KCN, tương thích ở sửa đổi Luật Nhà ở; coi nhà lưu trú cho công nhân thuê là hạ tầng thiết yếu cho KCN. Đại biểu cũng đề nghị quy định UBND cấp tỉnh có trách nhiệm xác định rõ diện tích đất để xây dựng công trình công cộng, phục vụ đời sống, làm việc trong KCN.
Theo đại biểu, thực tế cho thấy việc xây dựng nhà lưu trú cho công nhân KCN mang lại nhiều lợi ích hơn, giảm chi phí đi lại cho công nhân và DN, giảm ùn tắc giao thông, tiện lợi cho tổ chức sản xuất, nhất là khi có dịch bệnh hoặc thiên tai...
CHÂU VŨ - AN NHIÊN