Đây là một nội dung trả lời của Bộ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Thắng đối với các ý kiến tranh luận về trách nhiệm duy tu, bảo dưỡng Quốc lộ 51 trong thời gian xác lập sở hữu toàn dân và thời điểm khởi công Dự án nâng cấp, mở rộng sân bay Côn Đảo của đại biểu Huỳnh Thị Phúc, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu trong phiên chất vấn sáng 8/6.
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tranh luận về công tác quản lý dự án BOT. Ảnh: CHÂU VŨ |
Chưa chốt thời điểm khởi công Dự án nâng cấp, mở rộng sân bay Côn Đảo
Trả lời ý kiến tranh luận của đại biểu Huỳnh Thị Phúc, phiên chất vất sáng 8/6, liên quan đến dự án BOT Quốc lộ 51 trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu do Công ty BVEC làm chủ đầu tư, đã dừng thu phí, Bộ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Thắng cho biết, hiện Bộ GT-VT đã yêu cầu Công ty BVEC bàn giao tài sản nhưng Công ty BVEC vẫn chưa chịu bàn giao, hiện Bộ GT-VT đang đốc thúc, trong trường hợp DN chưa chịu bàn giao, Bộ GT-VT sẽ chỉ đạo để thực hiện việc tiếp quản tài sản, quản lý theo quy định pháp luật; nơi nào cần phải nâng cấp, bảo trì, sửa chữa, Bộ GT-VT sẽ thực hiện và toàn bộ chi phí này sẽ được tính toán vào các chi phí khi thanh toán hợp đồng với Công ty BVEC.
Về kế hoạch nâng cấp sân bay Côn Đảo, Bộ GT-VT đã đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn và đã phê duyệt dự án để triển khai thực hiện. Tuy nhiên theo kế hoạch thì hạng mục nâng cấp, mở rộng đường băng cất hạ cánh vẫn giữ nguyên theo chiều dài đường băng cũ là 1.830m và dự kiến tiếp nhận máy bay Airbus A320, A321-neo, nhưng trong điều kiện thời tiếp xấu rất khó tiếp nhận nên khi báo cáo với Thủ tướng Chính Phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo cần phải nâng cấp toàn diện, kéo dài đường băng để tiếp nhận máy bay Airbus A320, A321 trong điều kiện bình thường.
Sau khi Bộ GT-VT trao đổi thống nhất với lãnh đạo tỉnh, thì dự kiến sẽ chuyển đổi phương thức kêu gọi đầu tư nâng cấp, mở rộng sân bay Côn Đảo theo hình thức PPP (nên chưa trả lời chính thức thời điểm khởi công dự án). Trong khi chờ dự án khởi công, các hoạt động của sân bay Côn Đảo vẫn hoạt động bình thường.
Rà soát tổng thể các dự án BOT để có giải pháp toàn diện
Để tháo gỡ một cách triệt để những rào cản, vướng mắc với các công trình BOT, Bộ trưởng cho biết, Bộ GT-VT rất quyết tâm, quyết liệt để có thể trình Quốc hội nội dung đó trong kỳ họp lần này. Hiện nay, Bộ đã tổng hợp hết ý kiến của các địa phương, nhận diện các vấn đề và trình lại đối với dự án BOT cần phải xử lý trước. Hiện nay toàn bộ hồ sơ đã được trình Chính phủ, đang lấy ý kiến của các bộ, ngành để tiếp tục xử lý và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội. Bộ GT-VT sẽ tiếp tục bám sát vấn đề này.
Kết luận nội dung chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành GT-VT còn bộc lộ những tồn tại, hạn chế, vướng mắc, khó khăn, như việc tổ chức triển khai các dự án kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là các dự án trọng điểm, dự án quan trọng quốc gia. Giải ngân đầu tư công còn rất chậm. Các hình thức đầu tư PPP và huy động các nguồn lực ngoài ngân sách, đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông còn rất hạn chế. Chưa có giải pháp giải quyết căn bản tồn đọng, vướng mắc của một số dự án BOT. Chúng ta đang cần phát huy các nguồn lực xã hội, nhưng gần đây xu hướng chuyển từ PPP sang đầu tư công nhiều, hầu như không có dự án lớn nào sử dụng hình thức đầu tư tư nhân, kể cả dự án quốc lộ phía Đông giai đoạn 2 và một số các dự án quan trọng khác.
NGỌC NGUYỄN-
CHÂU VŨ (Từ Hà Nội)