ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu: Cần sớm ban hành Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.Hồ Chí Minh
* Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết Chương trình Giám sát năm 2024
Chiều 8/6, tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024 và Thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp.
Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu tại phiên họp vào chiều 8/6 |
Sau khi nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết. Kết quả biểu quyết điện tử cho thấy, có 451/459 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 91,30%). Như vậy, với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024.
Tiếp ngay sau đó, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.Hồ Chí Minh. Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có các đại biểu Nguyễn Thị Yến, Nguyễn Tâm Hùng, Dương Tấn Quân đăng ký thảo luận.
Gửi bài phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng nhận thấy: Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 31 ngày 30/12/2022 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định: “Tập trung ưu tiên hoàn thiện thể chế, chính sách, điều kiện thuận lợi tạo bước chuyển có tính đột phá trong huy động sức mạnh tổng hợp, khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, vị trí chiến lược, thúc đẩy TP.Hồ Chí Minh phát triển nhanh, bền vững”; đồng thời đề ra nhiệm vụ, giải pháp “tập trung phát triển kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh quốc tế, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực.”
Vì thế, đại biểu cho rằng việc Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.Hồ Chí Minh là hết sức cần thiết và cần được ban hành sớm. Đại biểu thống nhất các cơ chế chính sách đã được Chính phủ trình.
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu |
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng cho biết dự thảo Nghị quyết TP.Hồ Chí Minh đề xuất 11 nhóm cơ chế liên quan đến tài chính ngân sách gồm:
Thứ nhất, Nhóm cơ chế kế thừa, có cập nhật so với Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội về: Phí, lệ phí; Thẩm quyền quyết định dự toán, phân bổ ngân sách Thành phố; Cơ chế tạo nguồn cải cách tiền lương theo khả năng cân đối và nhu cầu sử dụng; Cơ chế về nợ chính quyền địa phương; Cơ chế thưởng vượt thu, bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương cho ngân sách Thành phố.
Thứ hai, Nhóm cơ chế mới: Cơ chế tài chính đặc thù khi thực hiện chính quyền đô thị tại Ủy ban nhân dân cấp quận; Cơ chế sử dụng ngân sách Thành phố cho dự án vùng, liên vùng, hỗ trợ một số địa phương trong nước và ngoài nước; Cơ chế tài chính thực hiện biện pháp giảm phát thải khí nhà kính; Sử dụng mái nhà trụ sở công để gắn điện mặt trời; Các cơ chế liên quan đến Công ty đầu tư tài chính nhà nước Tp. Hồ Chí Minh và khoản thu liên quan đến Khu chế xuất, Khu công nghiệp.
Đại biểu Hùng nhận định, so với Nghị quyết số 54 năm 2017 trước đây, cơ chế về tài chính ngân sách tại dự thảo Nghị quyết đã được cơ quan soạn thảo và Thành phố Hồ Chí Minh chuẩn bị công phu, kết hợp việc kế thừa, điều chỉnh và bổ sung thêm cơ chế mới để phù hợp với thực tiễn của thành phố trong giai đoạn hiện nay.
Đại biểu Hùng dẫn chứng: Theo quy hoạch, đến năm 2030, vùng Đông Nam Bộ có gần 1.000 km cao tốc, nhưng theo thống kê, đến nay mới chỉ đưa vào khai thác thực tế chỉ gần hơn 10%; đây là một trong những nguyên nhân chưa thể kéo giảm chi phí vận chuyển và lưu thông hàng hóa, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội, cũng như kết quả hoạt động của doanh nghiệp tại các địa phương.
Bên cạnh đó, tại báo cáo, TP.Hồ Chí Minh đã rà soát, đánh giá nhu cầu đầu tư các dự án có tính chất vùng, liên vùng tại khu vực là rất lớn, góp phần giúp cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế qua việc giúp vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thoát khỏi tắc nghẽn… Trong đó, có các dự án trọng điểm như: Dự án Xây dựng đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Mộc Bài, 2 dự án thành phần thuộc Dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh, 2 dự án thuộc đường Vành đai 2 TP.Hồ Chí Minh.
Để phát triển hạ tầng giao thông, tạo động lực, không gian phát triển mới cho vùng, TP.Hồ Chí Minh đã mạnh dạn đề xuất quy định tại dự thảo Nghị quyết về việc sử dụng ngân sách Thành phố để thực hiện dự án, công trình giao thông đường bộ có tính chất vùng, liên vùng nằm trên ranh giới, địa giới hành chính giữa Thành phố và địa phương khác, các dự án quốc lộ, cao tốc đi qua địa bàn Thành phố.
Về mặt tổng thể, đại biểu Hùng nhận định cơ chế này sẽ giúp giải quyết bài toán đầu tư các dự án có tính chất vùng, liên vùng để góp phần giải quyết “điểm nghẽn” về cơ sở hạ tầng đô thị, giao thông kết nối Thành phố và các địa phương trong vùng, cũng như liên vùng.
Đại biểu Hùng ủng hộ rất cao cơ chế này của Thành phố đề xuất, vì phù hợp với các chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và Nghị quyết số 31 năm 2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển thành phố.
Từ đó, đại biểu thống nhất đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành quan tâm, hỗ trợ TP.Hồ Chí Minh trong việc tính toán, cân đối nguồn lực, đồng hành cùng với TP. Hồ Chính Minh trong quá trình triển khai các cơ chế, chính sách này, để sau 5 năm triển khai, các cơ chế, chính sách này sẽ được đánh giá, nhân rộng để thực hiện trên phạm vi toàn quốc.
CHÂU VŨ-MINH THIÊN (Từ Hà Nội)