Huy động doanh nghiệp đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông
Ngày 7/6, Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV họp phiên toàn thể tại hội trường tiếp tục chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực KH-CN và nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực GT-VT.
Đại biểu Đinh Ngọc Quý, Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai chất vấn về giải pháp và trách nhiệm của Bộ KH-CN trong giải quyết tình trạng xử lý đơn đăng ký bằng sáng chế còn chậm trễ. |
Chậm giải quyết đơn đăng ký bằng sáng chế, nhãn hiệu
Vấn đề đăng ký quyền bảo hộ công nghệ, bằng sáng chế, nhãn hiệu hàng hóa bị tồn đọng và không được giải quyết được đại biểu Đinh Ngọc Quý, Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai đặt ra, Bộ trưởng Bộ KH-CN Huỳnh Thành Đạt cho biết, hiện Bộ đang rất trăn trở về việc này do khả năng xử lý đơn của đơn vị vẫn còn hạn chế. Nguyên nhân một phần do số lượng đơn đăng ký tăng mạnh thời gian qua, một phần do đây là lĩnh vực vẫn còn mới.
“Thủ tục, quy trình xử lý đơn đăng ký vẫn còn chậm, chưa ứng dụng được các công nghệ và hạn chế về nguồn nhân lực dẫn đến số lượng đơn tồn đọng về đăng ký bằng sáng chế và nhãn hiệu vẫn còn rất lớn. Đến ngày 31/12/2022, còn hơn 64 ngàn đơn đăng ký nhãn hiệu hàng hóa và khoảng 20 ngàn đơn đăng ký bằng sáng chế chưa được xử lý”, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nói.
Bộ trưởng cho biết thêm, Bộ sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, kết hợp với điều chỉnh các quy trình nhận và xét đơn, tăng cường tuyển dụng và đào tạo đội ngũ nhân sự để giúp xử lý vấn đề. “Tuy nhiên, ít nhất phải đến năm 2025 hoặc 2026 mới có thể giải quyết vấn đề này”, Bộ trưởng nói.
Trả lời chất vấn của đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình về ứng dụng KH-CN vào thị trường, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, trong thời gian qua, nhiều công nghệ mới, tiên tiến đã được ứng dụng, mang lại hiệu quả trong các ngành y tế, viễn thông, giao thông. Một số ngành có sức cạnh tranh quốc tế và tham gia sâu vào chuỗi giá trị sản xuất, các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, Bộ trưởng cho rằng, vẫn còn vướng mắc khi cơ chế, chính sách chưa thực sự phát huy, khó tiếp cận với các DN, các hoạt động kết nối, dịch vụ hỗ trợ đi kèm chưa hiệu quả. Nguồn lực từ ngân sách, DN đầu tư cho hoạt động này còn khiêm tốn, cơ sở hạ tầng hạn chế. “Trong thời gian tới, Bộ sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh cơ chế, chính sách, quy định phù hợp với thực tiễn, thúc đẩy chương trình tìm kiếm, chuyển giao, làm chủ, phát triển công nghệ nước ngoài vào Việt Nam”, Bộ trưởng nói.
Cần tạo niềm tin với doanh nghiệp
Trả lời đại biểu Trần Anh Tuấn, Đoàn ĐBQH TP.Hồ Chí Minh liên quan đến dự án PPP sau đó phải chuyển sang đầu tư công, Bộ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Thắng chia sẻ đây cũng là trăn trở của cá nhân ông và của Bộ khi đến nay chưa kêu gọi được nhiều DN đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức PPP.
Bộ trưởng Bộ GT-VT cho rằng cần tạo được niềm tin của DN thông qua xem xét có điều chỉnh phù hợp, hoàn thiện cơ chế chính sách, bảo đảm tính ổn định của chính sách, trường hợp thay đổi cơ chế chính sách thì điều khoản chuyển tiếp như thế nào; bên cạnh đó, tháo gỡ các vấn đề liên quan đến ngân hàng… Bộ trưởng cho biết thời gian tới, Bộ sẽ phối hợp với các địa phương tổ chức hội nghị xúc tiến, mời gọi đầu tư các DN trong nước và quốc tế, tháo gỡ khó khăn, huy động DN tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông…
Về tuyến cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Trung Lương, Bộ GT-VT đang chuẩn bị đầy đủ các nội dung để trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6 về phương án đầu tư. Tuyến TP.Hồ Chí Minh - Long Thành do VEC đầu tư khai thác. Hiện VEC đang cùng Ủy ban Quản lý vốn và phối hợp với Bộ GT-VT để trình Thủ tướng Chính phủ về vấn đề liên quan đến tái cơ cấu VEC, đặc biệt là vấn đề sử dụng các nguồn vốn tự có để đầu tư các dự án, nếu tài chính của VEC đảm bảo thì mới làm được. Thực tế VEC đã có công văn gửi Bộ GT-VT, trình Chính phủ xin được tiếp tục đầu tư mở rộng tuyến này.
Trả lời câu hỏi của các đại biểu liên quan đến một số tuyến cao tốc không có trạm dừng nghỉ, Bộ trưởng Bộ GT-VT cho biết Bộ đã nhận diện được vấn đề này. Do đó, ngay từ đầu năm 2023, Bộ trưởng đã chỉ đạo rất quyết liệt làm bù, phải xây dựng thông tư hướng dẫn và tổ chức đấu thầu để khẩn trương xây dựng các trạm dừng nghỉ. Bộ trưởng Bộ GT-VT khẳng định quyết tâm, quyết liệt và cam kết trước Quốc hội để khi hoàn thành các tuyến đường cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 cũng sẽ có trạm dừng nghỉ theo đúng quy hoạch.
Trả lời vấn đề liên quan đến đường gom và đường dân sinh, Bộ trưởng Bộ GT-VT cho biết, vừa qua khi đưa vào khai thác một số tuyến đường đã có một số dự án còn một phần đường gom và đường dân sinh chưa hoàn thành. Bởi trước nhu cầu đi lại của người dân là rất cao, người dân rất mong chờ, không thể đợi đến khi dự án hoàn thành 100% do đó, Bộ GT-VT đã tính đến phương án đường gom và trong khoảng thời gian còn lại thì phải khẩn trương hoàn thành.
NGỌC NGUYỄN