Tham gia chất vấn, đại biểu Huỳnh Thị Phúc, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tranh luận, đề nghị cho biết trách nhiệm duy tu, bảo dưỡng tuyến Quốc lộ 51 trong thời gian xác lập sở hữu toàn dân và thời điểm khởi công Dự án nâng cấp, mở rộng sân bay Côn Đảo.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng đã trả lời ý kiến tranh luận của đại biểu Huỳnh Thị Phúc vào phiên chất vất buổi sáng 8/6.
Chưa chốt thời điểm khởi công Dự án nâng cấp, mở rộng sân bay Côn Đảo
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng trả lời ý kiến tranh luận của đại biểu Huỳnh Thị Phúc |
Trả lời ý kiến tranh luận của đại biểu Huỳnh Thị Phúc vào phiên chất vất buổi sáng 8/6, liên quan đến dự án BOT tuyến Quốc lộ 51 trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu do Công ty BVEC làm chủ đầu tư, đã dừng thu phí; Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng báo cáo với Quốc hội và đại biểu, hiện Bộ Giao thông vận tải đã yêu cầu Công ty BVEC bàn giao tài sản nhưng Công ty BVEC vẫn chưa chịu bàn giao, hiện Bộ Giao thông vận tải đang đốc thúc, trong trường hợp doanh nghiệp chưa chịu bàn giao, Bộ Giao thông vận tải sẽ chỉ đạo để thực hiện việc tiếp quản tài sản, quản lý theo quy định pháp luật; nơi nào hỏng hóc cần phải nâng cấp, bảo trì, sửa chữa, Bộ Giao thông vận tải sẽ thực hiện và toàn bộ chi phí này sẽ được tính toán vào các chi phí khi thanh toán hợp đồng với Công ty BVEC, vì vậy Bộ Giao thông vận tải báo cáo rõ để Quốc hội và đại biểu Huỳnh Thị Phúc yên tâm vấn đề này.
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc tranh luận về công tác quản lý dự án BOT |
Về kế hoạch nâng cấp sân bay Côn Đảo, Bộ Giao thông vận tải đã đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn và đã phê duyệt dự án để triển khai thực hiện. Tuy nhiên theo kế hoạch thì hạng mục nâng cấp, mở rộng đường băng cất hạ cánh vẫn giữ nguyên theo chiều dài đường băng cũ là 1.830m và dự kiến tiếp nhận máy bay Airbus A320, A321-neo, nhưng trong điều kiện thời tiếp xấu rất khó tiếp nhận nên khi báo cáo với Thủ tướng Chính Phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo cần phải nâng cấp toàn diện, kéo dài đường băng để tiếp nhận máy bay Airbus A320, A321 trong điều kiện bình thường.
Sau khi Bộ Giao thông vận tải trao đổi thống nhất với lãnh đạo tỉnh, thì dự kiến sẽ chuyển đổi phương thức kêu gọi đầu tư nâng cấp, mở rộng sân bay Côn Đảo theo hình thức PPP (nên chưa trả lời chính thức thời điểm khởi công dự án). Trong khi chờ dự án khởi công, các hoạt động của sân bay Côn Đảo vẫn hoạt động bình thường.
Nhiều đại biểu chất vấn vấn đề về kết cấu hạ tầng giao thông
Trước đó, chiều 7/6, tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thứ tư thuộc lĩnh vực giao thông vận tải với những nội dung trọng tâm: Giải pháp hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, hạn chế tai nạn giao thông trong cả nước, giảm ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn. Trách nhiệm quản lý nhà nước trong hoạt động kiểm định; giải pháp tháo gỡ khó khăn, nâng cao chất lượng công tác kiểm định phương tiện cơ giới đường bộ, đường thủy nội địa. Quản lý hoạt động vận tải, chất lượng phương tiện; công tác đào tạo, sát hạch, cấp, thu hồi và quản lý giấy phép điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, đường thủy nội địa.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng trả lời chất vấn. Trong quá trình chất vấn, Đoàn Chủ tịch có thể mời Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Bộ trưởng các Bộ ngành liên quan cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có các đại biểu Nguyễn Thị Yến, Nguyễn Tâm Hùng và Dương Tấn Quân đã đăng ký chất vấn nhóm vấn đề thứ tư, thuộc lĩnh vực giao thông vận tải.
Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tham dự phiên chất vấn và trả lời chất vấn |
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ sự quan tâm đến nhóm vấn đề về hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, giảm ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn.
Cụ thể, các đại biểu đề nghị cần có giải pháp rõ ràng, giải quyết dứt điểm tồn đọng trong hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế. Các đại biểu Quốc hội đồng tình cho rằng, được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự phối hợp trách nhiệm, hiệu quả của các Bộ, ngành trung ương và của địa phương, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông nước ta đã có những đột phá đáng ghi nhận, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế và hội nhập quốc tế của đất nước.
Nhiều công trình giao thông quan trọng, quy mô lớn được tập trung đầu tư; đẩy nhanh tiến độ sớm đưa vào khai thác, bảo đảm chất lượng, phát huy hiệu quả đầu tư. Năng lực hệ thống kết cấu hạ tầng được nâng lên đáng kể, bảo đảm kết nối giữa các vùng miền trong cả nước và giao thương quốc tế, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tạo diện mạo mới cho đất nước.
Tuy nhiên, cũng theo đánh giá của một số đại biểu, bên cạnh kết quả đạt được trong thời gian qua, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vẫn còn những điểm nghẽn, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Vốn đầu tư chưa đáp ứng đủ nhu cầu đã đề ra; việc kêu gọi xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông còn hạn chế. Công tác quản lý, điều hành tại một số dự án chưa bắt kịp yêu cầu, chậm đổi mới. Các bộ, ngành, địa phương còn chưa phối hợp chặt chẽ, chưa kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc tại một số dự án.
Trách nhiệm duy tu, bảo dưỡng tuyến Quốc lộ 51 trong khi chờ xác lập sở hữu toàn dân?
Tranh luận với các ý kiến liên quan đến bất cập trong công tác quản lý đối với các dự án BOT, đại biểu Huỳnh Thị Phúc đề nghị: Trong các nội dung Bộ trưởng giải trình ý kiến đại biểu về hạ tầng giao thông liên quan đến doanh thu của các dự án BOT, sự chia sẻ giữa doanh nghiệp - nhà nước, nhà nước - doanh nghiệp trong các điều kiện tương ứng, cơ chế xử lý các dự án đầu tư.
Vậy đối với dự án đầu tư BOT dừng thu phí trong khi chờ Bộ Giao thông vận tải triển khai các thủ tục xác lập tài sản thuộc sở hữu toàn dân thì tuyến đường đó xuống cấp thì trong kế hoạch trung tu theo giai đoạn ai sẽ chịu trách nhiệm duy tu, bảo quản, đảm bảo an toàn giao thông. Tránh việc Công ty chủ đầu tư bảo là trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải, còn Bộ Giao thông vận tải trả lời là trách nhiệm của Công ty chủ đầu tư. Đại biểu Phúc dẫn chứng cụ thể thực trạng này là Dự án BOT, tuyến Quốc lộ 51 trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, do Công ty Cổ phần cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (Công ty BVEC) làm chủ đầu tư là một minh chứng.
Bên cạnh đó, đại biểu Huỳnh Thị Phúc thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, chuyển gửi lời cảm ơn của cử tri và Nhân dân huyện Côn Đảo đến Quốc hội, Chính phủ các Bộ, ngành trung ương và các địa phương đã luôn quan tâm tạo điều kiện cho tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đầu tư cho huyện Côn Đảo phát triển, phục vụ Nhân dân trong cả nước và du khách đến với di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Côn Đảo.
Song cử tri rất mong muốn Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải có thông tin chính thức về việc thời điểm sẽ khởi công Dự án nâng cấp, mở rộng sân bay Côn Đảo để giao thông giữa đảo với đất liền được kết nối thuận lợi hơn.
CHÂU VŨ - MINH THIÊN (Từ Hà Nội)