.

Tạo thuận lợi cho công dân Việt Nam và người nước ngoài xuất, nhập cảnh

Cập nhật: 19:34, 28/05/2023 (GMT+7)

Chiều 27/5, Quốc hội thảo luận tại Tổ đại biểu đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phát biểu thảo luận tại tổ. Ảnh: CHÂU VŨ
Đại biểu Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phát biểu thảo luận tại tổ. Ảnh: CHÂU VŨ

Nâng cao hiệu quả quản lý cư trú người nước ngoài 

Phát biểu thảo luận tổ, đại biểu Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho rằng 2 dự thảo Luật đã thể chế hóa rõ nét 2 chính sách quan trọng của Đảng và Nhà nước ta là tiếp tục tạo điều kiện hơn nữa cho người nước ngoài nhập, xuất cảnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong tình hình hiện nay và hoàn thiện một số quy định của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý cư trú người nước ngoài tại Việt Nam, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến cũng bày tỏ đồng thuận với quy định thị thực điện tử (ký hiệu EV) có giá trị nhiều lần thay vì chỉ một lần như trước đây; nâng thời hạn thị thực điện tử từ không quá 30 ngày lên không quá 3 tháng. Đồng thời, nhất trí với nội dung sửa đổi, bổ sung là mở rộng diện cấp thị thực điện tử cho công dân vùng lãnh thổ so với chỉ quy định diện cấp đối với công dân các nước như trước đây; mở rộng điều kiện áp dụng “trên cơ sở bảo đảm quốc phòng - an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, phù hợp với chính sách đối ngoại và phát triển kinh tế- xã hội của Việt Nam”.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến cũng nhất trí với việc nâng thời hạn cấp chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ 15 ngày lên 45 ngày là phù hợp với tình hình thực tế hiện nay khi nhu cầu vào Việt Nam dài ngày tăng lên, nhất là đối với người nước ngoài vào đầu tư, làm việc với cơ quan, DN, tổ chức khác, du lịch hoặc thực hiện các hoạt động khác.

Thảo luận về 2 dự thảo Luật, đại biểu Tạ Đình Thi, Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội cho rằng cần ứng dụng công nghệ thông tin, đơn giản hóa thủ tục xuất cảnh của công dân nước ngoài. Đại biểu cũng đề nghị xem xét các quy định cụ thể về cơ sở dữ liệu về xuất cảnh, nhập cảnh trong dự thảo Luật để bảo đảm cơ sở dữ liệu tích hợp, đồng bộ, hiệu quả khai thác sử dụng để quản lý tốt hơn.

Bổ sung quy định trách nhiệm của Biên phòng

Đại biểu Nguyễn Thành Trung, Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái cho rằng việc sửa đổi, bổ sung Luật sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người nước ngoài nhập cảnh, đòi hỏi công tác quản lý cư trú của người nước ngoài phải được tăng cường hơn. Đại biểu đề nghị nghiên cứu, rà soát bổ sung trách nhiệm của lực lượng bộ đội Biên phòng về khai báo tạm trú để bảo đảm thống nhất với quy định của Luật Biên phòng Việt Nam và các Hiệp định về quy chế quản lý biên giới, cửa khẩu mà Việt Nam đã ký kết.

Cùng quan điểm, đại biểu Trần Quốc Tuấn, Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh đề nghị sửa đổi Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam cần nghiên cứu bổ sung quy định trách nhiệm của lực lượng Biên phòng ở khu vực biên giới, hải đảo có thẩm quyền tiếp nhận giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm. Bởi, nếu quy định chỉ có công an xã mới có thẩm quyền tiếp nhận các vụ việc có dấu hiệu vi phạm, cư trú bất hợp pháp của người nước ngoài là chưa đủ và chưa phù hợp, nhất là ở các khu vực biên giới, cửa khẩu. “Mặt khác, quy định như vậy là chưa đồng bộ, chưa bảo đảm tính tương thích với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành”, đại biểu Trần Quốc Tuấn nhấn mạnh.

TUẦN LÀM VIỆC THỨ 2, KỲ HỌP THỨ 5
Quốc hội thảo luận, thông qua nhiều nội dung quan trọng
Theo Chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV từ ngày 29/5-2/6, Quốc hội sẽ thảo luận nhiều vấn đề quan trọng trong chương trình nghị sự liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội; biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023...
Quốc hội dành cả ngày đầu tiên của tuần làm việc để thảo luận ở hội trường về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.
Đáng chú ý, ngày 31/5, Quốc hội thảo luận cả ngày ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023. Nội dung này sẽ tiếp tục được thảo luận trong phiên họp sáng 1/6.
Cũng trong sáng 1/6, Quốc hội thảo luận về chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam. Trong phiên họp chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận ở hội trường về: Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021; Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022; Việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022; Việc giao danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; giao, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2023 của Chương trình mục tiêu quốc gia.
Trong tuần làm việc, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023…

PHÚC LƯU - CHÂU VŨ

.
.
.