Tăng cường giám sát trách nhiệm người đứng đầu
Chiều 26/5, Quốc hội thảo luận về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Ảnh: CHÂU VŨ |
Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu khẳng định, theo báo cáo giám sát, tại kỳ họp này Ban Dân nguyện tổng hợp trên 2.000 kiến nghị, qua báo cáo đã giải quyết đạt trên 99,8% - đây là tỷ lệ giải quyết rất cao. Tuy vậy, còn 49 kiến nghị chưa được giải quyết, nhưng trong báo cáo chưa thấy đề cập lý do chưa giải quyết, trả lời.
Về hình thức, nội dung báo cáo kết quả giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình tại kỳ họp, các đại biểu cho rằng, vẫn chưa phản ánh rõ nét việc đánh giá, nhận định qua hoạt động giám sát như việc theo dõi, đôn đốc việc giải quyết những kiến nghị xác minh những vấn đề có trình hay tổ chức đoàn giám sát, kiến nghị của cử tri, của các cơ quan có thẩm quyền theo quy định. Báo cáo chưa đánh giá bộ, ngành nào giải quyết tốt, chưa giải quyết tốt để làm tiêu chí, căn cứ đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu cơ quan, đơn vị.
Theo đại biểu Mai Văn Hải, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa, trên thực tế công tác giải quyết kiến nghị của cử tri còn có nhiều vướng mắc, khó khăn, nhiều vấn đề vướng mắc trong cơ chế… Đại biểu đề nghị cần phải đánh giá đúng vấn đề này. Chính phủ, các bộ, ngành cần rà soát, xem xét lại, đối với những vấn đề chúng ta chưa ban hành thì cần khẩn trương ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành luật.
Đồng thời, đại biểu tỉnh Thanh Hóa cũng đề nghị cần tăng cường giám sát việc giải quyết các kiến nghị của cử tri. Việc này cần làm thường xuyên và phải được giám sát mở rộng. Đặc biệt, cần giám sát trách nhiệm người đứng đầu trong việc giải quyết kiến nghị của cử tri; giám sát việc phối kết hợp giữa các bộ, ngành, cơ quan có liên quan trong vấn đề giải quyết kiến nghị của cử tri.
Đại biểu đề nghị, tại các kỳ họp thường kỳ nên đưa nội dung này vào thảo luận, thông qua đó trách nhiệm các cơ quan có trách nhiệm, có thẩm quyền trong giải quyết kiến nghị của cử tri sẽ được nâng cao hơn, chất lượng giải quyết kiến nghị của cử tri sẽ được nâng lên.
Cử tri tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có 38 ý kiến, kiến nghị thuộc thẩm quyền của Trung ương được Đoàn ĐBQH tỉnh tổng hợp trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Tất cả ý kiến cử tri của tỉnh đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm chỉ đạo và Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cùng Đoàn ĐBQH tỉnh chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền của Trung ương giải quyết kịp thời và đôn đốc, giám sát chặt chẽ kết quả giải quyết. Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương đã đặc biệt quan tâm và chủ động nghiên cứu có giải pháp xử lý, giải quyết cụ thể và trả lời cho Đoàn ĐBQH tỉnh trong thời hạn quy định để báo cáo với cử tri và nhân dân.
Nội dung trả lời khá triệt để, cụ thể, rõ ràng, đi vào trọng tâm vấn đề cử tri quan tâm và có biện pháp giải quyết tháo gỡ khó khăn vướng mắc mà cử tri phản ánh; thể hiện trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương với tinh thần phục vụ vì cử tri và nhân dân.
|
PHÚC LƯU - CHÂU VŨ