Quốc hội thảo luận về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri
Chiều 26/5, tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận về Kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Thành viên Chính phủ và các cơ quan, cá nhân có liên quan giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung phiên họp.
Trước đó, sáng ngày 22 tháng 5, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày Báo cáo tóm tắt về kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 4.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung phiên họp |
99,8% kiến nghị đã được giải quyết, trả lời cử tri
Trình bày Báo cáo Kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội khóa XV, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình cho biết: Kết quả giám sát về kiến nghị và kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH), đã có 2.593 kiến nghị được tổng hợp chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Kiến nghị của cử tri (KNCT) liên quan đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội; có 2.589 kiến nghị đã được giải quyết, trả lời cử tri, đạt 99,8%. Kết quả như sau:
* Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đã trả lời 91/91 kiến nghị. Theo Trưởng ban Dân nguyện, Cử tri hoan nghênh, đồng tình với sự đổi mới mạnh mẽ, toàn diện, hoạt động của Quốc hội ngày càng dân chủ, công khai, minh bạch, gắn bó mật thiết với Nhân dân. Tiếp thu KNCT, Quốc hội không ngừng đổi mới phương thức hoạt động, đưa hoạt động lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, đặt lợi ích của cử tri và Nhân dân lên hàng đầu. Để nâng cao chất lượng các dự án luật, trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua, nhằm bảo đảm luật ban hành phù hợp với thực tiễn, đáp ứng nguyện vọng của Nhân dân, UBTVQH đã tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, họp chuyên đề về pháp luật.
Dưới sự chỉ đạo UBTVQH, hoạt động giám sát của Quốc hội tiếp tục có nhiều đổi mới, chú trọng công tác hoàn thiện thể chế, ban hành các nghị quyết, đề án, kết luận, hướng dẫn về hoạt động giám sát, đổi mới, cải tiến cách thức tổ chức thực hiện trong một số hoạt động giám sát của Quốc hội, UBTVQH. Những vấn đề được cử tri và Nhân dân quan tâm trong thời gian qua đã được UBTVQH tổ chức chất vấn trực tiếp và trực tuyến tới các Đoàn ĐBQH, gồm: nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các loại vụ án, nhất là vụ án hành chính, vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng; việc giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong giải quyết các vụ án hình sự, nhất là các vụ án về kinh tế, tham nhũng; không để bỏ lọt tội phạm, làm oan người vô tội…
Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tại phiên họp chiều 26/5 |
* Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, đã giải quyết và trả lời 2.466/2.469 kiến nghị, đạt 99,9%. Trưởng ban Dân nguyện cho biết: Nhìn chung, Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương đã chú trọng nghiên cứu, giải quyết KNCT, thể hiện tính cầu thị, tiếp thu KNCT khi thực hiện công tác quản lý, điều hành. Nội dung giải quyết, trả lời KNCT rõ ràng, cụ thể, được cử tri và Nhân dân đồng tình; đối với những KNCT chưa thể giải quyết được, các Bộ, ngành đều ghi nhận, tiếp thu trong quá trình sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật trong thời gian tới.
Một số kiến nghị cụ thể của cử tri đã được Bộ, ngành Trung ương nghiên cứu, đưa ra các giải pháp thiết thực để giải quyết hoặc giải đáp đầy đủ về những vấn đề cử tri quan tâm như trả lời của các bộ: Giao thông, vận tải; Nội vụ; Công an; Y tế; Lao động, Thương binh và Xã hội; Xây dựng; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Tài chính; Tư pháp; Quốc phòng; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Tài nguyên và Môi trường; Giáo dục và Đào tạo. Việc tiếp thu, nghiên cứu và giải quyết các KNCT đã góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ổn định tình hình trật tự, an toàn xã hội, cải thiện đời sống của Nhân dân, tạo niềm tin cho cử tri và Nhân dân cả nước.
* Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao: Đã giải quyết, trả lời 20/20 kiến nghị. Trong đó, TANDTC, VKSNDTC đã trả lời việc hướng dẫn thi hành và nghiên cứu, tham mưu trình Quốc hội sửa đổi một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật tố tụng Dân sự năm 2015.
BÀ RỊA - VŨNG TÀU CÓ 38 Ý KIẾN, KIẾN NGHỊ ĐƯỢC TRUNG ƯƠNG QUAN TÂM VÀ CÓ BIỆN PHÁP GIẢI QUYẾT Cử tri Bà Rịa - Vũng Tàu đã có 38 ý kiến, kiến nghị thuộc thẩm quyền của Trung ương được Đoàn ĐBQH tỉnh tổng hợp trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Tất cả ý kiến, cử tri của tỉnh đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm chỉ đạo và Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cùng Đoàn ĐBQH tỉnh chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền của Trung ương giải quyết kịp thời và đôn đốc, giám sát chặt chẽ kết quả giải quyết. Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương đã đặc biệt quan tâm và chủ động nghiên cứu có giải pháp xử lý, giải quyết cụ thể và trả lời cho Đoàn ĐBQH tỉnh trong thời hạn quy định để báo cáo với cử tri và Nhân dân. Nội dung trả lời khá triệt để, cụ thể, rõ ràng, đi vào trọng tâm vấn đề cử tri quan tâm và có biện pháp giải quyết tháo gỡ khó khăn vướng mắc mà cử tri phản ánh; thể hiện trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương với tinh thần phục vụ vì cử tri và Nhân dân./. |
Một số kiến nghị cử tri chưa được giải quyết triệt để
Về một số hạn chế, Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá:
*Đối với việc tập hợp, tổng hợp KNCT: Việc tập hợp, tổng hợp kiến nghị cử tri gửi tới Quốc hội chưa đảm bảo đúng thời hạn theo quy định của pháp luật; có kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương nhưng vẫn được tập hợp đề nghị các cơ quan ở Trung ương giải quyết; có kiến nghị ban hành hướng dẫn về một số nội dung mặc dù các nội dung đó đã được pháp luật quy định.
* Đối với Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương, Trưởng ban Dân nguyện cho biết: Mặc dù quyền lợi của người dân bị ảnh hưởng do cơ quan nhà nước thực hiện chưa đúng quy định của pháp luật nhưng đến nay KNCT vẫn chưa được giải quyết triệt để. Một số KNCT đã được các Bộ, ngành tiếp thu, mặc dù đã triển khai nhiều biện pháp giải quyết nhưng chuyển biến còn chậm nên cử tri vẫn bức xúc, tiếp tục có kiến nghị. Một số KNCT chưa được kịp thời giải quyết do công tác phối hợp giữa các Bộ, ngành hoặc giữa Bộ, ngành với địa phương có lúc còn chưa chặt chẽ. Một số quy định của Luật mặc dù đã được Quốc hội thông qua từ nhiệm kỳ trước nhưng vẫn chưa được triển khai do một số Bộ chậm trình ban hành văn bản hướng dẫn; cá biệt có trường hợp đã tham mưu ban hành văn bản hướng dẫn nhưng lại để xảy ra sai sót nên quy định không được tổ chức thực hiện.
Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quán triệt một số nội dung kiến nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội:
* Đối với các cơ quan của Quốc hội, Đoàn ĐBQH: Các cơ quan của Quốc hội tiếp tục tăng cường hơn nữa hoạt động giám sát việc ban hành văn bản QPPL, nhất là việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, chất lượng của hệ thống pháp luật, kịp thời phát hiện các sai sót để kiến nghị hoàn thiện. Các Đoàn ĐBQH, ĐBQH nâng cao chất lượng tổng hợp, phân loại, xử lý KNCT; đảm bảo tiến độ, thời gian gửi báo cáo tổng hợp KNCT theo quy định.
* Đối với Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương: Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành giải quyết những tồn tại hạn chế như đã nêu trong báo cáo; rà soát giải quyết dứt điểm các kiến nghị đang trong quá trình giải quyết, đảm bảo đúng lộ trình để báo cáo với cử tri.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị các vị đại biểu Quốc hội phát biểu thảo luận tập trung vào những vấn đề được nhiều cử tri cả nước quan tâm, kiến nghị đến một số lĩnh vực như nông nghiệp, nông thôn, tài nguyên môi trường, y tế, giáo dục, lao động thương binh và xã hội, giao thông vận tải, văn hóa, thể thao, du lịch, lĩnh vực công an, quân đội, nội vụ. Đại biểu cho ý kiến về những nội dung cử tri kiến nghị nhưng Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương chậm hoặc chưa được trả lời giải quyết. Một số bộ, ngành chất lượng trả lời hạn chế; Những nội dung khác có liên quan qua tiếp xúc cử tri, qua làm việc với địa phương, các bộ, ngành liên quan, Quốc hội, đại biểu Quốc hội thu nhận được, đề nghị đại biểu phát biểu./.
CHÂU VŨ - MINH THIÊN (Từ Hà Nội)