.

Quốc hội thảo luận về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi)

Cập nhật: 09:16, 30/05/2023 (GMT+7)

Sáng 30/5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Đồng thời, thảo luận về chủ trương đầu tư dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 (tỉnh Khánh Hòa) - kết nối với Lâm Đồng và Ninh Thuận; việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án hồ chứa nước Ka Pét (huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.

Quang cảnh phiên họp.
Quang cảnh phiên họp.

 Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan rà soát, hoàn thiện văn phong pháp lý, sắp xếp, bố cục lại dự thảo Luật cho hợp lý và logic hơn. Dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 7 Chương, 54 Điều.

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).
Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).

Về phạm vi điều chỉnh (Điều 1): Dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng chỉ quy định việc thực hiện giao dịch bằng phương tiện điện tử, không quy định về nội dung, hình thức, điều kiện của giao dịch thuộc các lĩnh vực khác nhau, trong đó có lĩnh vực quốc phòng, an ninh. Giao dịch trong lĩnh vực nào sẽ được điều chỉnh bởi pháp luật chuyên ngành của lĩnh vực đó.

Về trách nhiệm quản lý nhà nước về giao dịch điện tử (Điều 7): Đối với ý kiến làm rõ vai trò quản lý nhà nước của cơ quan thuộc Chính phủ tại khoản 4 Điều 7 dự thảo Luật do Chính phủ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cho phép bỏ khoản 4 Điều 7 (dự thảo Luật do Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4). Đối với ý kiến đề nghị bổ sung quy định trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra tổ chức nghiên cứu kỹ lưỡng, tổ chức nhiều buổi làm việc, trao đổi giữa các cơ quan có liên quan để tiếp thu, chỉnh lý quy định và bổ sung nội dung “Bộ trưởng Bộ Quốc phòng” vào khoản 2, khoản 3 Điều 7 và bổ sung khoản 4 Điều 7 quy định như sau: “4. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng xây dựng và phát triển hệ thống chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ theo quy định của pháp luật”.

Về giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu (Mục 1 Chương II): Dự thảo Luật đã chỉnh lý Điều 11 trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu quy định tại Luật Mẫu về thương mại điện tử năm 1996 của Liên hợp quốc. Tại Điều 12 dự thảo Luật cũng đã chỉnh lý theo hướng trường hợp pháp luật yêu cầu thông tin phải được thể hiện bằng văn bản, thì thông điệp dữ liệu được xem là đáp ứng yêu cầu nếu thông tin trong thông điệp dữ liệu đó có thể truy cập và sử dụng được để tham chiếu; trường hợp pháp luật yêu cầu văn bản phải được công chứng, chứng thực, thì thông điệp dữ liệu được xem là đáp ứng yêu cầu nếu được công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật về công chứng, chứng thực. Trên cơ sở rà soát hệ thống pháp luật, Điều 14 của dự thảo Luật cũng điều chỉnh hướng giá trị dùng làm chứng cứ của thông điệp dữ liệu được xác định căn cứ vào độ tin cậy của cách thức khởi tạo, gửi, nhận hoặc lưu trữ thông điệp dữ liệu; cách thức bảo đảm và duy trì tính nguyên vẹn của thông điệp dữ liệu; cách thức xác định người khởi tạo, gửi, nhận thông điệp dữ liệu và các yếu tố phù hợp khác;...

Về chữ ký điện tử (Điều 25): Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và môi trường cho biết, sau khi tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã chỉnh lý nội dung giải thích từ ngữ về “Chữ ký số”, “Chữ ký điện tử” tại Điều 3. Ngoài ra, Điều 25 dự thảo Luật đã phân loại chữ ký điện tử theo phạm vi sử dụng bao gồm: (1) chữ ký điện tử chuyên dùng; (2) chữ ký số công cộng và (3) chữ ký số chuyên dùng công vụ, đồng thời bổ sung khoản 4 Điều 25 quy định về các hình thức xác nhận khác bằng phương tiện điện tử mà không phải là chữ ký điện tử thì thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành, để phù hợp với thực tiễn triển khai.

Về giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước (Chương V): Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát, chỉnh lý các điều từ Điều 43 đến Điều 47 dự thảo Luật quy định cụ thể về các loại hình giao dịch điện tử, các hoạt động, trách nhiệm của cơ quan nhà nước và các quy định hỗ trợ nhằm thúc đẩy giao dịch điện tử; đồng thời chỉnh lý khoản 1 và khoản 2 Điều 47 dự thảo Luật theo hướng các hoạt động của cơ quan nhà nước ưu tiên thực hiện khép kín toàn bộ quá trình dịch vụ từ đầu đến cuối (toàn trình) trên môi trường điện tử; bảo đảm toàn bộ kết quả giải quyết thủ tục hành chính hoặc văn bản giấy không thuộc phạm vi bí mật nhà nước đều có bản điện tử có giá trị pháp lý như bản giấy; sẵn sàng có thể truy cập và sử dụng được dưới dạng hoàn chỉnh khi cần thiết để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp sử dụng, thúc đẩy giao dịch điện tử.

Về hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử (Chương VI): Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và môi trường báo cáo các ý kiến đại biểu Quốc hội góp ý là xác đáng. Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, để đảm bảo tính khả thi, Điều 51 được đổi tên và chỉnh lý. Theo đó, chủ quản hệ thống thông tin có trách nhiệm giám sát hệ thống của mình; cơ quan nhà nước quản lý công tác báo cáo, tổng hợp, chia sẻ dữ liệu phục vụ quản lý nhà nước về giao dịch điện tử bằng phương tiện điện tử. Ngoài ra, dự thảo Luật còn chỉnh lý quy định về trách nhiệm có liên quan của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.

Điều hành phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thảo luận về dự thảo luật, với 77 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu tại tổ, 15 lượt ý kiến phát biểu tại hội trường. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận các nội dung đã nêu trong báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luận và các vấn đề khác mà đại biểu Quốc hội quan tâm, tập trung vào các nội dung còn có nhiều ý kiến tham gia như: Phạm vi điều chỉnh, các khái niệm, giải thích từ ngữ, thuật ngữ, trách nhiệm quản lý nhà nước về giao dịch điện tử, trách nhiệm nghiệm của Bộ Thông tin Truyền thông, Bộ Quốc phòng, các bộ, ngành khác, chữ ký số chuyên dùng, dịch vụ tin cậy tại doanh điện tử, cơ quan cấp phép cho tổ chức cung cấp dịch vụ tin cậy.

Đại biểu Đỗ Văn Yên (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) phát biểu tại phiên họp.
Đại biểu Đỗ Văn Yên (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) phát biểu tại phiên họp.

Tham gia phiên thảo luận, đại biểu Đỗ Văn Yên (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cơ bản thống nhất với bố cục dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) và báo cáo tiếp thu giải trình của Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra. Song để dự thảo Luật tiếp tục hoàn chỉnh hơn, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, bổ sung, sửa đổi một số nội dung:

Về các hành vi bị nghiêm cấm trong giao dịch điện tử, đại biểu Đỗ Văn Yên nhận định, giao dịch điện tử có phạm vi tác động rộng, trong đó có các quy định yêu cầu bảo đảm tính bảo mật, an ninh, an toàn thông tin thông điệp dữ liệu, trong giao dịch điện tử trong cung cấp, quản lý chứng thư điện tử và chữ ký điện tử. Dự thảo luật đã quy định những hành vi bị nghiêm cấm khi thực hiện luật giao dịch điện tử là phù hợp. Tuy nhiên, những hành vi "tiết lộ dữ liệu tạo chữ ký số", "giả mạo chữ ký số" cần được nghiêm cấm trong giao dịch điện tử. Do vậy, đại biểu đề nghị Ban sạo thảo cân nhắc, bổ sung những hành vi trên vào khoản 6, Điều 9 để nâng cao hiệu lực của pháp luật và căn cứ xử lý các hành vi vi phạm pháp luật.

Về thời thời điểm gửi nhận thông điệp dự liệu trong giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử, dự thảo luật quy định, thời điểm gửi và nhận thông điệp dữ liệu của các chủ thể: Ở bất kỳ địa điểm nào thông điệp dữ liệu được gửi và nhận, thì địa điểm đó được coi là trụ sở trụ sở của người gửi, người nhận, nếu người gửi, người nhận là cơ quan, tổ chức; và được coi là nơi cư trú nếu người gửi, người nhận là cá nhân, là phù hợp với tính chất giao dịch điện tử trên môi trường điện tử. Tuy nhiên, đại biểu nhận thấy quy định này lại chưa thống nhất với Luật Cư trú và Luật Doanh nghiệp, quy định về nơi cư trú và trụ cở của cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp; đồng thời việc xác định địa điểm gửi, nhận thông điệp dữ liệu giao kết hợp đồng điện tử có ý nghĩa quan trọng trong quá trình thực hiện hợp đồng và giải quyết phát sinh tranh chấp khi thực hiện hợp đồng điện tử trên thực tế. Do vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định về vấn đề này chặt chẽ hơn và phù hợp với các luật liên quan.

Về trách nhiệm cung cấp và quản lý chữ ký số chuyên dùng công vụ, đại biểu Đỗ Văn Yên xác định đây là vấn đề quan trọng liên quan đến an ninh, an toàn quốc gia, là bí mật nhà nước. Vấn đề này đã được nhiều đại biểu Quốc hội ý kiến tại kỳ họp thứ 4. Ban soạn thảo đã tiếp thú ý kiến các đại biểu và bổ sung vào dự thảo luật tại khoản 2, khoản 3 Điều 7 và bổ sung khoản 4 Điều 7 quy định: Bộ trưởng Bộ Quốc phòng xây dựng và phát triển hệ thống chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ theo quy định của pháp luật”. Tuy nhiên, dự thảo luật chưa quy định cụ thể trách nhiệm về quản lý và cung cấp chữ ký số chuyên dùng công vụ. 

Để bảo đảm thống nhất, đồng bộ với khoản 2, Điều 6 Luật Cơ yếu về trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Trưởng Bộ Quốc phòng trong lĩnh vực cơ yếu; cụ thể hóa Nghị quyết số 56 năm 2020 của Bộ Chính trị về chiến lược phát triển ngành cơ yếu Việt Nam đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045 cũng như thống nhất, phù hợp với quy định tại Điều 27 của dự thảo luật về dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ; đại biểu Đỗ Văn Yên đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, sửa đổi quy định này với nội dung: Bộ trưởng Bộ Quốc phòng xây dựng, phát triển và bảo đảm cung cấp, quản lý hệ thống dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dụng công vụ theo quy định của pháp luật.

CHÂU VŨ
(Tổng hợp)

.
.
.