* Đại biểu Dương Tấn Quân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: Cần có quy định kiểm soát giá trần với nhà thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn
Sáng 24/5, tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội Thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.
Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) |
Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) nêu rõ: Dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 10 chương và 99 điều (giữ nguyên số chương, tăng thêm 1 điều). Trong đó: bỏ 5 điều và thêm 6 điều, giữ nguyên 21 điều, sửa đổi nội dung 48 điều, chỉnh sửa câu chữ, kỹ thuật văn bản 20 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan bám sát mục tiêu, yêu cầu sửa đổi luật để hoàn thiện dự thảo Luật theo hướng: Rà soát, chỉnh lý phạm vi, đối tượng áp dụng luật, quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất giữa quy định của Luật Đấu thầu với các luật có liên quan; Rà soát quy trình, giảm thời gian đấu thầu, cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh áp dụng đấu thầu qua mạng; Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đấu thầu, đặc biệt là vướng mắc trong đấu thầu mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư y tế thời gian qua; Quy định rõ các hành vi bị cấm, các ưu đãi đối với doanh nghiệp trong nước, nâng cao tính cạnh tranh, công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế trong hoạt động đấu thầu; Luật hóa những nội dung đã được quy định ở văn bản dưới luật đã thực hiện ổn định; Quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, bên mời thầu, bên dự thầu.
Về các nội dung cụ thể của Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị không bãi bỏ các hình thức, phương thức lựa chọn nhà thầu đã được áp dụng ổn định trong thời gian qua để tránh các xáo trộn không cần thiết.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát, chỉnh lý Điều 23 quy định về lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt theo hướng giảm một số trường hợp chỉ định thầu; bổ sung quy định rõ, cụ thể hơn về nguyên tắc áp dụng và các trường hợp đặc biệt tại Điều 29 của dự thảo Luật.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo Cơ quan thẩm tra dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát, nghiên cứu hoàn thiện quy định của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) về các trường hợp, điều kiện tổ chức đấu thầu, đấu giá quyền sử dụng đất cũng như cơ chế bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư… để bảo đảm tính khả thi, thống nhất và đồng bộ trong hệ thống pháp luật.
Nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm và đề nghị quy định trong Luật này để giải quyết những vướng mắc và đặc thù trong lĩnh vực y tế, phù hợp với yêu cầu thực tiễn; đồng thời, nhiều ý kiến tham gia chi tiết, cụ thể tại các điều khoản của Dự thảo luật.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu Quốc hội, theo đó, dự thảo luật đã được tiếp thu, chỉnh lý tại nhiều điều, khoản để quy định rõ ràng, cụ thể trong luật nhằm giải quyết các khó khăn, vướng mắc đang được dư luận quan tâm về vấn đề mua thuốc, vật tư, thiết bị y tế.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Lê Quang Mạnh, qua quá trình nghiên cứu, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo luật, hầu hết các ý kiến khác nhau đã được trao đổi thống nhất, có một nội dung còn ý kiến khác nhau liên quan đến phạm vi áp dụng Luật Đấu thầu đối với doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và dự án sử dụng vốn nhà nước.
Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trân trọng đề nghị Quốc hội tập trung thảo luận về các nội dung: Việc đáp ứng mục tiêu, yêu cầu sửa đổi luật; phạm vi áp dụng luật đấu thầu (nội dung còn ý kiến khác nhau: phạm vi áp dụng Luật Đấu thầu đối với doanh nghiệp nhà nước); các hình thức, phương thức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; Quy trình thủ tục lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; Trách nhiệm của các bên và giải quyết kiến nghị, khiếu nại trong đấu thầu; Các nội dung khác đại biểu Quốc hội quan tâm.
Phát biểu gợi ý một số nội dung trọng tâm thảo luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết: Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã thảo luận tại tổ và hội trường về dự án Luật đấu thầu (sửa đổi). Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng đã tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách để thảo luận về dự án Luật này.Dự thảo Luật cũng đã được gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận các nội dung đã nêu trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, các nội dung còn có nhiều ý kiến tham gia như: phạm vi áp dụng, đối tượng điều chỉnh, quy định về áp dụng pháp luật, các trường hợp chỉ định thầu.
Cần có quy định kiểm soát giá trần với nhà thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn
Đại biểu Dương Tấn Quân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát biểu ý kiến tại hội trường |
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Dương Tấn Quân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đánh giá cao cơ quan soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), dự án Luật đủ điều kiện để thông qua và sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác đấu thầu trong thời gian qua.
Tại khoản 1 Điều 61 về điều kiện xem xét được trúng thầu đối với nhà thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp, đại biểu Dương Tấn Quân đề nghị cần làm rõ giá đề nghị trúng thầu bao gồm tất cả khoản chi phí về thuế của gói thầu, không xét đến giá hàng hóa của gói thầu. Vì thực tế có những gói thầu giá đề nghị trúng thầu không vượt qúa giá dự toán phê duyệt, nhưng có một số hàng hóa có giá cao hơn giá đã được phê duyệt. Tuy nhiên, hiện các cơ quan thanh tra, kiểm tra ngoài việc xác định giá trúng thầu đúng quy định, còn bóc tách giá của từng loại hàng hóa cấu thành trong gói thầu để so sánh với giá nhập khẩu, để xác định mức độ tăng giảm của từng hàng hóa, mức độ gây thiệt hại cho NSNN.
Ngoài ra, hiện chưa có quy định kiểm soát giá trần với nhà thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp. Đại biểu Dương Tấn Quân cho rằng, đây là một trong những bất cập thời gian qua, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ nội dung để có sự thống nhất, đồng thời cần giải thích từ ngữ “giá đề nghị trúng thầu” là như thế nào.
Về giá chào hàng cạnh tranh tại Điều 24, đại biểu Dương Tấn Quân đề nghị bổ sung gói thầu hỗn hợp với giá gói thầu không quá 5 tỉ đồng vào trường hợp mà được áp dụng hình thức chào hàng cạnh tranh.
Về mua sắm trực tiếp tại Điều 25 của dự thảo, đại biểu cho rằng, quy định này không đảm bảo tính cạnh tranh, minh bạch và hiệu quả kinh tế trong quá trình thực hiện của nhà thầu, do đó đề nghị có thể điều chỉnh thành: “trường hợp nhà thầu thực hiện hợp đồng trước đó không có khả năng tiếp tục thực hiện gói thầu mua sắm trực tiếp thì chủ đầu tư trình người có thẩm quyền xem xét, quyết định điều chỉnh hình thức lựa chọn nhà thầu tại kế hoạch lựa chọn nhà thầu đã duyệt theo quy định”.
Bên cạnh đó, đại biểu Dương Tấn Quân cũng đề nghị quy định rõ việc áp dụng hình thức hoạt động trọn gói cần áp dụng cụ thể cho gói thầu mới, giá bao nhiêu và thời gian thực hiện hợp đồng là bao lâu để tránh sai sót trong quá trình thực hiện.
CHÂU VŨ - MINH THIÊN (Từ Hà Nội)