Nhiều vướng mắc về thể chế đang cản trở TP. Hồ Chí Minh phát triển

Thứ Ba, 30/05/2023, 16:34 [GMT+7]
In bài này
.

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 5, chiều 30/5, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về: Dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi) và Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh.

Tổ thảo luận số 7, gồm các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh các tỉnh: Thái Nguyên, Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An.

Quang cảnh phiên thảo luận tổ. Ảnh: CHÂU VŨ
Quang cảnh phiên thảo luận tổ. Ảnh: CHÂU VŨ

Theo Bao cao Thẩm tra về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh, Ủy ban Tài chính – Ngân sách (TCNS) của Quốc Hội cho biết:

Ủy ban TCNS tán thành về sự cần thiết ban hành Nghị quyết vì: về căn cứ chính trị: Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị khẳng định rõ: “Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo ban hành Nghị quyết của Quốc hội (thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14) để cho phép thí điểm cơ chế, chính sách vượt trội phát triển TP. Hồ Chí Minh”.

Về cơ sở pháp lý: Nghị quyết số 76/2022/QH15 của Quốc hội quy định: “Giao Chính phủ nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh, trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 trong thời gian sớm nhất”. 

Về căn cứ thực tiễn, qua tổng kết Nghị quyết số 54/2014/QH14 cho thấy, phạm vi, quy mô, tính chất của các chính sách hiện hành còn chừng mực, chưa tạo sức nặng đột phá; nhiều vướng mắc về thể chế đang cản trở phát triển. Trong khi đó, thành phố là trung tâm kinh tế, thương mại, tài chính lớn nhất cả nước, có vai trò quan trọng trong điều tiết về ngân sách trung ương, hiện đang đóng góp khoảng 27%. Việc có chính sách vượt trội là cần thiết không chỉ đối với Thành phố mà cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả đất nước.

Phát biểu thảo luận tổ, đại biểu Huỳnh Thị Phúc, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, bày tỏ nhất trí với sự cần thiết và nội dung cơ bản của dự thảo nghị quyết về thí điểm một số cơ chế đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: CHÂU VŨ
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: CHÂU VŨ

Song đại biểu Phúc đề nghị cần cân nhắc hai nội dung, thứ nhất, là việc áp dụng hợp đồng BOT đối với dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu, phải tránh xảy ra xung đột lợi ích giữa chủ đầu tư dự án với người dân sử dụng tuyến BOT phải trả phí nhằm tránh phát sinh điểm nóng.

Thứ hai, đại biểu Phúc đề nghị cần cân nhắc việc sử dụng mái nhà các trụ sở là tài sản công, để đặt hệ thống điện mặt trời vì vấn đề này liên quan đến bảo vệ môi trường hiện nay quy định của pháp luật về xử lý chất thải là tấm pin mặt trời sau sử dụng vẫn chưa có quy định cụ thể, còn vướng mắc; nếu giải quyết không hài hòa sẽ ảnh hưởng đến môi trường thành phố, gây hiệu ứng nhà kính và ảnh hưởng chất lượng cuộc sống người dân

Đối với nội dung dự thảo nghị quyết về việc lấy tín nhiệm bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi)các đại biểu trong Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu thống nhất cao với nội dung dự thảo nghị quyết..

CHÂU VŨ – NGỌC NGUYỄN
(Từ Hà Nội)

 

;
.