.

Công khai, chặt chẽ và minh bạch trong đấu thầu

Cập nhật: 19:06, 24/05/2023 (GMT+7)

Ngày 24/5, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) và dự thảo Luật Phòng thủ dân sự; nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022…

Đại biểu Dương Tấn Quân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phát biểu thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi). Ảnh: CHÂU VŨ
Đại biểu Dương Tấn Quân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phát biểu thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi). Ảnh: CHÂU VŨ

Cần kiểm soát giá trần với nhà thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn

Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 10 chương, 99 điều (giữ nguyên số chương, tăng thêm 1 điều) so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4.

Phát biểu thảo luận, hầu hết các đại biểu đánh giá dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) lần này đã tiếp thu tương đối đầy đủ ý kiến của các ĐBQH qua các phiên họp, đến nay các quy định của dự thảo Luật tương đối chặt chẽ, hợp lý.

Tại khoản 1, điều 61 về điều kiện xem xét được trúng thầu đối với nhà thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp, đại biểu Dương Tấn Quân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đề nghị cần làm rõ giá đề nghị trúng thầu bao gồm tất cả khoản chi phí về thuế của gói thầu, không xét đến giá hàng hóa của gói thầu. Thực tế có những gói thầu giá đề nghị trúng thầu không vượt quá giá dự toán phê duyệt, nhưng có một số hàng hóa có giá cao hơn giá đã được phê duyệt.

Tuy nhiên, hiện các cơ quan thanh tra, kiểm tra ngoài việc xác định giá trúng thầu đúng quy định, còn bóc tách giá của từng loại hàng hóa cấu thành trong gói thầu để so sánh với giá nhập khẩu, để xác định mức độ tăng giảm của từng hàng hóa, mức độ gây thiệt hại cho NSNN.

Ngoài ra, hiện chưa có quy định kiểm soát giá trần với nhà thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp. Đại biểu Dương Tấn Quân cho rằng, đây là một trong những bất cập thời gian qua, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ nội dung để có sự thống nhất, đồng thời cần giải thích từ ngữ “giá đề nghị trúng thầu” là như thế nào.

Về mua sắm trực tiếp tại điều 25 của dự thảo Luật, đại biểu cho rằng, quy định này không bảo đảm tính cạnh tranh, minh bạch và hiệu quả kinh tế trong quá trình thực hiện của nhà thầu, do đó đề nghị có thể điều chỉnh thành: “Trường hợp nhà thầu thực hiện hợp đồng trước đó không có khả năng tiếp tục thực hiện gói thầu mua sắm trực tiếp thì chủ đầu tư trình người có thẩm quyền xem xét, quyết định điều chỉnh hình thức lựa chọn nhà thầu tại kế hoạch lựa chọn nhà thầu đã duyệt theo quy định”.

Đề xuất giảm 2% thuế GTGT trong 6 tháng cuối năm 2023
Chiều 24/5, trình bày tờ trình về việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế GTGT 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, năm 2023 Chính phủ đề xuất tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế GTGT 2% theo quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian từ ngày 1/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023.
Cụ thể, giảm 2% thuế suất thuế GTGT, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: Viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hóa chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Nếu áp dụng trong 6 tháng cuối năm thì dự kiến số giảm thu ngân sách nhà nước tương đương khoảng 24 ngàn tỷ đồng (đối với thu ngân sách nhà nước năm 2023 thì dự kiến giảm 20 ngàn tỷ đồng do số thu thuế GTGT phải nộp của tháng 12-2023 được nộp trong tháng 1/2024).

Nhiều thủ đoạn tinh vi nhằm gian lận đấu thầu

Một số ý kiến đề nghị cần làm rõ hơn các hành vi bị cấm như "thông thầu, dàn xếp, thỏa thuận", "cố ý không cung cấp tài liệu để chứng minh năng lực, kinh nghiệm khi được bên mời thầu yêu cầu làm rõ hồ sơ dự thầu hoặc khi được yêu cầu đối chiếu tài liệu nhằm tạo điều kiện để một bên trúng thầu".

Đại biểu Lê Thị Song An, Đoàn ĐBQH tỉnh Long An đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ hơn các hành vi như: thông thầu, dàn xếp, thỏa thuận... vì hiện nay các hành vi gian lận trong đấu thầu diễn biến rất phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi, khó nhận biết, không xử lý được do chưa có quy định cụ thể. Do đó, việc quy định, hướng dẫn cụ thể các hành vi bị cấm trong hoạt động đấu thầu sẽ giúp cho công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu thầu và việc thi hành pháp luật đấu thầu được công khai, chặt chẽ và minh bạch hơn.

Đại dịch COVID-19 cho thấy năng lực đáp ứng và tiếp cận các vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm, vắc xin, trang thiết bị còn nhiều hạn chế, trở ngại do năng lực sản xuất trong nước chưa đáp ứng; các quy định về quản lý, đấu thầu trang thiết bị y tế còn nhiều bất cập. Để tháo gỡ những hạn chế, bất cập này, một số đại biểu đề nghị nghiên cứu, bổ sung vào dự thảo Luật nội dung thực hiện quy trình chỉ định thầu rút gọn theo quy định, khi có tình huống khẩn cấp.

Có chính sách ưu tiên khi chuyển đổi đất để xây dựng công trình phòng thủ

Thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Phòng thủ dân sự vào chiều 24/5, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cơ bản thống nhất với bố cục dự thảo Luật và Báo cáo tiếp thu, giải trình của Ban soạn thảo, cơ quan thẩm tra.

Về công trình phòng thủ dân sự, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng cho biết, thực trạng tại địa phương hiện nay đang rất khó khăn trong việc làm thủ tục đất để xây dựng công trình phòng thủ, nhất là thủ tục chuyển đổi mục đích đất rừng sang đất quốc phòng, đặc biệt là các công trình phòng thủ đảo, ven biển. Mặt khác, thực tiễn cũng phát sinh tình trạng thủ tục bàn giao các điểm đất quốc phòng khi trả về cho địa phương phát triển kinh tế-xã hội có nơi hơn 10 năm vẫn chưa thực hiện xong, từ đó gây lãng phí.

Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, bổ sung nội dung: “Nhà nước có cơ chế, chính sách ưu tiên khi tiến hành thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất để xây dựng công trình phòng thủ. Một số vị trí, địa điểm Chính phủ cần cho phép xây dựng công trình phòng thủ khi hoàn thành được lắp lại giao cho địa phương phát triển kinh tế-xã hội” để không chuyển mục đích sử dụng đất sang đất quốc phòng.

PHÚC LƯU-CHÂU VŨ

 
.
.
.