Chiều 29/5, thảo luận tại phiên họp về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng, đại biểu Huỳnh Thị Phúc, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đề nghị Quốc hội nên cân nhắc “cần lắm” những giải pháp chia sẻ các khó khăn của ngành Y tế để họ có thêm động lực, tiếp tục phục vụ Nhân dân.
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV, chiều ngày 29/5/2023, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung Phiên họp.
Quang cảnh phiên họp. |
Phát biểu điều hành nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết hồ sơ kết quả giám sát, báo cáo của Chính phủ và các cơ quan liên quan đã được gửi tới các đại biểu Quốc hội. Đây là chuyên đề giám sát nhận được sự quan tâm rộng rãi của đông đảo nhân dân và cử tri.
Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, với sự quan tâm chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã trực tiếp làm việc với 10 tỉnh, thành phố; chia thành các nhóm công tác làm việc với các cơ sở ở cấp xã, cấp huyện, các đơn vị y tế cơ sở; nhiều lần tổ chức các cuộc họp, làm việc với lãnh đạo Chính phủ, 14 Bộ, ngành, các cơ quan trung ương và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các đoàn thể trung ương.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các ĐBQH tập trung thảo luận, cho ý kiến vào các nội dung chủ yếu như: kết quả giám sát tổng hợp về các nội dung đã trình bày trong báo cáo; những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm đã đúng và đầy đủ chưa, đã phản ánh đúng tình hình chưa; các đề xuất, kiến nghị đã thống nhất với kết quả giám sát và tình hình thực tiễn chưa, giải quyết được những tồn tại, hạn chế không, có khả thi không.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các đại biểu đề xuất những biện pháp để vừa phát huy tốt nhất những kết quả, thành tựu đã đạt được trong thời gian qua, vừa kịp thời xử lý có hiệu quả những vướng mắc, bất cập, hạn chế còn tồn tại qua giám sát, để đảm bảo xử lý nhanh được các tồn tại trước mắt, đồng thời có tầm nhìn chiến lược dài hạn, khả thi. Cuối phiên thảo luận, Đoàn chủ tịch sẽ mời Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Bộ trưởng Bộ Y tế tiếp thu, giải trình vấn đề đại biểu nêu.
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đề nghị Quốc hội nên cân nhắc “cần lắm” những giải pháp chia sẻ các khó khăn của ngành Y tế để họ có thêm động lực, tiếp tục phục vụ Nhân dân. Ảnh: CHÂU VŨ |
Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Huỳnh Thị Phúc, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đánh giá, Báo cáo giám sát của Quốc hội về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách về y tế cơ sở, y tế dự phòng và các báo cáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Thanh tra chính phủ, Kiểm toán Nhà nước và kết quả giám sát của các Đoàn ĐBQH các tỉnh thành phố đã cung cấp thông tin khá đầy đủ về kết quả đã đạt được, thực trạng tồn đọng trong công tác quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; những hạn chế, vướng mắc từ việc thực hiện chính sách pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.
Đại biểu Phúc nhận định, như một cuộc Tổng tiến công với sự tham gia của toàn xã hội, đại dịch COVID- 19 đã được kềm chế. Quốc hội, Chính phủ đã rất quyết liệt và kịp thời ban hành những quyết sách quan trọng triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh cùng với phục hồi và phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Trong quá trình triển khai thực hiện, có những việc rất tốt được Nhân dân ủng hộ song cũng có những vướng mắc từng bước được khắc phục, đồng thời còn những nội dung đến nay vẫn chưa được giải quyết nên dự thảo Nghị quyết giám sát chuyên đề của Quốc hội về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách về y tế cơ sở, y tế dự phòng với các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, có quy định thời gian hoàn thành là phù hợp.
Tuy nhiên, đại biểu Huỳnh Thị Phúc đề nghị cần quan tâm xác định, phân loại rõ đâu là nguyên nhân hạn chế chủ quan, hạn chế do thể chế, quy định… để bổ sung giải pháp khắc phục phù hợp để giải quyết các tồn tại hiệu quả hơn. Bởi có những vấn đề cho đến nay chưa giải quyết xong do vướng quy định.
Theo đại biểu Huỳnh Thị Phúc, đại dịch đã đi qua, kinh tế - xã hội đã dần trở lại hoạt động bình thường nhưng tác động tâm lý, niềm tin, tổn thương về tinh thần… cần có thời gian dài để giải quyết, cho nên cùng với giải pháp xử lý dứt điểm các sai phạm của tổ chức, cá nhân vi phạm, tại khoản 12 Điều 2 của dự thảo Nghị quyết, Quốc hội nên cân nhắc “cần lắm” những giải pháp chia sẻ các khó khăn của ngành Y tế để họ có thêm động lực, tiếp tục phục vụ và Nhân dân tin rằng toàn thể công dân Việt Nam vẫn đang được thụ hưởng các chính sách chăm sóc, bảo vệ sức khỏe tốt nhất từ hệ thống Y tế.
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc cũng bày tỏ mong muốn các kênh truyền thông có thêm nhiều thông tin, hình ảnh, bài viết mang tính khách quan, tường minh thông tin, chia sẻ các hình ảnh tích cực của Chính phủ, đội ngũ bác sĩ, viên chức ngành Y trong công tác. Bởi các tổn thương và sự khó khăn không thể giải quyết bằng thông tin tiêu cực, và những người đã đọc “Lời thề Hypocrat” (Lời thề về đạo đức nghề Y) không chỉ nặng về tiền lương và thu nhập mà luôn đề cao tâm huyết một lòng môi trường làm việc, tinh thần cống hiến và sự tận tụy với nghề đã chọn.
Cùng với các giải pháp nâng cao năng lực, hiệu quả về y tế cơ sở, y tế dự phòng để đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ theo chức năng chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám bệnh, chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh và nâng cao sức khỏe nhân dân, đại biểu Phúc cho rằng không chỉ từ mạng lưới y tế cơ sở rộng khắp, mà phải có sự tham gia tích cực của đội ngũ nhân viên y tế, cô đỡ thôn bản, y tế trường học, trung tâm quân - dân y, cơ sở y tế thuộc lực lượng vũ trang.
Vì vậy, cùng với các các nhiệm vụ, giải pháp tại Điều 2 của dự thảo Nghị quyết, cần xem xét đề nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung các quy định còn bất cập với thực tiễn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực… của y tế cơ sở, y tế dự phòng để không lãng phí nhân lực, vật lực - Vì có những nơi thừa, có nơi không đáp ứng được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ như một số ý kiến cho rằng y tế cơ sở, y tế dự phòng tuy đã được Đảng, Nhà nước quan tâm nhưng còn dàn trãi, cào bằng và thực hiện chung quy định, chỉ tiêu mà không phân theo vùng miền, khu vực, nên mới xảy ra việc bệnh nhân ở các địa phương khu vực kinh tế -xã hội phát triển có điều kiện đi lại thuận lợi đều tự vượt tuyến để khám ,chữa bệnh mà không đến các trạm y tế tuyến cơ sở hoặc tình trạng như nhiều đại biểu đã phát biểu về thực trạng y tế cơ sở.
Từ đó, đại biểu Huỳnh Thị Phúc đề nghị cần xem xét chỉnh sửa quy định về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực phục vụ công tác khám chữa bệnh theo hướng phân theo đặc điểm vùng, điều kiện tiếp cận dịch vụ….để tập trung đầu tư trạm y tế đối với các xã, làng vùng cao, vùng sông nước… Nơi đi lại khó khăn, thì mỗi nơi cần có một trạm y tế; còn các khu vực, địa phương thuận lợi thì tập trung cho Trung tâm y tế. Bên cạnh đó đại biểu nhấn mạnh sự quan trọng cần mở rộng danh mục thuốc cho các trạm y tế để người dân tin vào chất lượng khám chữa bệnh tại tuyến cơ sở góp phần giảm tải cho tuyến trên…
CHÂU VŨ – NGỌC NGUYỄN
(Từ Hà Nội)