Gặp gỡ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc là nền nếp của Chính phủ với doanh nghiệp
Sáng 13/4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thủ tướng Chính phủ làm việc với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản; Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu lâm sản và thủy sản.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: DƯƠNG GIANG |
Nhiều đề xuất, kiến nghị
Tại hội nghị, đại diện các hiệp hội, các DN sản xuất, xuất khẩu lâm - thủy sản cho rằng, hiện nay các nước đang thực hiện chính sách đa dạng nguồn cung, nhu cầu thiêu thụ giảm, thị trường thu hẹp… Trong khi, công tác xúc tiến thương mại của Việt Nam còn hạn chế; năng lực cạnh tranh, thương hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường còn yếu; thiếu chủ động trong nguồn nguyên liệu; tín dụng gặp khó khăn…
Các hiệp hội, DN đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành hỗ trợ các DN trong việc xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu sản phẩm; giải quyết các tranh chấp thương mại; quy hoạch, quản lý và phát triển các vùng nguyên liệu, giúp DN chủ động sản xuất; quản lý, chứng nhận truy xuất nguồn gốc sản phẩm; nới hạn mức tín dụng và hỗ trợ lãi suất ngân hàng; hoãn, giảm, giãn nộp thuế, phí, lệ phí và thúc đẩy hoàn thuế giá trị gia tăng; hỗ trợ doanh nghiệp trong việc nộp bảo hiểm xã hội, phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ môi trường…
Lãnh đạo các bộ, ngành phát biểu phân tích rõ các khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến sản xuất, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm gỗ, lâm sản và thủy sản; nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cần phải triển khai cấp bách cũng như lâu dài; đồng thời giải đáp các kiến nghị của các hiệp hội, doanh nghiệp lâm-thủy sản…
Các doanh nghiệp, hiệp hội cần phát huy truyền thống, tinh thần tự lực, tự cường, sáng tạo và vượt khó có cách làm mới tự cứu mình thúc đẩy sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường, thực hiện hiệu quả các mục tiêu đã đề ra.
Thủ tướng Phạm Minh Chính
|
Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, việc gặp gỡ, đối thoại, chia sẻ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh là hoạt động đi vào nền nếp, là văn hóa ứng xử của Chính phủ với người dân, DN, trên nguyên tắc hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân, DN, "lợi ích hài hòa, rủi ro, khó khăn chia sẻ".
Phân tích tình hình thế giới, trong nước và lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, trong đó có tình hình sản xuất, chế biến và xuất khẩu sản phẩm gỗ và lâm sản, thủy sản, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, sản xuất, chế biến và xuất khẩu lâm sản, thủy sản tiếp tục đối diện với những cơ hội, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng thách thức nhiều hơn.
Do đó, nhiệm vụ thời gian tới là phải tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là về thị trường, thể chế, vốn tín dụng cho sản xuất, chế biến và xuất khẩu lâm sản, thủy sản để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, thu nhập cho hàng triệu lao động trong lĩnh vực lâm sản, thủy sản.
Thủ tướng yêu cầu phải phát triển sản xuất lâm sản và thủy sản hiệu quả, bền vững, tích hợp đa giá trị theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh, gắn với đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch và phát triển thị trường cả ở trong nước và ngoài nước; bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái; khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn; chuyển mạnh tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường; phát huy lợi thế vùng, miền, địa phương, tổ chức sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị, dựa trên nền tảng khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cùng các Hiệp hội, DN xử lý kịp thời các kiến nghị của doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu lâm sản, thủy sản, bảo đảm không để kiến nghị của doanh nghiệp không được xử lý; theo dõi sát tình hình để chủ động phân tích, dự báo, xây dựng các kịch bản, phương án điều hành, ứng phó phù hợp. Trong lúc thị trường xuất khẩu tạm thời bị co hẹp, các bộ, ngành hỗ trợ các DN khai thác tận dụng có hiệu quả thị trường tiêu dùng trong nước.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu tiếp tục thực hiện hiệu quả các Thỏa thuận, Hiệp định của Việt Nam với các nước để mở rộng thị trường; thực hiện đàm phán, tạo điều kiện mở rộng và phát triển thị trường xuất khẩu gỗ và lâm sản; quyết liệt gỡ thẻ vàng IUU của EC; xử lý nghiêm những hành vi làm tổn hại hình ảnh, thương hiệu gỗ và thủy sản Việt Nam; công bố, công khai, minh bạch các thông tin, kịp thời tuyên truyền, phổ biến, công bố công khai các chính sách, tình hình thị trường xuất khẩu lâm sản và thủy sản.
Thủ tướng chỉ đạo, khuyến khích DN, tư nhân đầu tư hạ tầng, trang thiết bị dịch vụ hậu cần nuôi trồng thủy sản, đầu tư mới, nâng cấp các kho lạnh lưu giữ, trung chuyển sản phẩm thủy sản; tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn các hộ trồng rừng, các hiệp hội, DN ngành chế biến gỗ và lâm sản về yêu cầu thị trường, các quy định về nguồn gốc gỗ hợp pháp và tiêu chuẩn về sản phẩm đồ gỗ và lâm sản của nước nhập khẩu.
PHẠM TIẾP