Đổi mới tư duy hoạt động báo chí để hấp dẫn công chúng
Hôm nay (13/4), tại TP. Nha Trang, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác hội, công tác thi đua - khen thưởng năm 2022; triển khai nhiệm vụ năm 2023. Nhân dịp này, phóng viên Báo Khánh Hòa đã phỏng vấn ông Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam về một số nội dung liên quan đến công tác hội và hoạt động báo chí.
Ông Lê Quốc Minh |
* Cuối năm 2021, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Đại hội lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Xin ông cho biết về những kết quả đã đạt được trong công tác hội trong hơn 1 năm qua, cũng như những định hướng nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới?
- Sau đại hội, Hội Nhà báo Việt Nam đã có những hoạt động mang tầm vóc, quy mô lớn, như: Giải báo chí quốc gia, Hội báo toàn quốc đều được tổ chức thành công, có nhiều đổi mới. Nhiều hội nghị để thúc đẩy thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc nâng cao, siết chặt vai trò công tác chỉ đạo hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam cũng được tổ chức. Các hoạt động nâng cao chất lượng báo chí, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng… đều được hội thực hiện một cách hiệu quả. Một điểm nhấn đáng chú ý trong việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ nhiệm kỳ này chính là hoạt động hướng về cơ sở. Lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức nhiều chuyến đi về các tỉnh, thành phố, với mong muốn bám sát các hội nhà báo địa phương, các liên chi hội; làm việc với lãnh đạo các địa phương để đẩy mạnh công tác hỗ trợ hoạt động của hội nhà báo; tổ chức hội nghị với hội nhà báo các địa phương… Qua đó, đã thu hút được rất nhiều sự quan tâm của đồng nghiệp, cũng như công chúng. Bên cạnh đó, các hoạt động văn nghệ, thể thao cũng được Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức nhằm thắt chặt thêm tình cảm, nhiệt huyết giữa những người làm báo trong toàn quốc. Hội Nhà báo Việt Nam còn phối hợp với một số tổ chức trong và ngoài nước thực hiện các khóa đào tạo kiến thức, kỹ năng làm báo rất hữu ích cho hội viên. Công tác bảo vệ quyền lợi của hội viên được đẩy mạnh; hội cũng kiên quyết xử lý các nhà báo vi phạm đạo đức nghề nghiệp và có những biện pháp răn đe. Đặc biệt, công tác đẩy mạnh ý thức đạo đức nghề nghiệp được thúc đẩy trong các sự kiện, hoạt động của hội nhà báo. Cụ thể, ngày 21-6-2022, Hội Nhà báo Việt Nam đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Báo Nhân Dân phát động phong trào xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí. Theo đó, đã đề ra những quy tắc, quy định rất rõ ràng đối với các cơ quan báo chí, các nhà báo.
Tuy nhiên, những vi phạm của các cơ quan báo chí, các nhà báo trong thời gian qua thực sự là một điều rất đáng tiếc đối với giới báo chí. Chúng ta vẫn có câu “con sâu làm rầu nồi canh”, nhưng độc giả, công chúng và giới làm báo đang ngày càng lo ngại khi thấy xuất hiện nhiều đối tượng, hành vi vi phạm như vậy. Một số lý do đã được chỉ ra, nhưng dù bất kỳ lý do nào thì đây cũng là những điều không thể chấp nhận được. Bởi lẽ, báo chí và nhà báo phải là những người nói lên sự thật, bảo vệ công chúng, mang lại những điều tốt đẹp cho xã hội. Nghề báo là nghề phụng sự nên không thể có bất kỳ một lý do nào đi ngược lại đạo đức nghề báo. Hy vọng trong thời gian tới, với những định hướng rõ ràng của Hội Nhà báo Việt Nam, sự vào cuộc của các hội nhà báo địa phương, các liên chi hội sẽ giảm được những "con sâu" và cố gắng giảm thấp nhất sự vi phạm của các nhà báo để lấy lại niềm tin của độc giả, khán giả.
*Thời gian gần đây, chúng ta nói nhiều đến vấn đề chuyển đổi số trong hoạt động báo chí. Vậy, đồng chí có thể cho biết bức tranh chuyển đổi số báo chí của nước ta đang như thế nào?
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và các đại biểu tham quan gian trưng bày của Báo Bà Rịa-Vũng Tàu và Hội Nhà báo Cụm miền Đông Nam bộ tại Hội báo toàn quốc năm 2023 |
- Báo chí đang đứng trước bước ngoặt vô cùng quan trọng trong sự phát triển. Chưa bao giờ, báo chí đứng trước bối cảnh nhiều thách thức như hiện nay, bởi có quá nhiều kênh thông tin và nhờ sự phát triển của công nghệ nên bất kỳ ai cũng có thể làm nguồn cung cấp thông tin. Bên cạnh đó, tình trạng tin thật - giả lẫn lộn trên mạng Internet, đặc biệt khi trí tuệ nhân tạo phát triển thì mỗi ngày có hàng tỷ thông tin được đăng phát trên môi trường mạng. Một thách thức khác chính là xu hướng người dùng không coi báo chí là nguồn duy nhất để tham khảo thông tin, nên để kéo công chúng đến xem những thông tin chính thống, chính thức là không hề đơn giản. Báo chí đang đứng trước những thực trạng hết sức khó khăn khi công chúng đang dần xa rời những nền tảng truyền thống là báo in, báo phát thanh, báo truyền hình và kể cả báo mạng điện tử. Nhưng đây cũng là thời điểm báo chí đứng trước những cơ hội mà nếu nắm bắt, sử dụng có thể đạt được những kết quả tốt.
Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số của báo chí Việt Nam hiện nay vẫn chưa đạt được tốc độ nhanh như thế giới. Gần đây, có một số tờ báo mạnh dạn đi những bước đầu tiên trong hành trình chuyển đổi số, nhưng vẫn chưa được nhanh. Nhiều tờ báo, cơ quan báo chí nói đến chuyển đổi số, nhưng đến giờ này vẫn đang loay hoay chưa biết mình nên làm gì. Có những cơ quan báo chí hiểu chưa đúng về chuyển đổi số, khi chỉ nghĩ đơn giản mua một vài phần mềm, sắm một số thiết bị hiện đại là cho rằng mình đã chuyển đổi số. Trong khi đó, chuyển đổi số là cần tạo ra được văn hóa mới trong tòa soạn, tạo ra được sản phẩm mới cho công chúng. Chúng ta không thể vẫn duy trì cách làm cũ trên nền tảng công nghệ mới thì yên tâm rằng mình đã chuyển đổi số. Việc chuyển đổi số báo chí không phải chỉ ở khâu sản xuất nội dung, nó phải đến từ tất cả các khâu trong hoạt động của cả tòa soạn, từ quản trị, tài chính, xây dựng, quản lý nhân sự… đều phải thực hiện chuyển đổi số và đó là một quy trình mang tính tổng thể. Bên cạnh đó, chuyển đổi số là liên tục, chứ không phải tiến hành xong một chu trình là chấm hết. Khi tiến hành chuyển đổi số hoạt động báo chí, nhiều ý kiến nêu lên khó khăn về kinh phí. Đây là rào cản lớn, nhưng kinh phí chỉ là một yếu tố, bởi có kinh phí nhiều chưa chắc đã chuyển đổi số thành công và kinh phí ít cũng không có nghĩa là không thực hiện được chuyển đổi số hiệu quả. Chuyển đổi số nằm ở tư duy chứ không phải ở công nghệ, bởi công nghệ chỉ là công cụ để giúp chúng ta thực hiện dễ dàng hơn công việc.
* Với cương vị của mình, ông có thể chia sẻ về một số nhận định đối với hoạt động báo chí ở Khánh Hòa?
Một góc không gian Hội báo toàn quốc năm 2023 |
- Khánh Hòa là địa phương có nhiều ưu thế đối với hoạt động báo chí. Từ điều kiện kinh tế - xã hội, đến sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh để hoạt động báo chí được phát triển. Điều đó phần nào thể hiện qua sản phẩm của các cơ quan báo chí như Báo Khánh Hòa, Đài Phát thanh và Truyền hình Khánh Hòa đã đạt được những kết quả cao từ giải báo chí quốc gia, giải báo chí các bộ, ngành Trung ương. Các cơ quan báo chí của tỉnh Khánh Hòa thực sự tạo được những dấu ấn đáng kể trong làng báo Việt Nam. Sự đóng góp của Hội Nhà báo tỉnh, cũng như các cơ quan báo chí ở Khánh Hòa rất đáng kể. Đội ngũ hội viên, nhà báo ở Khánh Hòa rất đoàn kết, năng động, chủ động trong hoạt động chuyên môn cũng như tham gia đóng góp vào công tác hội.
Tuy nhiên, báo chí Khánh Hòa cũng cần hòa nhập với dòng chảy chung của báo chí Việt Nam và thế giới trong việc đổi mới, thu hút công chúng. Với sứ mạng của mình, báo chí Khánh Hòa phải trở thành kênh thông tin hàng đầu để công chúng tìm đến khi tìm hiểu thông tin về địa phương. Báo chí Khánh Hòa phải tự đổi mới chính mình, tạo ra những nội dung mới, sản phẩm mới, hình thức tiếp cận mới, phát triển đa nền tảng, đa phương tiện…, thậm chí phải nghiên cứu đón sẵn công chúng trên những nền tảng mới. Để làm được điều đó, báo chí Khánh Hòa cần có sự đầu tư về cơ sở vật chất, đặc biệt là đầu tư về con người. Nhà báo của thời hiện đại đòi hỏi những kỹ năng mới để tác nghiệp một cách hiệu quả, tạo ra được những sản phẩm báo chí hấp dẫn đối với công chúng.
Xin cảm ơn ông!
NHÂN TÂM (Thực hiện)