Thông tin trên được công bố tại Phiên họp thứ 4 kết nối trực tuyến với 63 tỉnh, thành của Ban Chỉ đạo (BCĐ) cải cách hành chính (CCHC) diễn ra ngày 19/4. Phiên họp tập trung vào chủ đề đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC) gắn với chuyển đổi số, phục vụ người dân, DN dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng BCĐ CCHC của Chính phủ.
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHẠM MINH CHÍNH Nâng cao mức độ hài lòng của người dân Căn cứ vào kết quả Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2022, Chỉ số CCHC năm 2022, các bộ, ngành, địa phương xác định rõ điểm mạnh, điểm yếu, nguyên nhân và trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân; có giải pháp khắc phục hiệu quả; đẩy nhanh tốc độ cải CCHC, hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong kế hoạch CCHC năm 2023 của từng cơ quan, đơn vị. Nâng cao mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của chính quyền các cấp trong thực hiện TTHC, đến năm 2025 đạt trên 95%, ngay trong năm 2023 đạt trên 85%; tỷ lệ giải quyết đúng hạn tại Trung tâm Phục vụ hành chính công phải đạt trên 90%; đến cuối năm 2023, tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến toàn trình phải đạt 50%. |
Chỉ số CCHC Bà Rịa-Vũng Tàu tăng 10 bậc
Trong phiên họp, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa đã công bố các chỉ số CCHC năm 2022. Theo đó, dẫn đầu về Chỉ số CCHC năm 2022 của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (PAR INDEX 2022) của 63 tỉnh thành phố là tỉnh Quảng Ninh, đạt 90.10%, đứng cuối là Phú Yên (55,99%). Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu xếp thứ 6 với 87.47%, tăng 10 bậc so với năm 2021, dẫn đầu khu vực Đông Nam Bộ.
Về Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2022 (SIPAS) của 63 tỉnh thành phố, Quảng Ninh tiếp tục dẫn đầu với 87.95%. Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu xếp thứ 18 (82.03%), tăng 20 bậc so với năm 2021, xếp thứ 2 trong khu vực Đông Nam Bộ (sau Bình Dương, xếp thứ 4 cả nước).
Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh cùng các đại biểu tham dự tại điểm cầu tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. |
Về Chỉ số PAR INDEX năm 2022 của các bộ, cơ quan ngang bộ đứng đầu là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Chia sẻ về kết quả ấn tượng này, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thọ cho hay, năm 2022, tỉnh đã có sự bứt phá mạnh mẽ, đạt nhiều kết quả quan trọng. Cụ thể, tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn là 1.013.457 hồ sơ, đạt tỷ lệ 99,81%. Trong đó, tỷ lệ hồ sơ được người dân thực hiện qua hình thức trực tuyến đạt 53,02% (vượt chỉ tiêu Ủy ban chuyển đổi số Quốc gia giao).
Tính đến nay, UBND tỉnh đã thực hiện ủy quyền 10 lĩnh vực, với 20 nội dung; đã thực hiện phân cấp trong 6 lĩnh vực, với 20 nội dung. Dự kiến năm 2023, sẽ tiếp tục ủy quyền 4 lĩnh vực, với 6 nội dung (lĩnh vực đầu tư công, thanh tra, giao thông vận tải, tài nguyên môi trường); phân cấp 13 lĩnh vực với 27 nội dung.
Bên cạnh đó, chất lượng đội ngũ CBCCVC được nâng cao thông qua việc thi tuyển công chức (74/91 chỉ tiêu), thi tuyển chức danh lãnh đạo (6 phó giám đốc sở, 230 vị trí chức danh lãnh đạo, quản lý cấp phòng thuộc sở, huyện).
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thọ cho rằng, thành quả trên đến từ việc triển khai hiệu quả các giải pháp như: Ban hành Chỉ thị số 10/CT-UBND tỉnh về việc nâng cao hiệu quả công tác CCHC; tập trung cải thiện, nâng cao kết quả các Chỉ số của tỉnh; thực hiện hiệu quả chương trình chuyển đổi số gắn với CCHC và Đề án 06; ban hành kế hoạch thực hiện khâu đột phá về rút ngắn thời gian giải quyết TTHC so với thời gian quy định của Bộ TTHC; nhân rộng các mô hình hay “Ngày thứ Bảy lắng nghe dân nói”, “Ngày thứ Năm không chờ”… trong thực hiện CCHC để nâng cao chất lượng CCHC.
Người đứng đầu có vai trò quan trọng trong CCHC
Tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ: “Bài học để có những tiến bộ, cũng như hạn chế, yếu kém trong cải cách hành chính nói chung và thủ tục hành chính nói riêng chính là vai trò, tầm quan trọng của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo; tổ chức thực hiện; kiểm tra, giám sát, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc kịp thời, hiệu quả”.
Người dân thực hiện TTHC tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả UBND phường 11, TP. Vũng Tàu. |
Thủ tướng cũng nhấn mạnh, đầu tư cho CCHC là đầu tư cho phát triển. Các cấp, các ngành phải coi đây là nhiệm vụ quan trọng của mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các thành viên BCĐ tiếp tục tham mưu, chỉ đạo triển khai một cách mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ công tác CCHC tại bộ, ngành mình theo kế hoạch năm 2023 của BCĐ.
Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành đẩy nhanh việc rà soát, thực thi 19 nghị quyết chuyên đề về đơn giản hóa TTHC, giấy tờ liên quan đến quản lý dân cư, hoàn thành trong tháng 6/2023. Khẩn trương ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định tại Nghị định số 104/2022/NĐ-CP của Chính phủ liên quan đến việc xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công, hoàn thành trong tháng 5/2023.
“Khẩn trương đề xuất đầu tư hạ tầng số Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính; hoàn thành kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu về kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, hoàn thành trong tháng 5 năm 2023”, Thủ tướng yêu cầu.
Riêng đối với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu trình HĐND ban hành các chính sách miễn, giảm phí, lệ phí sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến để khuyến khích người dân, DN tham gia thực hiện; xây dựng quy trình, hướng dẫn, tập huấn cho cán bộ, công chức, viên chức thực hiện việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa các cấp, nhất là cấp xã; tiếp tục thực hiện nghiêm việc ký số, gửi nhận văn bản và xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử tại các cấp chính quyền...
Bài, ảnh: AN NHIÊN