THỦ TƯỚNG PHẠM MINH CHÍNH

Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản phát triển trên nền tảng chân thành, tin cậy

Thứ Ba, 07/03/2023, 19:36 [GMT+7]
In bài này
.

Sáng 7/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu tại Hội thảo kinh tế cấp cao Việt Nam - Nhật Bản có chủ đề “Khả năng mới của mối quan hệ Việt - Nhật hướng đến tương lai” nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản (21/9/1973-21/9/2023).

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội thảo kinh tế cấp cao Việt Nam - Nhật Bản. Ảnh: DƯƠNG GIANG
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội thảo kinh tế cấp cao Việt Nam - Nhật Bản. Ảnh: DƯƠNG GIANG

Hợp tác chân thành, tin tưởng

Phát biểu chào mừng Hội thảo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, sau 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, trải qua nhiều thăng trầm, biến cố của tình hình thế giới, khu vực và của mỗi nước, quan hệ hữu nghị, hợp tác Việt Nam - Nhật Bản không ngừng được củng cố, phát triển trên nhiều lĩnh vực. Quan hệ chính trị, ngoại giao; hợp tác trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng ngày càng được tăng cường, đi vào chiều sâu, thực chất. Hoạt động văn hóa, giao lưu nhân dân đã trở thành một nền tảng quan trọng cho mối quan hệ ngày càng gắn bó và tin cậy giữa hai nước.

Đặc biệt, hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư luôn được đặc biệt chú trọng, đẩy mạnh toàn diện. Hai bên đã xây dựng nhiều khuôn khổ pháp lý quan trọng cho quan hệ song phương; đồng thời cùng là thành viên của các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Về Hợp tác phát triển (ODA), theo Thủ tướng, sau hơn 30 năm, Nhật Bản trở thành quốc gia viện trợ ODA hàng đầu của Việt Nam với trên 2.700 tỷ Yên vốn vay, gần 100 tỷ Yên viện trợ không hoàn lại và 180 tỷ Yên hỗ trợ cho hợp tác kỹ thuật; góp phần quan trọng trong việc phát triển các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững; hỗ trợ chuyển giao công nghệ tiên tiến, đào tạo nguồn nhân lực cho Việt Nam...

Đến nay Nhật Bản có hơn 5 ngàn dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư gần 70 tỷ USD, đứng thứ 3 trong số 141 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Việt Nam có 104 dự án đầu tư sang Nhật Bản với vốn đầu tư đăng ký đạt 19,2 triệu USD, đứng thứ 36 trong số 79 quốc gia và vùng lãnh thổ mà Việt Nam đầu tư ra nước ngoài.

Về thương mại, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước năm 2022 đạt gần 50 tỷ USD, đưa Nhật Bản trở thành đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam; trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản đạt gần 25 tỷ USD, nhập khẩu đạt gần 24 tỷ USD.

Bên cạnh đó, Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản, cơ chế hợp tác đặc biệt giữa hai Chính phủ, qua 20 năm thực hiện với 8 giai đoạn, đã đem lại nhiều kết quả tích cực trong cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam để thu hút các nhà đầu tư nói chung và nhà đầu tư Nhật Bản nói riêng.

Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cho rằng, là một trong những cường quốc trong ngành công nghiệp, dịch vụ của thế giới, Nhật Bản đã đạt được những thành tựu to lớn với nền kinh tế phát triển ở trình độ cao, sở hữu công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới và là một trong những nước đi đầu về ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển kinh tế số, xã hội số.

Trong khi đó, nền kinh tế Việt Nam có độ mở cao, đang duy trì tốc độ tăng trưởng tương đối nhanh, sở hữu nguồn nhân lực trẻ dồi dào và có nhu cầu nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất công nghiệp.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ, bước sang thập kỷ thứ 5 của quan hệ song phương, trên nền tảng quan hệ “Đối tác chiến lược toàn diện, tin cậy vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á”, tiềm năng hợp tác của hai nước chúng ta còn rất phong phú, còn nhiều dư địa hợp tác.

Thủ tướng cho rằng, hội thảo này là sự kiện có ý nghĩa quan trọng để hai bên phân tích thời cơ, vận hội cũng như những khó khăn, thử thách mới; chia sẻ những bài học kinh nghiệm để từ đó đề ra những phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới; giúp Việt Nam - Nhật Bản đạt được mục tiêu, khát vọng phát triển bền vững ở mỗi nước, góp phần thúc đẩy mối quan hệ đối tác chiến lược tin cậy, thân thiết giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ

Với mục tiêu đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chia sẻ về các vấn đề phát triển xanh, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo.

Về phát triển bền vững và tăng trưởng xanh, Thủ tưởng cho biết, Việt Nam đã ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích cụ thể để huy động các nguồn tài chính, đặc biệt là nguồn tài chính từ khu vực tư nhân để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Đồng thời, để chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, Việt Nam đã ban hành Chiến lược và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050.

Về chuyển đổi số, theo Thủ tướng, đây là xu thế tất yếu, một quá trình thay đổi sâu sắc các hoạt động kinh tế - xã hội. Trong chiến lược chuyển đổi số của Việt Nam, hợp tác công - tư cần được khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi. Chính phủ dẫn dắt và doanh nghiệp đồng hành trong nỗ lực chung thúc đẩy chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số, xã hội số; trong đó lấy người dân là trung tâm, chủ thể, động lực và là mục tiêu của sự phát triển.

Đối với khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách tạo hành lang pháp lý, các ưu đãi đầu tư để khuyến khích, thúc đẩy các hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, nhà khoa học, tổ chức, doanh nghiệp của Nhật Bản và Việt Nam cùng nhau thảo luận, chia sẻ những kinh nghiệm để tham mưu giúp Chính phủ những giải pháp thiết thực, hướng đến sự phát triển bền vững, thịnh vượng của hai bên.

PHẠM TIẾP

;
.