Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương phải đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tạo việc làm; hạn chế tối đa tác động tiêu cực từ bên ngoài với nền kinh tế. Đó là nhấn mạnh của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên họp thường kỳ Chính phủ với các địa phương nhằm đánh giá tình hình kinh tế-xã hội tháng 1, diễn ra ngày 2/2.
Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh cùng các đại biểu tham dự cuộc họp tại điểm cầu tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. |
Phục hồi nhanh, phát triển bền vững
Phiên họp được tổ chức trực tuyến nhằm đánh giá tình hình triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công; triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia; chủ trương xây dựng Đề án Trung tâm dữ liệu quốc gia; triển khai các nhiệm vụ sau Tết theo Chỉ thị 03 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo báo cáo, các bộ, ngành đã quyết liệt, tập trung triển khai các nhiệm vụ năm 2023 ngay từ những ngày đầu năm. Tình hình kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2023 tăng 0,52% so với tháng 12/2022 và tăng 4,89% so với cùng kỳ năm trước.
Thu ngân sách cả nước tháng 1 đạt 11,3% dự toán. Vốn FDI đăng ký mới đạt 1,2 tỷ USD, cao gấp 3 lần cùng kỳ năm trước. Tháng 1 ước xuất siêu 3,6 tỷ USD. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục đà phục hồi và tăng trưởng nhờ sức cầu tiêu dùng lớn trong dịp Tết Nguyên đán.Quốc phòng-an ninh được bảo đảm, hoạt động đối ngoại được đẩy mạnh.
Đối với phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công 13 tháng qua, theo Bộ Tài chính, ước giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước đến ngày 31/1 đạt 92,97% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, số tuyệt đối giải ngân 13 tháng qua cao hơn cùng kỳ năm trước khoảng 100 ngàn tỷ đồng, tăng khoảng 23%.
Phát biểu kết luận, nhấn mạnh các nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 2 và thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, quyền hạn tích cực thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao, chủ động giải quyết những vấn đề phát sinh, đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược (thể chế, hạ tầng, nhân lực), tập trung cho 3 động lực tăng trưởng là đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu.
Các kết luận, nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt là Nghị quyết 01 của Chính phủ và Chỉ thị 03 của Thủ tướng đã nêu rõ các nhiệm vụ, giải pháp, các bộ trưởng, trưởng ngành, chủ tịch UBND các cấp cần nghiêm túc quán triệt, cụ thể hóa thành kế hoạch, lộ trình thực hiện của từng cấp, từng ngành và cơ quan, triển khai đồng bộ, hiệu quả ngay từ đầu năm.
Về bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, Thủ tướng yêu cầu chỉ đạo quyết liệt công tác quản lý thu ngân sách nhà nước bảo đảm thu đúng, đủ, kịp thời theo quy định pháp luật (tăng cường chuyển đổi số kết hợp dữ liệu dân cư để sớm triển khai thanh toán, thu phí, lệ phí, thuế bằng công nghệ số, nhất là dịch vụ ăn uống). Triệt để tiết kiệm chi, chống lãng phí, kiên quyết cắt giảm các khoản chi thường xuyên không thực sự cần thiết; ưu tiên chi đầu tư phát triển các công trình hạ tầng kinh tế xã hội quan trọng, chiến lược. Tiếp tục đề xuất các giải pháp miễn giảm thuế, phí, lệ phí phù hợp; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính...
Với tổng vốn đầu tư công hơn 756 ngàn tỷ đồng của năm 2023, Thủ tướng yêu cầu tăng cường quản lý chặt chẽ, thúc đẩy tiến độ dự án lớn, quan trọng, có tính lan tỏa cao, nhất là công trình giao thông trọng điểm. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân ngay từ đầu năm; khẩn trương phân bổ chi tiết toàn bộ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2023 theo đúng nguyên tắc, tiêu chí quy định; làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án, kiểm tra, rà soát từng dự án, bố trí kế hoạch vốn.
Về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, Thủ tướng yêu cầu khẩn trương hoàn thành kế hoạch phân bổ vốn còn lại (14.100 tỷ đồng). Đánh giá khả năng thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất 2%; đề xuất phương án xử lý, điều chỉnh trước ngày 15/2.
Hành động ngay để phát triển kinh tế - xã hội
UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định 109/QĐ-UBND về việc thực hiện Chương trình hành động kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023.
Theo đó, năm 2023, tỉnh tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế trong năm 2022; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội đã xác định tại kế hoạch 5 năm và các chủ trương quyết định mới ban hành của Trung ương liên quan đến phát triển tỉnh; phát triển kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng tăng trưởng, khai thác và phát huy hiệu quả các nguồn lực phát triển. Tiếp tục tập trung phát triển 4 trụ cột kinh tế của tỉnh.
Ngoài ra, Chương trình hành động cũng đề ra các kế hoạch, giải pháp bảo đảm môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi và hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để phục hồi sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh đầu tư; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình trọng điểm nhằm tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế…
|
Tập trung nguồn lực khởi công công trình trọng điểm
Tại cuộc họp, UBND tỉnh đã thông tin về tình hình kinh tế-xã hội của Bà Rịa-Vũng Tàu trong tháng 1/2023. Theo đó, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh thực hiện trong tháng 1/2023 là 8.096 tỷ đồng, đạt 9,1% so với dự toán và bằng 77,2% so với cùng kỳ.
Ông Lê Ngọc Linh, Giám đốc Sở KH-ĐT cho biết, năm 2023, tổng kế hoạch vốn đầu tư công phân bổ cho các dự án tỉnh quyết định đầu tư là gần 8.553 tỷ đồng; trong đó 8 dự án quy hoạch, 50 dự án hoàn thành, 130 dự án chuyển tiếp, 14 dự án khởi công mới, 19 dự án thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng và 58 dự án chuẩn bị đầu tư.
Để đẩy nhanh việc giải ngân vốn đầu tư công, ngay từ đầu năm, tỉnh đã yêu cầu các chủ đầu tư cam kết tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công 2023. Ngoài ra, các dự án chuyển tiếp triển khai theo tiến độ kế hoạch, đã khởi công mới, các dự án thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng đang triển khai các thủ tục để thực hiện công tác đền bù.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thọ, năm 2023, Bà Rịa-Vũng Tàu đặt mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP (trừ dầu thô và khí đốt) trên địa bàn tỉnh tăng 8,1% so với năm 2022; thu ngân sách Nhà nước đạt 88.591 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh sẽ tập trung nguồn lực, vốn để khởi công các công trình giao thông trọng điểm như: cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, cầu Phước An, đường ven biển 994, đường vành đai 4. Cùng với đó, tỉnh sẽ tập trung vào các nhiệm vụ trong Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Để đạt được mục tiêu, nhiệm vụ trên, Bà Rịa-Vũng Tàu đã nhanh chóng vào cuộc ngay từ đầu năm thực hiện hiệu quả Chương trình hành động của UBND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023.
Bài, ảnh: QUANG VŨ