Đó là chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương về tổng kết công tác năm 2022 và triển khai Kết luận của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội khoá XV về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) năm 2023 ngày 3/1.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: DƯƠNG GIANG |
Kinh tế có nhiều điểm sáng
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, năm 2022, nền kinh tế chịu tác động tiêu cực kép cả từ bên ngoài và bên trong đến cùng một thời điểm. Trong bối cảnh đó, Chính phủ cùng các cấp, ngành, địa phương đã kiểm soát được đại dịch COVID-19 và từ giữa tháng 3/2022 đã mở cửa toàn bộ nền kinh tế với tinh thần phục hồi nhanh, phát triển bền vững.
Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương; sự ủng hộ, tham gia tích cực của nhân dân, cộng đồng DN, tình hình KT-XH đạt những kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực. Cụ thể, 13/15 chỉ tiêu kế hoạch chủ yếu do Trung ương, Quốc hội giao đã đạt và vượt; có nhiều điểm sáng đáng mừng về quy mô GDP, thu nhập bình quân đầu người, kim ngạch xuất, nhập khẩu, thu ngân sách Nhà nước, vốn FDI thực hiện, số DN thành lập mới.
Công tác xây dựng pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, tinh giản bộ máy, phát triển nguồn nhân lực, đổi mới sáng tạo, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh được quan tâm. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm chú trọng hơn. Quốc phòng, an ninh, đối ngoại được tăng cường. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh.
Thủ tướng nhấn mạnh, năm 2023 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm bản lề thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021-2025. Chính phủ tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nỗ lực, quyết tâm cao nhất để thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2023 với phương châm: “Đoàn kết, kỷ cương; bản lĩnh, linh hoạt; chủ động, sáng tạo; kịp thời, hiệu quả”. Tinh thần đã nói là làm; đã cam kết là phải thực hiện; đã làm, đã thực hiện là phải có hiệu quả, sản phẩm lượng hoá được cụ thể, rõ ràng, cân đong, đo, đếm được. Tranh thủ thời cơ, vận hội, “biến nguy thành cơ”; vừa tập trung xử lý hiệu quả các nhiệm vụ thường xuyên ngày càng nhiều, đòi hỏi ngày càng cao; vừa giải quyết những vấn đề khó khăn, bất cập, tồn đọng kéo dài; vừa kịp thời ứng phó những vấn đề mới phát sinh, đồng thời tạo nền tảng mang tính căn cơ, lâu dài cho phát triển bền vững.
Năm 2022, kinh tế Bà Rịa-Vũng Tàu đạt mức tăng trưởng khá. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) cả dầu khí tăng 7,15% so với năm trước; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trừ dầu khí tăng 6,61%. Tổng thu ngân sách Nhà nước thực hiện được 109.800 tỷ đồng, đạt 153,45% so với dự toán. Tổng vốn đầu tư thực hiện tăng 8,64%, đặc biệt là khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đã tăng trưởng tích cực so với năm trước là 24,02%... |
Xây dựng chính quyền liêm chính, hiệu quả
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá, năm 2022, Chính phủ đã nỗ lực đạt nhiều thành tích. Nổi bật là kinh tế nước ta vẫn tiếp tục tăng trưởng nhanh, đạt 8,02%, cao hơn nhiều so với kế hoạch 6-6,5%, mức cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Thu ngân sách nhà nước tăng 14% so với năm 2021... Đáng chú ý, nhiều vấn đề tồn đọng kéo dài, nhất là việc xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém, những DN, dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả được tập trung tháo gỡ, xử lý, bước đầu đạt được kết quả tích cực.
Tuy nhiên, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, để tiếp tục phát huy những kết quả, thành tích đạt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém còn tồn tại, hội nghị cần nhìn thẳng vào sự thật, tập trung phân tích thấu đáo, khách quan và rút ra một số bài học kinh nghiệm, trong đó cần tiếp tục kế thừa, phát huy 3 bài học đã rút ra được tại các hội nghị trước đó. Đó là kế thừa, phát huy những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử qua hơn 35 năm đổi mới và những kết quả toàn diện đạt được từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Tăng cường sự đoàn kết, thống nhất, nỗ lực phấn đấu, chung sức, đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân.
Năm 2023 là năm thứ ba, năm bản lề có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặt ra 5 vấn đề mang tính định hướng để hội nghị cùng suy nghĩ, trao đổi. Trong đó, Chính phủ cần chú trọng củng cố, tăng cường nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế trên cơ sở lành mạnh hóa, giữ vững sự phát triển ổn định, an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng, thị trường tiền tệ, thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán, trái phiếu DN.
Tập trung ưu tiên cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; giải quyết có hiệu quả những khó khăn, hạn chế, yếu kém, cả trước mắt lẫn lâu dài của nền kinh tế để giữ vững đà phục hồi, tăng trưởng nhanh và bền vững, thực chất hơn; tạo chuyển biến mạnh hơn trong việc thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Đặc biệt, đẩy mạnh và làm tốt hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, đặc biệt là hệ thống các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp từ Trung ương đến địa phương. Xây dựng Chính phủ, chính quyền địa phương thật sự trong sạch, liêm chính, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
TRÀ NGÂN