TIN BÀI LIÊN QUAN:
Góp sức rất lớn cho thành công của những chuyến công tác trên biển không thể không nhắc tới cán bộ chiến sĩ, thủy thủ làm nhiệm vụ trên các tàu thuộc Bộ Tư lệnh vùng 2 Hải quân. Các anh xứng đáng được tôn vinh là những người hùng thầm lặng giữa biển khơi.
Xem video:
Tàu Trường Sa 10 tiếp cận nhà giàn DK 1/21 để đưa hàng hóa và người lên. |
Luyện chí thép giữa trùng khơi
Hải trình 15 ngày lênh đênh trên biển của 2 chuyến tàu Trường sa 10 và Trường Sa 21 đi thăm, chúc Tết các nhà giàn, tàu trực và các cơ quan Dân-Chính-Đảng huyện Côn Đảo vừa qua có lẽ không phải là thời gian quá dài, nhưng cũng đủ để chúng tôi, những phóng viên may mắn có mặt trên tàu cảm nhận và thấu hiểu những gian nan, vất vả mà các chiến sĩ đã trải qua.
Giáp Tết, mùa biển động, con tàu gần 2.000 tấn dường như trở nên nhỏ bé, lọt thỏm giữa 4 bề sóng nước mênh mông. Những con sóng cấp 6, cấp 7 khiến tàu chao đảo liên hồi. Mặc sóng to, gió lớn, trên boong tàu, các thủy thủ, chiến sĩ nỗ lực gói ghém hàng hóa, chuẩn bị sẵn sàng phương án đưa xuồng sang nhà giàn khi có lệnh.
Đại tá Nguyễn Việt Anh, Phó Tham mưu Trưởng Vùng 2 Hải quân, Trưởng Đoàn công tác số 2; Trung tá Đỗ Viết Quyết, Chỉ huy hành quân và Thượng úy Trần Công Thiết, Thuyền trưởng tàu Trường Sa 10 theo dõi sát sao biến động của thời tiết; bàn tính kỹ để đưa ra các phương án chuyển người và hàng hóa lên các nhà giàn an toàn.
Xuồng máy chở người và hàng hóa tiếp cận nhà giàn. |
Khi những con sóng, cơn gió giật mạnh giảm dần biên độ, chỉ huy tàu nhanh chóng chớp thời cơ, quyết đoán đưa ra mệnh lệnh để thực hiện phương án đưa xuồng chuyển hàng, người sang nhà giàn. Các thủy thủ nhanh chóng hạ xuồng, rời tàu tiếp cận nhà giàn. Chiếc xuồng trồi lên, ngụp xuống giữa những cơn sóng cao hơn 5m. Gần đến chân nhà giàn, sóng vỗ vào xuồng càng mạnh, khiến việc tiếp cận nhà giàn khó khăn. Sau nhiều lần lựa theo con sóng, xuồng cũng tiếp cận được và khẩn trương thực hiện phương án đưa người, hàng hóa qua dây.
Đại Úy Đinh Xuân Cảnh, Phó Thuyền trưởng tàu Trường Sa 10, đã có nhiều kinh nghiệm trong việc lái xuồng, tiếp cận nhà giàn cho biết, chiến sĩ đã được huấn luyện bài bản, thuần thục trong nhiều tình huống hiệp đồng. Trong đó, quan trọng nhất là việc chấp hành tuyệt đối mệnh lệnh của chỉ huy; phối hợp chặt chẽ, ăn ý giữa các bộ phận cũng như vận dụng linh hoạt cách điều khiển xuồng để tránh những cơn sóng lớn, đi gối sóng để đưa người và hàng hóa lên nhà giàn một cách an toàn nhất.
“Dù trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, nguy hiểm đến tính mạng, nhưng anh em chiến sĩ luôn đoàn kết khắc phục khó khăn để đưa được tình cảm, hơi ấm mùa Xuân từ đất liền gửi đến cán bộ chiến sĩ trên nhà giàn và các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trên thềm lục địa phía Nam”, Đại úy Đinh Xuân Cảnh bày tỏ.
Việc chằng néo dây từ mũi tàu vào nhà giàn là một phương án tối ưu nhưng cũng đầy khó khăn, nguy hiểm. Con tàu mang theo hàng hóa và người với trọng tải 2.000 tấn có thể va đập vào chân nhà giàn bất cứ lúc nào nếu không có sự hiệp đồng chặt chẽ giữa các bộ phận. Trên boong chỉ huy, thuyền trưởng Trần Công Thiết tập trung cao độ, liên hồi phát loa cảnh báo “dây căng, dây căng”. Trên mũi tàu, thủy thủ nhanh chóng núp xuống boong tàu. Bởi khi con sóng đập mạnh, dây chằng níu với nhà giàn đứt sẽ bắn nhanh như vận tốc của một viên đạn. Lúc này, lằn ranh sinh tử là rất mong manh.
Trong số các thủy thủ, anh em tàu vẫn gọi vui Thủy thủ trưởng tàu Trường Sa 10 Bùi Sỹ Sáu là “Anh sói biển”, bởi với 52 tuổi đời, 33 tuổi quân, anh đã có nhiều kinh nghiệm qua nhiều chuyến công tác trên biển, bơi giỏi, chớp thời cơ ứng biến nhanh nhạy trong mọi tình huống.
Trò chuyện với chúng tôi, anh Sáu chia sẻ: “Anh em thủy thủ đi biển vất vả lắm, khó khăn cũng nhiều. Thế nhưng, tôi vẫn chọn cho mình con đường này vì nó đã trở thành cuộc sống thứ hai không thể nào rời xa được. Tàu là nhà, biển đảo là quê hương, cái nghiệp, cái đam mê và khát vọng cống hiến cho Tổ quốc đã ăn vào máu rồi, không bỏ được”.
“Anh nuôi” Đặng Văn Tình nấu ăn phục vụ cán bộ, chiến sĩ. |
Nụ cười trở lại
Vượt sóng gió, đoàn công tác tiếp tục hải trình. Cán bộ, chiến sĩ cũng có những thời gian nghỉ ngơi ít ỏi sau những giờ làm việc căng thẳng. Thay bộ quân phục rằn ri của người lính hải quân, các anh trở lại cuộc sống đời thường với quần soóc, áo thun. Bàn tay chai sạn, rắn rỏi của các anh khi làm nhiệm vụ giờ còn biết nhặt rau, nấu ăn. Anh em nói những câu chuyện phiếm vui vẻ, xóa tan mệt mỏi và gắn kết nhau như một gia đình.
Không phải anh nuôi chuyên nghiệp, nhưng Thiếu tá Đặng Văn Tình, chiến sĩ pháo tàu cũng tham gia nấu nướng phục vụ đoàn công tác và cán bộ, chiến sĩ chia sẻ, việc nấu những bữa ăn ngon, đầy đủ dinh dưỡng để bảo đảm sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ là rất quan trọng. Chính vì vậy, trong hải trình dài ngày trên biển, thực đơn bữa ăn được chuẩn bị đa dạng với đầy đủ rau xanh, thịt, cá, hải sản. Việc bảo quản lương thực, thực phẩm cũng được tàu chú trọng với các tủ đông dung tích lớn.
“Việc nấu ăn trên tàu gặp nhiều khó khăn do tàu rung lắc mạnh. Nhưng chúng tôi vẫn nỗ lực để đem đến những bữa ăn ngon, đầy đủ dinh dưỡng cho anh em chiến sĩ”, Thiếu tá Đặng Văn Tình cho biết thêm.
Ngoài những giờ quây quần nấu nướng, cùng nhau ăn bữa cơm ấm áp như một gia đình, cán bộ, chiến sĩ trên tàu còn giải trí bằng cách đọc báo, xem tivi. Đặc biệt, chuyến hải trình thăm, chúc Tết các nhà giàn lần này lại trùng vào dịp tổ chức Giải bóng đá AFF Cúp 2022. Và thế là anh em chiến sĩ lại quây quần trước tivi, cùng nhau theo dõi cổ vũ nhiệt tình cho ĐTVN thi đấu.
Cán bộ, chiến sĩ xem bóng đá sau những giây phút làm việc căng thẳng. |
Do thời tiết xấu và tàu hành quân liên tục nên việc mất tín hiệu ti vi giữa trận đấu là chuyện bình thường. Dẫu vậy, anh em chiến sĩ vẫn hò reo, cổ vũ nhiệt tình cho đội nhà. Giữa mênh mông biển trời thiêng liêng của Tổ quốc, vượt lên muôn trùng sóng gió, dường như tâm hồn con người cũng phóng khoáng hơn, tinh thần cổ vũ bóng đá của các anh cũng cuồng nhiệt, mạnh mẽ hơn như những ngọn sóng bạc đầu giữa biển khơi.
Trung tá Đỗ Viết Quyết, Chỉ huy Hành quân Đoàn Công tác số 2, Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân cho hay, bên cạnh thực hiện nhiệm vụ hành quân, thời gian rảnh anh em chiến sĩ cùng quây quần xem bóng đá, họ rất hâm mộ ĐTVN. Hầu hết các trận có ĐTVN thi đấu anh em xem rất hào hứng và cổ vũ nhiệt tình với lòng yêu nước và màu cờ sắc áo của Tổ quốc. “Đây cũng là cách để anh em chiến sĩ quên đi mệt nhọc, gắn kết, gần gũi nhau thêm”, Trung tá Đỗ Viết Quyết nói.
Các anh-những con người vĩ đại mà giản dị, thầm lặng giữa biển khơi; những chiến sĩ can trường, gạt đi nỗi niềm riêng tư để cống hiến cho quê hương, cho Tổ quốc xứng đáng được ghi nhận bằng những tình cảm, sự tri ân sâu sắc nhất. Để rồi, các anh tiếp tục có thêm động lực, niềm tin, hoàn thành xuất sắc nhiệm trên những chuyến tàu rẽ sóng ra khơi.
Bài, ảnh: BẢO KHÁNH