Bảo đảm người dân được thụ hưởng các dịch vụ xã hội chất lượng cao
Theo chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 2, sáng 6/1, Quốc hội thảo luận ở tổ về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV về các chính sách phòng, chống dịch bệnh COVID-19; đề xuất nội dung đưa vào Nghị quyết của Quốc hội về việc chuyển tiếp thực hiện một số chính sách theo quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 về các chính sách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1/1/2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược.
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phát biểu thảo luận về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: CHÂU VŨ |
BỔ SUNG QUY HOẠCH NGUỒN NHÂN LỰC Y TẾ VÀ GIÁO DỤC
Phát biểu thảo luận về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đại biểu Huỳnh Thị Phúc, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho rằng, để phát huy tối đa các nguồn lực trên cơ sở huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, quy hoạch tổng thể quốc gia cần bổ sung các nội dung nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững để người dân được thụ hưởng các dịch vụ xã hội chất lượng cao, hệ thống an sinh xã hội phát triển bền vững.
Việc bổ sung này cũng nhằm bảo đảm thực hiện chỉ số phát triển con người, chỉ số hạnh phúc… của người dân. Đồng thời bảo đảm tính hiệu quả của Nghị quyết phát triển nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực, thuộc nhóm 10 quốc gia có hệ thống giáo dục tốt nhất châu Á; đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ y tế ngang tầm các nước tiên tiến như dự thảo Nghị quyết Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đề ra, đáp ứng yêu cầu bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe toàn dân.
Cụ thể, trong quy hoạch ngành xã hội cần quy hoạch thêm nguồn nhân lực, đào tạo, sử dụng và quản lý nguồn nhân lực ở lĩnh vực y tế và giáo dục. Đây là cơ sở để có thể sử dụng chính sách phù hợp với yêu cầu và định hướng phát triển.
Theo đại biểu Huỳnh Thị Phúc, thực trạng thừa, thiếu cục bộ đối với nguồn nhân lực ngành GD-ĐT năm nào cũng diễn ra. Có những năm đến hết học kỳ 1 nhưng nhiều địa phương trong toàn quốc vẫn thiếu nhiều giáo viên. Vấn đề này diễn ra từ năm này đến năm khác mà chưa được giải quyết căn cơ, hiệu quả. Tương tự, tình trạng thiếu nhân lực cũng xảy ra trong ngành y tế.
Về định hướng phát triển không gia kinh tế, xã hội, đại biểu Huỳnh Thị Phúc đề nghị Chính phủ quan tâm, xác định rõ vùng trọng tâm, vùng vệ tinh, thế mạnh của từng vùng, địa phương để phát huy tối đa các điều kiện thuận lợi và thúc đẩy phát triển vùng, quốc gia. Vì trong một vùng, cùng là phát triển kinh tế biển nhưng địa phương này mạnh về cảng biển, địa phương kia mạnh về phát triển du lịch, do đó cần quy hoạch trọng tâm và tạo động lực phát triển không chỉ cho địa phương, vùng mà là phát triển quốc gia.
Quang cảnh phiên thảo luận tổ. Ảnh: CHÂU VŨ |
CÁC ĐỊA PHƯƠNG CÒN “NỢ” TIỀN HỖ TRỢ NGƯỜI THAM GIA CHỐNG DỊCH COVID-19
Về Nghị quyết số 30/2021/QH15, đại biểu Huỳnh Thị Phúc cho biết, qua thực tế giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho thấy, trong thời điểm dịch COVID-19 bùng phát mạnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe của nhân dân thì việc thực hiện đúng các quy định của Chính phủ về tập trung các đối tượng về các cơ sở y tế để lấy mấu xét nghiệm COVID-19 không bảo đảm các yêu cầu theo quy định. Các địa phương phải linh hoạt tổ chức các điểm lấy mẫu tại các điểm bảo đảm các điều kiện phòng, chống dịch. Vì vận dụng linh hoạt, nên các địa phương vẫn còn “nợ” chưa thể chi trả các chính sách hỗ trợ cho người tham gia lấy mẫu xét nghiệm cho người dân. Để tháo gỡ, một số địa phương, đơn vị đã linh động hỗ trợ các nhân viên y tế tham gia lấy mẫu xét nghiệm từ nguồn vận động. Tuy nhiên đây cũng chỉ là giải pháp tình thế.
“Nếu Quốc hội thống nhất tiếp tục thực hiện Nghị quyết 30 hoặc thay bằng một nghị quyết khác để tiếp tục thực hiện các nội dung còn lại của Nghị quyết 30 thì Quốc hội, Chính phủ xem xét các nội dung tháo gỡ những vướng mắc, tồn tại để các địa phương có cơ sở giải quyết chế độ hỗ trợ cho nhân viên y tế tham gia phòng, chống dịch COVID-19”, đại biểu Huỳnh Thị Phúc đề nghị.
Ngoài ra, các đối tượng bảo vệ, phục vụ các “vùng xanh”- vùng an toàn cũng như tham gia phòng, chống dịch tại các “vùng đỏ”; các y, bác sĩ tình nguyện từ các địa phương bạn, bệnh viện tuyến Trung ương đến hỗ trợ phòng, chống dịch và điều trị COVID-19 cho người dân một số địa phương trong thời điểm dịch bùng phát mạnh; bộ phận nhập dữ liệu phòng, chống COVID-19 vẫn chưa được nhận hỗ trợ do chưa có quy định cụ thể. Đề nghị bổ sung quy định chi hỗ trợ và hướng dẫn thanh, quyết toán cho đối tượng này để tháo gỡ vướng mắc, tồn tại của các địa phương.
PHÚC LƯU