Những chiến sĩ quân y không chuyên trách

Thứ Hai, 12/12/2022, 20:03 [GMT+7]
In bài này
.

Nhờ đẩy mạnh huấn luyện “5 kỹ thuật cấp cứu và chuyển thương hỏa tuyến”, Vùng 2 Hải quân đã có lực lượng quân y không chuyên trách trực tiếp xử trí kịp thời tình huống cấp cứu tại đơn vị cũng như khi thực hiện nhiệm vụ trên biển.

Cán bộ, chiến sĩ Vùng 2 Hải quân huấn luyện thực hành
Cán bộ, chiến sĩ Vùng 2 Hải quân huấn luyện thực hành "5 kỹ thuật cấp cứu và chuyển thương hỏa tuyến".

Huấn luyện thuần thục

Có mặt tại Tàu 18 - Lữ đoàn 171 (Vùng 2 Hải quân) vào một ngày đầu tháng 12, chúng tôi đã được chứng kiến buổi huấn luyện luyện cứu người rơi xuống nước của cán bộ, chiến sĩ. Tình huống giả định đưa ra: Trong khi mọi người đang vận hành máy móc, trang bị kỹ thuật, bỗng dưng ở mạn phải con tàu có tiếng hô to “Có người rơi xuống nước”. Từ Đài chỉ huy, Đại úy Mai Công Long, Thuyền trưởng Tàu 18 phát lệnh báo động: “Báo động chiến đấu cấp 1, toàn tàu báo động cứu người rơi xuống nước”, “Máy phải dừng, hết lái phải”...

Báo động vừa dứt, thuyền trưởng tiếp tục điều động tàu tiếp cận vị trí người rơi xuống nước, xác định và đánh dấu vị trí trên hải đồ. Chiến sĩ tín hiệu cũng treo cờ báo hiệu “Tàu đang có người rơi xuống nước”. Tình huống đặt ra là khi tàu tiếp cận gần, nạn nhân đã bất tỉnh. Lúc này, 2 chiến sĩ nhanh chóng lao xuống nước, sử dụng cáng cứu thương tiếp cận, cứu vớt người bị nạn và đưa lên tàu.

Trên boong, tổ cứu thương thực hiện các động tác hô hấp nhân tạo, ép tim ngoài lồng ngực… cấp cứu nạn nhân. Những khuôn mặt đẫm mồ hôi nhưng ánh mắt vẫn tập trung cao độ, thao tác cấp cứu nhịp nhàng, thuần thục nhằm giúp nạn nhân hồi tỉnh. Buổi huấn luyện kết thúc sau khoảng 4 tiếng và đạt yêu cầu đề ra.

“Trăm hay không bằng tay quen”

Vùng 2 Hải quân có nhiều tàu thường xuyên hoạt động trên biển. Xa đất liền, xa các cơ sở y tế, cán bộ, chiến sĩ lại thao tác vũ khí trang bị kỹ thuật trong không gian chật hẹp nên nếu không cẩn thẩn sẽ mất an toàn. Trong khi đó, tàu không có biên chế nhân viên quân y nên việc cấp cứu kịp thời cho bộ đội bị tai nạn khá khó khăn.

Do đó, để bảo đảm an toàn sức khỏe và tính mạng cho bộ đội, ngay sau khi có Chỉ thị của Tư lệnh Hải quân về “huấn luyện 5 kỹ thuật cấp cứu và chuyển thương hỏa tuyến”, Vùng 2 Hải quân đã triển khai đồng loạt cho các đơn vị trong toàn Vùng làm tốt công tác chuẩn bị và thực hành huấn luyện.

Theo đó, 100% cơ quan, đơn vị Vùng 2 Hải quân kết hợp huấn luyện “5 kỹ thuật cấp cứu và chuyển thương hỏa tuyến” lồng ghép với những nội dung huấn luyện khác. Đồng thời đưa nội dung này vào kiểm tra đánh giá kết quả huấn luyện ở các cơ quan, đơn vị, nhất là đối với đơn vị tàu. Đến nay, 100% cán bộ, chiến sĩ đã thuần thục kỹ thuật động tác đáp ứng yêu cầu cấp cứu tại chỗ khi có tình huống xảy ra, nhất là ở các tàu chiến đấu.

Gần đây nhất, Lữ đoàn 167 tổ chức hội thao huấn luyện “5 kỹ thuật cấp cứu”. Trung tá Lê Đình Dũng, Chủ nhiệm Hậu cần Lữ đoàn 167 cho biết, với phương châm “trăm hay không bằng tay quen”, Lữ đoàn đã tổ chức huấn luyện bổ sung, tăng thời gian huấn luyện ngoại khóa nhằm giúp bộ đội hình thành kỹ năng, kỹ xảo cấp cứu; xây dựng phim huấn luyện mẫu 5 kỹ thuật cấp cứu để phát cho cơ quan, đơn vị học tập, làm theo.

Trong quá trình huấn luyện, Lữ đoàn chú trọng huấn luyện từ lý thuyết đến thực hành tại bến và kết hợp huấn luyện lồng ghép với những nội dung khác như huấn luyện đấu tranh bảo vệ sức sống tàu; huấn luyện phòng, chống cháy, nổ; huấn luyện bơi cứu đuối và cứu vớt người rơi xuống nước.

Còn tại Lữ đoàn 125, đến nay, 100% cán bộ, chiến sĩ đã thành thạo “5 kỹ thuật cấp cứu và chuyển thương hỏa tuyến”. Kết quả kiểm tra 100% đạt yêu cầu, hơn 70% khá, giỏi. Trung tá Phạm Hồng Anh, Chủ nhiệm Hậu cần Lữ đoàn 125 cho biết, có được kết quả trên là nhờ việc chủ động thành lập 28 tổ cứu thương ở các cơ quan, đơn vị do Quân y của Lữ đoàn trực tiếp huấn luyện. Sau khi huấn luyện kiểm tra đánh giá kết quả, các tổ cứu thương đều đạt khá, giỏi và đủ điều kiện là đội mẫu để trở về huấn luyện tại cơ quan, đơn vị mình.

“Phát huy những kết quả đạt được, Lữ đoàn sẽ tiếp tục huấn luyện bổ sung kỹ thuật khó, phức tạp và bổ sung cho những người mới chuyển công tác về đơn vị để mỗi cán bộ, chiến sĩ đều có thể xử trí kịp thời các tình huống cấp cứu tại đơn vị cũng như khi làm nhiệm vụ trên biển”, Trung tá Phạm Hồng Anh nói thêm.

Bài, ảnh: MINH NHÂN

;
.